Chủ nhật, 19/01/2025 | 11:48
RSS

Cảnh giác khi con không phản ứng với âm thanh

Thứ sáu, 31/08/2018, 16:16 (GMT+7)

Căn bệnh điếc bẩm sinh khiến hàng trăm ngàn trẻ em Việt Nam không thể nghe, nói và phải sống một cuộc đời lặng lẽ...

điếc bẩm sinh

Cảnh giác khi con không phản ứng với âm thanh, điếc bẩm sinh

Con không phản ứng với âm thanh

Mẹ của bé B.N. (6 tuổi, ngụ tại Bắc Ninh) chia sẻ, khi sinh cháu ra bé hoàn toàn khỏe mạnh. Chị cũng không nghĩ con mình bị điếc sâu. Khi cháu bé 3 tháng tuổi, cháu vẫn phản ứng nhìn theo mẹ nhưng đến 8 tháng tuổi cháu không có phản ứng với âm thanh. Lúc này, chị đưa con đi kiểm tra thính lực mới biết cháu bị bệnh điếc sâu.

Anh chị không có tiền để mua máy trợ thính cho con nên chỉ còn biết trông chờ cơ hội. Đến năm cháu 3 tuổi, chị mới có tiền phẫu thuật cấy ốc tai điện tử cho bé. Sau khi được cấy ốc tai điện tử, hiện bé đã hòa nhập tốt, sức khỏe ổn định.

Theo thống kê mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới có 5% dân số bị sức nghe kém, tương đương với 360 triệu người. Còn tại Việt Nam theo 1 khảo sát của của tổng cục Dân số, riêng năm 2013 đã có 5.000 trẻ nghe kém trên 1,2 triệu trẻ chào đời. Thông thường cấy ốc tai điện tử được chỉ định cho những bệnh nhân giảm thính lực mức độ nặng đến sâu và sử dụng máy trợ thính không hiệu quả.

Đặc biệt, ở nhóm trẻ em nghe kém nặng sâu bẩm sinh. Lứa tuổi có thể cấy an toàn là từ một tuổi trở lên và thời gian phù hợp nhất là từ một đến ba tuổi vì đây là thời gian mà trung tâm thính giác ở vỏ não phát triển mạnh nhất giúp cho sự phát triển ngôn ngữ của trẻ. Nếu cấy càng trễ, hiệu quả càng kém và mất nhiều thời gian để huấn luyện ngôn ngữ.

Cấy ốc tai điện tử khi nào?

Cấy ốc tai điện tử được thực hiện thật sự có hiệu quả với những trẻ điếc bẩm sinh, được cấy càng sớm càng tốt, hoặc trẻ em và người lớn bị điếc đột ngột trong vòng 3 năm.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An, Nguyên trưởng khoa Tai Mũi Họng trẻ em, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, Giám đốc Bệnh viện An Việt cấy ốc tai điện tử là một kỹ thuật được triển khai ở nhiều nước trên thế giới và giờ đây tại Việt Nam phương pháp này được triển khai ở một số ít bệnh viện. Phương pháp này thường được chỉ định khi các biện pháp điều trị khiếm thính khác không đạt hiệu quả. Độ tuổi tốt nhất để thực hiện phẫu thuật này là từ 12 tháng - 3 tuổi vì đây là giai đoạn phát triển về thần kinh thính giác, ngôn ngữ ở trẻ. Nếu ở độ tuổi càng muộn, việc phát triển ngôn ngữ của bệnh nhân càng khó khăn, phải rất kiên nhẫn và cần nhiều thời gian. Trên thế giới, trường hợp ít tuổi nhất được cấy điện cực ốc tai là 6 tháng tuổi, tuy nhiên đây là những trường hợp rất hiếm gặp và được chỉ định đối với từng trường hợp cụ thể.

Tuy nhiên, ở Việt Nam do hạn chế về điều kiện để chẩn đoán, nên việc phát hiện, điều trị còn muộn, nên việc phục hồi chức năng sau này cũng chậm trễ hơn so với những trường hợp được thực hiện sớm. Sau khi thực hiện cấy ốc tai điện tử thành công, bệnh nhi còn phải tiếp tục quá trình luyện đeo máy, dạy nói… Đến khi bé nghe nói được, phát triển ngôn ngữ gần như bình thường thì mới khẳng định ca phẫu thuật thành công. 

Xem thêm: Hoa hậu Hương Giang bị chê ăn nói thô tục

Kim Hảo
Theo Đời sống Plus/GĐVN