Thứ sáu, 17/01/2025 | 13:02
RSS

Cảnh giác trước chiêu trò 'lùa gà' của cơ sở thẩm mỹ

Thứ năm, 06/06/2024, 14:22 (GMT+7)

Tại TPHCM, không khó để tìm thấy các cơ sở thẩm mỹ với hàng loạt các dịch vụ được quảng cáo lộng lẫy, hấp dẫn.

Hàng loạt các quảng cáo khám, chữa bệnh, dịch vụ thẩm mỹ được quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok…

Một số cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn TPHCM nhắm vào tâm lý ham rẻ, thiếu hiểu biết của khách hàng để dùng nhiều chiêu trò bán sản phẩm không rõ nguồn gốc, thực hiện thẩm mỹ không đúng theo cam kết.

“Giấu dao”… sau các quảng cáo lộng lẫy

Đa số khách hàng lựa chọn thực hiện thẩm mỹ tại các cơ sở thẩm mỹ tư mà không chọn làm tại bệnh viện vì không có nhiều thời gian rảnh để làm đẹp nhưng muốn kết quả nhanh.

Tại TPHCM, không khó để tìm thấy các cơ sở thẩm mỹ với hàng loạt các dịch vụ được quảng cáo lộng lẫy, hấp dẫn.

ThS.BS Nguyễn Duy Quân, Khoa Thẩm mỹ, Bệnh viện Da Liễu TPHCM cho biết, đa số các bệnh nhân đến với bệnh viện trong tình trạng biến chứng do tiêm các chất làm đẹp như filler, botox… không rõ nguồn gốc. Phần lớn họ thực hiện tại các cơ sở không an toàn, người thực hiện không có chuyên môn, kỹ thuật.

“Có những ca biến chứng nhẹ, tới sớm có thể điều trị được và ít để lại di chứng. Trường hợp nặng, đến trễ hoặc tự ý xử lý ở nhà trước khi đến bệnh viện sẽ gây tình trạng nhiễm khuẩn nặng, thời gian điều trị lâu và có di chứng”, BS Quân cho hay.

Trên thực tế, có rất nhiều khách hàng vì thiếu hiểu biết, ham rẻ nên đã lựa chọn những dịch vụ làm đẹp không đảm bảo an toàn, dẫn đến những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Cụ thể, khoảng giữa năm 2023, một phụ nữ (quê Cà Mau) đã nghe quảng cáo từ người quen và quyết định tiêm filler ngực tại TPHCM với giá 10 triệu đồng. Nơi thực hiện là phòng ngủ tại một khách sạn. Sau khi được tiêm dung dịch nâng ngực, người phụ nữ rơi vào tình trạng tím tái, sùi bọt mép, mạch, huyết áp không có và tử vong.

BS.CKI Lê Anh Tuấn, Phụ trách phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết, tháng 1/2024 cũng tiếp nhận bệnh nhân nữ, sinh năm 1984 (trú tại tỉnh Đồng Nai) bị sốc phản vệ sau khi thực hiện ủ tê tại một cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn Quận 10 (TPHCM).

“Sau tầm soát, ghi nhận phổi bệnh nhân tổn thương, trắng xóa 2 bên, tổn thương đa cơ quan, suy đa tạng, có dấu hiệu suy hô hấp, bạch cầu tăng, nhiễm trùng rõ. Bệnh nhân được lọc máu liên tục và điều trị tích cực”, BS Tuấn cho hay.

Hiện nay, trên mạng xã hội có rất nhiều hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm làm đẹp để tránh bị lừa. Đa số các lời khuyên được đưa ra từ chính kinh nghiệm của bản thân sau khi đến các cơ sở không uy tín trên địa bàn TPHCM để thực hiện thẩm mỹ. Có rất nhiều trường hợp khách chấp nhận mất tiền và không thực hiện tiếp liệu trình.

Chị V.A. (trú tại Quận 5, TPHCM) chia sẻ: “Tham khảo trên các trang mạng xã hội mà không kiểm tra lại thông tin, tôi quyết định đến làm đẹp tại một cơ sở thẩm mỹ tư có quy mô cũng khá lớn. Tại đây, tôi được tư vấn trị nám với gói 25 triệu đồng bằng các phương pháp tiên tiến nhất”.

Với số tiền này, cơ sở cam kết chỉ 4 lần sẽ xóa sạch nám cho chị V. A. Nhưng, chị A. đi tới lần thứ 8 mà kết quả vẫn không khả quan.

“Bảo hành trọn đời chính là động lực để tôi đặt niềm tin khi quyết định chuyển hết 25 triệu đồng. Trong quá trình điều trị, tôi được tư vấn mua thêm rất nhiều sản phẩm đi kèm. Cuối cùng, tôi đã mất hơn 100 triệu đồng, nhưng kết quả gần như bằng 0”, chị V.A. chia sẻ.

