Thứ sáu, 19/04/2024 | 13:50
RSS

Cảnh giác biến chứng vô sinh ở bệnh quai bị

Thứ hai, 29/01/2018, 13:56 (GMT+7)

Viêm tinh hoàn, viêm buồng trứng... những nguy cơ đáng sợ khi mắc bệnh quai bị. Nó có thể gây biến chứng vô sinh ở cả nam giới, phụ nữ.

Cảnh giác biến chứng vô sinh ở bệnh quai bị, biến chứng vô sinh, bệnh quai bị
Nguy cơ biến chứng vô sinh do quai bị có thể gặp ở cả nam lẫn nữ

Vì sao quai bị có thể gây biến chứng vô sinh?

Quai bị (hay còn gọi là chàm bàm) là bệnh do virus thuộc họ Paramyxovirus gây ra, thường gặp ở trẻ em ở độ tuổi từ 5 – 14 tuổi. Bệnh tiến triển mạnh vào mùa Đông và Xuân do nhiệt độ hạ thấp, mầm bệnh dễ phát tán.

Bệnh quai bị có đặc trưng là sưng đau tuyến nước bọt, đôi khi đi kèm theo viêm tuyến sinh dục, viêm màng não, viêm tụy và một số cơ quan khác. Bệnh dễ dàng truyền nhiễm từ người này sang người khác, thông qua đường hô hấp: nước bọt, ho, hắt hơi và khi dùng chung những vật dụng cá nhân.

Bệnh quai bị tưởng chừng như đơn giản nhưng nếu không được điều trị kịp thời có thể để lại biến chứng nguy hiểm. Trong đó có biến chứng vô sinh.

Nguyên nhân là do bệnh quai bị ảnh hưởng trực tiếp đến tinh hoàn, làm phá vỡ các cấu trúc bên trong của tinh hoàn, gây ra suy tinh hoàn - một bệnh lý nằm trong nhóm rối loạn hoạt động nội tiết tố. Đó là tình trạng tinh hoàn ngưng sản xuất nội tiết (testosterone) và không tạo tinh trùng. 

Cảnh giác biến chứng vô sinh ở bệnh quai bị, biến chứng vô sinh, bệnh quai bị
Nhiều trường hợp vô sinh từng có tiền sử quai bị và sưng tinh hoàn

Biểu hiện rõ hơn sự tác động của quai bị là chứng viêm tinh hoàn. Các trường hợp viêm thường ở một bên và trong 1/6 trường hợp là bị cả 2 bên. Bên cạnh đó, nam giới mất mô tinh hoàn và teo tinh hoàn sau khi mắc bệnh quai bị chiếm 30-50% các trường hợp khảo sát.

Ngoài ra, nhiều trường hợp vô sinh có tiền sử quai bị và sưng tinh hoàn, mặc dù nguyên nhân chính xác chưa được hiểu hết. 

Với nữ giới, bênh quai bị cũng có thể gây viêm buồng trứng cho các chị em, dù tỉ lệ ít hơn so với nam giới. Cá biệt một số trường hợp, không được xử lý đúng cách, bệnh nhân nữ sẽ bị vô sinh. 

Phòng tránh biến chứng vô sinh do bệnh quai bị như nào cho đúng?

Cảnh giác biến chứng vô sinh ở bệnh quai bị, biến chứng vô sinh, bệnh quai bị
Chườm nóng, nghỉ ngơi tối đa là những việc cần làm khi mắc quai bị

Tuy biến chứng trên gây lo lắng cho nhiều người, nhưng không phải trường hợp nào mắc quai bị cũng gây vô sinh. Không phải trường hợp nào nam giới nhiễm bệnh và có sưng tinh hoàn cũng bị vô sinh. 

Những trường hợp quai bị trong 7-10 ngày đầu, người bệnh nên được nghỉ ngơi nhiều nhất sẽ hạn chế mức độ hoạt động của virus này khi cơ thể đang mệt mỏi vì nhiễm. 

Vì vậy, người bệnh quai bị nên được chăm sóc theo những cách sau đây:

- Để chống viêm tuyến nước bọt thì chườm nóng vùng hàm, xúc miệng bằng nước sát trùng, ngậm chanh, ăn thức ăn lỏng trong những ngày đầu. 

- Để chống viêm tinh hoàn, người bệnh có thể chườm nóng tinh hoàn, nằm nghỉ ngơi trong thời gian đau và dùng thêm thuốc chống viêm, giảm đau. 

- Sau 3 tháng, nếu muốn đánh giá lại chất lượng tinh trùng, bệnh nhân có thể tìm đến các bác sĩ nam khoa để được tư vấn cụ thể và thực hiện các xét nghiệm cần thiết.

- Riêng trong quá trình nhiễm bệnh quai bị, người bệnh nên được cách ly. Những người lành khi tiếp xúc với bệnh nhân quai bị phải đeo khẩu trang.

- Trường hợp viêm tinh hoàn, nên chọn loại quần nhỏ thoải mái có thể nâng đỡ tinh hoàn tốt để giúp giảm đau.

Cảnh giác biến chứng vô sinh ở bệnh quai bị, biến chứng vô sinh, bệnh quai bị
Tiêm phòng vaccine là cách hiệu quả nhất để tránh những rủi ro do bệnh mang đến

Tuy vậy, cách tốt nhất để chủ động phòng ngừa những rủi ro do quai bị mang đến là thực hiện tiêm phòng vaccine. Hiện nay bệnh quai bị chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vaccine phòng bệnh quai bị thường kết hợp với phòng sởi và rubella (Trimovax, MMR).

Với trẻ em từ 9 tháng – 12 tháng tuổi cần tiêm 3 lần (lần đầu lúc 9 tháng tuổi, lần 2 sau lần đầu 6 tháng, lần 3 từ 4-12 tuổi). Trẻ ở độ tuổi từ 12 tháng – 5 tuổi cần tiêm 2 lần (lần 1 lúc 12 tháng tuổi và lần 2 từ 4-12 tuổi).  Trẻ em trên 5 tuổi và người lớn: chỉ cần tiêm 1 mũi duy nhất. 

Nguyễn Diệp (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN