Thứ sáu, 22/11/2024 | 23:32
RSS

Cần làm rõ trách nhiệm việc chậm cổ phần hoá doanh nghiệp tại TP.HCM

Thứ tư, 03/07/2019, 10:06 (GMT+7)

Tại Hà Nội, những doanh nghiệp “quả đấm thép” đã thoái vốn thành công thì tại TP.HCM lại chậm trễ khó hiểu?

Phải giảm tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước

Được biết, năm 2018, cả nước có 64 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) phải cổ phần hóa thì riêng TP. HCM phải cổ phần hóa 39 DNNN. Nhưng đến nay, thành phố chưa cổ phần hóa được DNNN nào, ảnh hưởng tới tiến độ cổ phần hóa của cả nước.

Tại buổi làm việc vào tháng 10/2018 với lãnh đạo UBND TP. HCM, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ yêu cầu UBND thành phố sớm trình Thành uỷ phê duyệt để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án sắp xếp cổ phần hoá DNNN của TP. Hồ Chí Minh tới năm 2020, tổ chức thực hiện theo tinh thần khẩn trương theo quy định pháp luật một cách công khai, minh bạch, bảo đảm lợi ích cao nhất cho Nhà nước.

Thực tế cho đến nay, tiến độ thoái vốn, cổ phần hoá DNNN tại TP.HCM gần như dậm chân tại chỗ. 

Trong khi tại Hà Nội một số “quả đấm thép” là những Tổng công ty 90, 91 như Viglacera, Vinaconex đã thoái vốn thành công, thu về hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách, thì tại TP.HCM, tình trạng giữ cổ phần chi phối ở nhiều ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn hoặc giữ cổ phần chi phối tại doanh nghiệp đang khá phổ biến. 

Một trong những điển hình về sự chậm trễ, “nói nhưng không làm” về lộ trình thoái vốn có thể thấy rõ ởTổng Công ty Địa ốc Sài Gòn – TNHH MTV (Resco).

Resco được thành lập vào tháng 9/1998 với 100% vốn nhà nước trực thuộc UBND TP. HCM, có hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh địa ốc. 

Để nâng cao hiệu quả hoạt động, ngày 31/12/2013, UBND TP HCM ký Quyết định số 7432 phê duyệt đề án tái cơ cấu Resco giai đoạn 2013-2015. 

Theo đề án tái cơ cấu, Resco thực hiện cổ phần hóa sau năm 2015, nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Cần làm rõ trách nhiệm việc chậm cổ phần hoá doanh nghiệp tại TP.HCM?
Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, người phụ trách cổ phần hóa

Trong giai đoạn 2013-2015, Resco sẽ cổ phần hóa 5 công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước (nhà nước sẽ giữ dưới 50% vốn điều lệ) gồm: Đầu tư phát triển Thủ Thiêm, Phát triển và kinh doanh nhà; Xây dựng thương mại Sài Gòn 5, Đầu tư địa ốc Gia Định, Địa ốc Bình Thạnh; bán bớt vốn đầu tư tại 10 doanh nghiệp; bán hết vốn đã đầu tư tại 13 doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đã hơn 5 năm trôi qua, 5 công ty TNHH MTV 100% vốn do Resco sở hữu thì 1 công ty cổ phần hóa với tỷ lệ Nhà nước nắm giữ trên 50%, 3 công ty Nhà nước nắm giữ tỷ lệ dưới 50% và 1 công ty Resco vẫn nắm giữ 100%, chưa đúng theo Quyết định 7432 đã được duyệt. 

Trong khi đó, một số công ty tỷ lệ sở hữu của Resco trên 50% thuộc diện phải bán bớt vốn nhưng lại chưa thực hiện nhưCông ty cổ phần địa ốc 10 (Resco 10), Công ty cổ phần địa ốc Tân Bình và Công ty cổ phần đầu tư xây dựng kinh doanh nhà Sài Gòn.

Đáng chú ý, theo đề án tái cơ cấu, mục tiêu của Resco giai đoạn 2013 – 2015 là doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng bình quân 10%/năm trở lên. 

Tuy nhiên, có thể thấy giai đoạn 2013 – 2015 kết quả kinh doanh của Resco rất trồi sụt, doanh thu giảm liên tục trong ba năm, đi ngược lại với mục tiêu của đề án. Còn lợi nhuận thì năm 2014 ghi nhận tăng trưởng tới 30% nhưng sang năm 2015 lại giảm 37%.