Hiện trường phẫu thuật thẩm mỹ trái phép thực hiện trong phòng khách sạn ở TPHCM.

Tỉnh táo để không tự biến thành “gà”

Liên quan đến các trường hợp bị biến chứng, BS.CKI Dương Đức, Khoa Da Liễu, Bệnh viện 7A (TPHCM) nhận định, thực tế các ca có biến chứng đa số khai thác bệnh sử đều thực hiện tại các cơ sở không phép, người thực hiện không có bằng cấp hoặc thực hiện sai kỹ thuật.

Có rất nhiều trường hợp người thực hiện chỉ vừa tham gia vài buổi trong chương trình đào tạo tại một cơ sở thẩm mỹ không chính quy, đã tự cho mình là bác sĩ. Họ đã đăng quảng cáo tràn lan trên nền tảng mạng xã hội để chèo kéo khách hàng, bất chấp rủi ro.

“Phẫu thuật thẩm mỹ được coi là đa ngành nghề, nghĩa là phải làm nhiều kỹ thuật như: Gây tê, gây mê… Những người không phải là bác sĩ, không được đào tạo đúng chuyên môn, khi có biến chứng xảy ra, sẽ không biết cách xử lý, dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe tính mạng của khách hàng”, BS Đức khẳng định.

Thời gian qua, Sở Y tế TPHCM liên tiếp phát hiện các cơ sở khám chữa bệnh không phép. Các cơ sở này chủ yếu thực hiện quảng cáo dịch vụ y tế không phép, sai sự thật nhằm mục đích lừa đảo.

Trao đổi về vấn đề cấp phép, BS Đức cho biết thêm, cơ sở thẩm mỹ, làm đẹp chỉ được cấp phép thực hiện các dịch vụ nhất định, đặc biệt đối với các kỹ thuật làm đẹp có xâm lấn thì không phải cơ sở nào cũng được làm.

Nếu muốn mở cơ sở thẩm mỹ, cần đáp ứng đủ hai điều kiện. Thứ nhất, người làm phải có chức danh nghề của Sở Y tế cấp; chức danh nghề đó thuộc chuyên ngành phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và bắt buộc người đó phải là bác sĩ mới được thực hiện. Thứ hai, cơ sở thẩm mỹ thực hiện phải thuộc phòng khám thì mới được thực hiện xâm lấn.

“Đối với khách hàng, khi có ý định phẫu thuật thẩm mỹ, việc đầu tiên là phải tìm hiểu người sẽ phẫu thuật cho mình có đủ giấy phép, giấy tờ cần thiết không, còn vấn đề đẹp xấu thì đừng nên quá tin vào những lời quảng cáo có cánh”, BS Đức nói.

Không chỉ dừng lại ở việc hoạt động trái phép, cung cấp các dịch vụ xâm lấn, một số cơ sở thẩm mỹ dù không có chứng chỉ về y tế, nhưng vẫn nhận đào tạo nghề và kiêm luôn việc cung cấp nguyên vật liệu thẩm mỹ kém chất lượng.

“Khách hàng chủ yếu gặp tình trạng nhiễm trùng là do ham rẻ. Trên thực tế, có 2 loại filler đang thịnh hành hiện nay là hàng Hàn Quốc và hàng châu Âu. Hàng Hàn Quốc có giá từ 2 - 6 triệu đồng/cc, hàng châu Âu có giá từ 6 - 12 triệu/cc. Tiêm filler nâng ngực, ít nhất cần 100cc/1 bên để có thể nâng ngực”, BS Đức nói.

BS Đức cảnh báo, người dân nên tìm hiểu kỹ những cơ sở mình định làm phẫu thuật thẩm mỹ, không nên tin vào những quảng cáo hào nhoáng. Thực tế có cơ sở thẩm mỹ mượn danh những bác sĩ giỏi để lừa khách hàng, khi khách hàng lên bàn mổ, gây mê thì hoàn toàn không nhận thức được bác sĩ nào thực hiện phẫu thuật.

“Đây là một trong những chiêu trò của các phòng khám chui, phòng khám không được cấp phép nhằm thu hút khách. Người dân cần hết sức cảnh giác để tránh hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra. Nếu có nhu cầu làm đẹp cần tìm hiểu kỹ cơ sở thực hiện, đừng vì những lợi ích nhất thời mà để lại hậu quả đáng tiếc”, BS Đức nhấn mạnh.

Sở Y tế TPHCM khuyến cáo, người dân cần cảnh giác trước những thông tin quảng cáo khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt quảng cáo các dịch vụ thẩm mỹ không đúng quy định pháp luật không đáng tin trên mạng xã hội. Để đảm bảo thông tin, người dân có thể tra cứu thông tin các cơ sở khám, chữa bệnh và người hành nghề tại cổng thông tin của Sở Y tế TPHCM.
Lâm Ngọc
Theo Giáo dục & Thời đại