Anh Đoàn Văn Tí bị một nhóm người tìm đến nhà hành hung sau khi tài khoản Facebook có tên Đàm Vĩnh Hưng treo thưởng 20 triệu
Liên quan tới vụ việc anh Đoàn Văn Tí (30 tuổi, trú tại tỉnh An Giang) có hành vi liên tục dùng tay đánh vào vùng mặt con trai còn nhỏ tuổi khiến dư luận bức xúc.
Sau khi đoạn video clip trên xuất hiện trên mạng xã hội, một tài khoản Facebook có tên Đàm Vĩnh Hưng được cho là đã có hành vi tham gia kích động và treo thưởng 20 triệu đồng nếu có người tát vào mặt người đàn ông trong clip liên tục giống như cách người này đánh cậu con trai. Điều kiện Đàm Vĩnh Hưng đưa ra cho người được 20 triệu đồng là phải quay clip và gửi về cho mình.
Có khá nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh câu chuyện này, trong đó đa phần là quan điểm không đồng tình với nam ca sĩ, thậm chí xét về góc độ luật pháp, Đàm Vĩnh Hưng có dấu hiệu vi phạm khi khởi xướng hành động công kích người khác.
Đáng nói, sau khi bài đăng của tài khoản Facebook Đàm Vĩnh Hưng xuất hiện, anh Đoàn Văn Tí đã bị một nhóm người tìm đến tận nơi ở để thực hiện hành vi hành hung.
Liên quan đến vụ việc trên, tối 24/10, trang Facebook tên Đàm Vĩnh Hưng lần đầu lên tiếng trên trang cá nhân về sự việc kích động bạo lực đối với người cha bạo hành con nhỏ ở Tiền Giang với nội dung.
"Tôi, ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng, công dân Việt Nam kính xin lỗi luật pháp và nhà nước Việt Nam. Tôi là người có sự ảnh hưởng với công chúng nhưng lại chọn cách sai pháp luật làm xáo động dư luận trong mấy ngày qua cũng chỉ vì lòng trắc ẩn của tôi dành cho đứa trẻ. Và tôi luôn trong tâm thế sẵn sàng đón nhận sự khiển trách của luật pháp một cách nghiêm túc".
Dòng trạng thái tài khoản Facebook có tên Đàm Vĩnh Hưng đăng tải
Theo đó, bài viết còn bày tỏ, Đàm Vĩnh Hưng trong những ngày qua, anh im lặng để quan sát, lắng nghe, theo dõi mọi thứ diễn ra. Anh đọc "không thiếu một bài viết nào, một bình luận nào".
Khi bình tĩnh lại, Đàm Vĩnh Hưng thừa nhận: "Tôi đã quá bao đồng, quá dễ xúc cảm. Phần Người trong tôi nhiều hơn phần Con. Tôi là kẻ nhẹ dạ. Tôi bị thiếu kiến thức về luật".
Giải thích cho hành vi kích động bạo lực ngày 17 và 18/10, Đàm Vĩnh Hưng cho biết, anh bị ám ảnh vì tuổi thơ "quá nhiều roi vọt". "Tôi đã không kìm chế được sự bức xúc trong lòng với những ký ức của tuổi thơ tràn về dữ dội khi nhìn thấy những cái tát như kẻ thù giáng vào mặt đứa bé. Vì thế, tôi đã chọn cách làm như một sự cảnh cáo để thức tỉnh người cha ấy", Đàm Vĩnh Hưng viết.
Sau khi có được thông tin chi tiết về đoạn clip, Đàm Vĩnh Hưng cảm thấy bản thân quá vội vã vì anh không biết sự việc trong clip đã diễn ra cách đây 2 năm. Hiện tại, Đàm Vĩnh Hưng cho biết anh vẫn ở nơi lưu trú, sẵn sàng chấp hành thư mời làm việc và sẽ cùng luật sư hợp tác với phía cơ quan chức năng để xử lý vụ việc.
Có khá nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh câu chuyện này, trong đó đa phần là quan điểm không đồng tình với nam ca sĩ, thậm chí xét về góc độ luật pháp, Đàm Vĩnh Hưng có dấu hiệu vi phạm khi khởi xướng hành động công kích người khác.
Trao đổi với PV, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn Phòng Luật sư Chính Pháp – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, pháp luật luôn khuyến khích người vi phạm nhận ra lỗi lầm, khắc phục sửa chữa, ăn năn hối cải. Hành vi của Đàm Vĩnh Hưng không chỉ vi phạm pháp luật mà còn không phù hợp với đạo đức xã hội nên sẽ bị xã hội lên án và các cơ quan chức năng xem xét xử lý.
Luật sư cho rằng cần làm rõ nhóm đối tượng đánh người có xuất phát từ hành động treo giải của Đàm Vĩnh Hưng hay không?
Cơ quan chức năng cần làm rõ nhóm đối tượng đánh anh Tý có phải xuất phát từ hành động xúi giục, treo giải của Đàm Vĩnh Hưng hay không. Nếu anh Tý có thương tích, đủ căn cứ xử lý về tội cố Ý gây thương tích với nhóm người đánh anh này và có căn cứ chứng minh Đàm Vĩnh Hưng là người xúi giục thì sẽ xử lý Đàm Vĩnh Hưng với vai trò đồng phạm.
Còn trường hợp, thương tích của anh Tý chưa đến mức có thể xử lý nhóm đối tượng đã đánh anh này về tội cố ý gây thương tích (dưới 11%) hoặc chỉ đủ căn cứ để xử lý ở khoản 1 theo điều 134 Bộ luật hình sự, vụ việc thuộc trường hợp khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại nhưng anh Tý không có đơn tố cáo thì cũng không đủ căn cứ để xử lý hình sự với nhóm đối tượng đã gây thương tích cho anh này. Tuy nhiên, nhóm đối tượng vi phạm vẫn sẽ bị xử phạt hành chính theo khoản 3, Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP Về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Ngoài ra, hành vi lôi kéo, kích động người khác xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của người khác như hành động của Đàm Vĩnh Hưng thì sẽ có thể bị xử phạt hành chính theo điều 66 của Nghị định 174/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số, vô tuyến điện với mức xử phạt có thể lên đến 20.000.000 đồng.
Luật sư Cường cho biết thêm, kết quả xử lý vụ việc này như thế nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó có mức độ thương tích của nạn nhân, việc nhận nạn nhân có làm đơn trình báo, tố cáo, yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý hay không.
Trong trường hợp không đủ căn cứ để xử lý hình sự theo quy định pháp luật thì vẫn có thể xử phạt hành chính đối với Đàm Vĩnh Hưng và giống người đã đánh anh Tý theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP hoặc nghị định 174/2013/NĐ-CP nêu trên. Ngoài ra, hành vi bạo hành trẻ em, đánh con của anh Tý cũng sẽ bị xem xét xử phạt hành chính hoặc sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra đối với nạn nhân.