Không chỉ giai đoạn 2013 – 2015, nhìn vào đồ thị thống kê có thể thấy từ năm 2013 – 2017, doanh thu của Resco liên tục lao dốc và lợi nhuận vẫn tiếp tục trồi sụt. Qua đó có thể thấy hoạt động kinh doanh kém hiệu quả và thiếu ổn định của Resco.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc chậm trễ cổ phần hoá và Nhà nhà nắm giữ cổ phần chi phối tại những công ty như Resco đang làm cho “sức khoẻ” của những doanh nghiệp này yếu đi. 

Phải chăng những người được giao đại diện phần vốn Nhà nước tại Resco đã cố tình trì hoãn, kéo dài thời gian thoái vốn nhằm mục đích tiếp tục duy trì vị thế và quyền lợi của mình tại đây?

Có hay không lợi ích nhóm?

Liên quan đến tiến độ cổ phần hoá DNNN, ngày 5/1/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg về việ tăng vường công tác chỉ đạo, đẩy mạnh công tác cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hoá và thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước.  

Ngoài việc biểu dương những thành quả đã đạt được, Chỉ thị số 01 của Thủ tướng nêu rõ, một số bộ, ngành, địa phương chưa phê duyệt phương án cơ cấu lại các DNNN, chưa hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt; còn giữ cổ phần chi phối ở nhiều ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn hoặc giữ cổ phần chi phối, đặc biệt là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. 

Cần làm rõ trách nhiệm việc chậm cổ phần hoá doanh nghiệp tại TP.HCM?
Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn (Resco)

Một số cơ chế, chính sách ban hành chậm so với kế hoạch đề ra. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do kỷ cương, kỷ luật trong thực thi chính sách, pháp luật chưa nghiêm. 

“Còn tình trạng lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn, gây bức xúc dư luận. Nhận thức về chủ trương cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN của một số lãnh đạo đơn vị còn chưa quyết liệt; kỷ luật chấp hành chỉ đạo của cấp trên, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chưa được thực hiện nghiêm; còn tư tưởng e ngại, nhận thức chưa rõ trong vấn đề đổi mới khi cổ phần hóa, thoái vốn; tâm lý sợ mất vị trí, vai trò sau cổ phần hóa, thoái vốn…”, chỉ thị số 01 nêu rõ. 

Chỉ thị nêu rõ phải xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong việc để chậm trễ trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn, quyết toán cổ phần hóa; việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, chấp hành các

quy định về cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại và hiệu quả hoạt động của DNNN; có chế tài đủ mạnh, xử lý nghiêm các vi phạm, không để tái diễn.
Liên quan đến thực trạng cổ phần hoá tại TP.HCM, người dân và nhà đầu tư đang đặt câu hỏi những cá nhân được giao phụ trách lĩnh vực này như Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm, Trưởng Ban đổi mới quản lý doanh nghiệp TPHCMông Lê Trọng Sang, Chi Cục trưởng Chi cục Tài chính Doanh nghiệp Phan Thị Hồng sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào khi để tình trạng cổ phần hoá bị đình trệ?

Liệu đằng sau sự “đứng yên”, chậm trễ thoái vốn tại TP.HCM phải chăng do lợi ích nhóm chi phối? Những người được giao phụ trách cũng đang lo ngại sẽ mất vị trí, vai trò, quyền lợi nếu thoái hết vốn nhà nước tại các công ty này? 

 

15 năm không được quyết toán

Ngoài việc chậm trễ thoái vốn Nhà nước, thì hiện tại, nhiều nhà đầu tư cũng “mắc cạn” khi chi hàng nghìn tỷ đồng mua lại cổ phần của doanh nghiệp Nhà nước tại TP.HCM.

Cụ thể, đến nay đã có 31 doanh nghiệp tại TP.HCM cổ phần hoá từ rất lâu nhưng vẫn chưa thể quyết toán. Có nhiều doanh nghiệp cổ phần hoá hơn 15 năm trước như công ty Vận tải bến bãi (cổ phần hoá năm 2004), Công ty kỹ thuật xây dựng Phú Nhuận (cổ phần hoá 2005), Công ty kinh doanh thuỷ sản Sài Gòn – ATP(cổ phần hoá năm 2006) vẫn đang trong tình trạng không được quyết toán chuyển thể doanh nghiệp.

Theo quy định thì sau 30 ngày cổ phần hoá, các thủ tục phải được hoàn tất.

Một số ý kiến cho rằng, nguyên nhân của tình trạng này là do sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan có trách nhiệm tại TP.HCM và người phụ trách cổ phần hoá của UBND TP.HCM là Phó Chủ tịch thường trực Lê Thanh Liêm.

 

Nhóm PV
Theo Đời sống Plus/GĐVN