Thứ ba, 19/03/2024 | 11:17
RSS

Áp trần lãi suất cho vay: Nên hay không?

Thứ năm, 19/01/2023, 12:40 (GMT+7)

Nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc các ngân hàng cần phải thống nhất áp dụng trần lãi suất cho vay ...

Thực tế, nhìn trên bình diện chung của thế giới ít có quốc gia nào có mức chênh lệch lãi suất huy động và cho vay lại cao từ như Việt Nam hiện nay. Đặc biệt, chênh lệch lãi suất huy động và cho vay là rất lớn. “Trong khi đầu vào chỉ có 9% thì đầu ra lên đến 15%, lãi suất cho vay cao hơn 50% lãi suất huy động là rất vô lý. Ngân hàng chỉ là trong gian tài chính, nếu thả nổi lãi suất cho vay như vậy sẽ nhanh chóng “giết” chết doanh nghiệp”, một lãnh đạo doanh nghiệp than phiền.

Có thể thấy, việc khống chế trần lãi suất huy động, nhưng lại thả nổi lãi suất cho vay hiện nay chỉ có lợi cho một số ngân hàng. Với thực tế đang diễn ra như hiện nay thì mục tiêu giảm lãi suất cho vay để cứu doanh nghiệp, khôi phục sản xuất khó mà đạt được. Theo các chuyên gia tài chính ngân hàng, vấn đề này cần có sự can thiệp từ cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể ở đây là NHNN vào phải cuộc mạnh mẽ,  xem xét bỏ trần lãi suất huy động và áp trần lãi suất cho vay. Giải pháp khống chế trần cho vay có thể giúp doanh nghiệp được hưởng mức lãi suất cho vay hợp lý và công bằng, theo đó, các ngân hàng cũng có cơ hội để cạnh tranh với nhau một cách lành mạnh.

Hiện nay, NHNN đã áp trần lãi suất huy động thì ở chiều ngược lại, NHNN cũng cần nhanh chóng áp trần lãi suất cho vay. Việc này đảm bảo mặt bằng lãi suất chung hợp lý để kích thích sản xuất, kích cầu tiêu dùng.


Chuyên gia tài chính ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, hiện nay ở Mỹ, lãi suất cho vay giao động từ 7,5% đến 10,5%. Còn ở Việt Nam, lãi suất cho vay ở một số ngân hàng có thể lên tới 15%. Với lãi suất đầu vào 15% thì lợi nhuận doanh nghiệp phải đạt 20%. Như vậy thì doanh nghiệp thà không vay, chấp nhận đóng cửa, dừng sản xuất vì nếu vay thì cũng không tạo ra lợi nhuận cho công ty. Vì có lợi nhuận bao nhiêu thì cũng trả lãi ngân hàng bấy nhiêu. Các doanh nghiệp chịu lãi suất vay rất cao như vậy thì họ không sống được, chính vì vậy vấn đề hạ lãi suất xuống là vấn đề đang được đặt ra. Điều này liên quan đến chính sách điều hành của NHNN.

Do đó, theo TS Lê Xuân Nghĩa, cần phải xem xét thấu đấu lãi suất đầu ra và đầu vào một cách khoa học, hợp lý. Nếu xem xét khách quan có thể thấy, việc khống chế lãi suất tiền gửi và không khống chế lãi suất cho vay đã đã tạo ra những mâu thuẫn giữa quyền lợi của ngân hàng với doanh nghiệp, do vậy đã đến lúc cần có sự thay đổi về vấn đề này.

Điều hành lãi suất của cơ quan quản lý thời gian qua đã theo sát diễn biến của thị trường. Tuy nhiên, mặc dù có sự chỉ đạo của NHNN nhưng lãi suất cho vay đã không giảm nhanh, kịp thời, đồng bộ với lãi suất huy động. Do vậy, việc áp dụng trần lãi suất cho vay là rất cần thiết, để đảm bảo mục tiêu cứu sản xuất, hỗ trợ sản xuất kinh doanh mà Chính phủ đề ra. Bên cạnh đó,  lợi ích của áp dụng trần lãi suất cho vay sẽ giúp các ngân hàng sẽ cạnh tranh lành mạnh hơn, ngân hàng nào có uy tín, có lãi suất huy động thấp, dân vẫn gửi tiền vào và kinh doanh vẫn đạt hiệu quả. Đối với ngân hàng yếu kém, thì những tổ chức tín dụng này không thể nâng quá mạnh lãi suất huy động vì sẽ dẫn đến khả năng thua lỗ, nợ xấu.

Thực tế này cho thấy cần phải có giải pháp hiệu quả hơn nữa để tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, từ đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của toàn nền kinh tế. Do đó, đã đến lúc cần phải xem xét một cách thấu đáo đối với mặt bằng lãi suất cho vay và lãi suất huy động như hiện nay.

Nếu để lãi suất cho vay thả nổi cao như hiện nay, doanh nghiệp khó khăn lại càng thêm khó khăn vì không có nguồn lực để trả lãi, dẫn đến nguy cơ phá sản càng trở nên rõ ràng hơn. Bởi vậy, việc NHNN xem xét áp trần lãi suất cho vay để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay là hết sức cần thiết. Theo các chuyên gia kinh tế, khi lãi suất cho vay hạ về mức hợp lý thì đa số doanh nghiệp trong nền kinh tế tiếp cận được mức lãi suất hợp lý đó chứ không phải chỉ một nhóm doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện. Do đó, giữ lãi xuất cơ bản là cần thiết, nó có tác dụng tích cực trong việc kích thích đầu tư, giảm khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đây là cách để đạt được mục tiêu mà Chính phủ đặt ra là giảm lãi suất cho vay để cứu doanh nghiệp, khôi phục sản xuất, khôi phục nền kinh tế.

Diệu Nhi
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại