Thứ năm, 25/04/2024 | 07:32
RSS

Cảnh báo nhiễm sán dây do thường xuyên ăn thịt tái và tiết canh

Thứ ba, 26/07/2022, 17:29 (GMT+7)

Qua thăm khám, các bác sĩ nhận định, bệnh nhân bị nhiễm sán dây trưởng thành. Được biết, trước đó bệnh nhân thường xuyên ăn thịt tái/sống và tiết canh.

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) Nghệ An cho biết, Phòng khám ký sinh trùng CDC tỉnh này đã tiếp nhận một bệnh nhân bị nhiễm sán dây do thường xuyên ăn thực phẩm tái/sống và tiết canh.

Cụ thể, bệnh nhân là ông N.V.D. (45 tuổi, trú tại Kỳ Thượng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Ông D. đến đến Phòng khám ký sinh trùng CDC tỉnh Nghệ An khám vì lý do hay bị đau bụng vùng xung quanh rốn, có buồn nôn, đi ngoài phân lỏng, thỉnh thoảng bệnh nhân đi đại tiện có phát hiện nhiều sợi màu trắng đục, hơi ngà vàng dài 2 - 3cm (đốt sán) lẫn theo phân ra ngoài.

Khai thác tiền sử được biết, bệnh nhân thường xuyên ăn thịt lợn tái, thịt bò tái, gỏi cá và hay ăn tiết canh lợn, tiết canh bê. Sau khi thăm khám và kiểm tra các mẫu bệnh phẩm mà bệnh nhân mang theo, các bác sĩ nhận định bệnh nhân đã bị nhiễm sán dây trưởng thành và đã được điều trị theo đúng phác đồ của Bộ Y tế.

Cảnh báo nhiễm sán do thường xuyên ăn thịt tái và tiết canh

Ảnh minh họa

Bệnh sán dây (bệnh sán dải) thường kí sinh ở đường ruột của người bệnh. Sán dây là loài ký sinh có thân dẹp, màu trắng đục và có nhiều đốt nối tiếp nhau nhưng không hề có bộ phận tiêu hóa. Đặc biệt hơn nữa là cơ thể của loài này dài và hẹp nên có cái tên là sán dây.

Nguyên nhân gây ra bệnh là do ăn phải trứng sán dây từ thức ăn vào cơ thể thông qua quá trình ăn uống. Đặc biệt là những người có thói quen ăn tái, ăn sống hoặc nấu ăn chưa chín kỹ thì tỷ lệ mắc bệnh là rất cao.

Thông thường khi cơ thể bị nhiễm ký sinh trùng sán dải trì chỉ biểu hiện các triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng gì quá nổi bật. Cơ thể chỉ thấy hơi mệt mỏi, đau bụng và tiêu chảy, tùy vào từng loại sán dây bạn mắc phải mà sẽ có những triệu chứng khác khau.

Để chủ động phòng bệnh sán dây, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện ăn chín, uống chín, ăn các thức ăn đã được nấu chín kỹ, chế biến hợp vệ sinh.

Bên cạnh đó, không sử dụng thịt lợn ốm để chế biến thực phẩm. Không ăn thịt lợn tái, chưa nấu chín, nem chua sống, (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), rau sống không đảm bảo vệ sinh (nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn).

Ngoài ra, cần quản lý phân tươi, nhất là ở những vùng có người nhiễm sán dây lợn trưởng thành. Sử dụng hố xí hợp vệ sinh. Không nuôi lợn thả rông. Người có sán trưởng thành trong ruột phải được điều trị, không phóng uế bừa bãi.

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại