Thứ năm, 25/04/2024 | 17:10
RSS

Cần làm rõ nghi vấn “nâng khống” giá thiết bị trong đấu thầu tại trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp

Thứ hai, 15/03/2021, 10:26 (GMT+7)

Tòa soạn báo Pháp luật Plus nhận được phản ánh gói thầu tịa trường ĐHKT-KTCN có dấu hiệu tiêu cực, gây thất thoát cho Ngân sách Nhà nước với số tiền lớn.

Ngày 8/12/2020. Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp Trần Hoàng Long đã ký quyết định số 665/QĐ-ĐHKTKTCN về việc phê duyệt kết quả đấu thầu gói thầu “Cung cấp, lắp đặt và chuyển giao công nghệ trang thiết bị thực hành phục vụ công tác đào tạo và NCKH cho ngành CNTT của trường ĐH KT-KTCN.”

Tòa soạn pháp luật Plus nhận được phản ánh gói thầu này có dấu hiệu tiêu cực, gây thất thoát cho Ngân sách Nhà nước với số tiền lớn.

Trước đó, ngày 30/10/2020, Trường Đại học KT-KTCN đã ban hành Quyết định số 584/QĐ-ĐHKTKTCN về việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu gói thầu “Cung cấp, lắp đặt và chuyển giao công nghệ trang thiết bị thực hành phục vụ công tác đào tạo và NCKH cho ngành CNTT của trường ĐH KT-KTCN.”

Trường cũng đã có thông báo mời thầu cho gói thầu ngày 07/11/2020 và thông báo đính chính hồ sơ mời thầu ngày 20/11/2020.


Quyết định của Hiệu trưởng Trần Hoàng Long về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu.

Đồng thời, Biên bản đóng, mở thầu gói thầu trên được lập ngày 27/11/2020. Ngày 04/12/2020, Hiệu trưởng Trường Đại học KT-KTCN đã có quyết định số 653/QĐ-ĐHKTKTCN về việc phê duyệt danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật gói thầu.

Ở gói thầu này, Trường đã mua sắm tổng cộng 54 mặt hàng với hàng trăm sản phẩm. Có những sản phẩm đặc thù có giá thành rất cao như Máy vẽ sơ đồ Gerber MP+1802H có xuất xứ Tây Ban Nha có giá 204.130.630 đồng; Máy chủ Dell PowerEdge R740, xuất xứ Malaysia có giá 141.490.000; Đầu ghi Camera XRN-3010A VAP có giá 72.470.000; Máy tính nghiên cứu trí tuệ nhân tạo GOLDENCOM GC13 có giá 97.000.000 đồng…

Việc tổ chức đấu thầu nhằm tiết kiệm cho Ngân sách Nhà nước và lựa chọn những nhà thầu uy tín, cung cấp các sản phẩm chất lượng. Nhưng theo phản ánh thì hầu hết các mặt hàng mua sắm ở gói thầu này sau khi đấu thầu đều có giá cao hơn rất nhiều so với giá các đơn vị kinh doanh uy tín trên thị trường.


Sản phẩm máy chủ Dell R740 trên thị trường chỉ có giá khoảng 70-80 triệu đồng nhưng giá trúng thầu lên tới 141 triệu đồng.

Sản phẩm Cisco Aironet 1850 AIR-AP1852E-S-K9 theo tham khảo của phóng viên chỉ có giá khoảng 13 triệu đồng. Tuy nhiên, ở gói thầu này, Nhà nước đã phải mua với giá 30.189.500 đồng (chênh lệch khoảng 17 triệu đồng).

Theo giá trúng thầu thì sản phẩm Máy chủ điều khiển Dell PowerEdge R740 có giá lên tới 141.490.000 đồng. Nhưng giá trên thị trường chỉ khoảng 80 triệu đồng (chênh lệch khoảng 70 triệu đồng).

Đối với sản phẩm Thiết bị lưu trữ Synology NAS DiskStation RS819, theo giá bán trên thị trường hiện tại đã bao gồm VAT, chi phí vận chuyển, lắp đặt và bảo hành chỉ có giá khoảng 17 triệu đồng. Tuy nhiên, sau đấu thầu, đơn vị đã bỏ tiền Ngân sách nhà nước ra mua với giá lên tới 49.200.000 đồng (gấp khoảng 32 triệu đồng).

Như vậy, tưởng như việc đấu thầu sẽ tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước nhưng hóa ra lại có dấu hiệu gây thâm hụt nghiêm trọng cho tài chính Quốc gia. Chủ đầu tư, bên mời thầu và các đơn vị liên quan đã thẩm định giá như thế nào trong gói thầu này, Pháp luật Plus đề nghị các cơ quan điều tra, cơ quan thanh, kiểm tra vào cuộc làm rõ.


Sản phẩm Thiết bị lưu trữ Synology NAS DiskStation RS819 trên thị trường có giá 17.500.000 đồng, nhưng đơn giá trúng thầu lên tới 49 triệu đồng.

Được biết, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp có địa chỉ tại 456 Minh Khai, phường Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Theo Quyết định số 665/QĐ-ĐHKTKTCN do ông Trần Hoàng Long ký thì đơn vị trúng thầu là Công ty Cổ phần Giải pháp Siêu Việt. Công ty này có địa chỉ tại số 569 Minh Khai, phường Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Thành Nam (SN 1978), Tổng Giám đốc công ty.

Trong thời gian gần đây, Công ty Cổ phần Giải pháp Siêu Việt đã liên tiếp trúng các gói thầu lớn như: “Gói thầu số 05: Mua sắm, lắp đặt trang thiết bị hạ tầng kỹ thuật cho Trung tâm an toàn an ninh mạng” (61,350,479,000 đồng) do Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa mời thầu; “Gói thầu số 1: Thiết bị tin học” (93,713,571,000 đồng) tại Cục Trang bị và kho vận; Gói thầu “TB trải nghiệm sáng tạo trang bị cho các đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh Bình Dương” (101,288,880,000 đồng) do Sở giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương mời thầu; Gói thầu “Mua sắm bổ sung máy tính bảng cho Bảo hiểm xã hội các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương năm 2019”, bên mời thầu là Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng ngành Bảo hiểm xã hội với giá 37.165.590.000…

Mặc dù trúng thầu vào tháng 3/2020, nhưng ngày 13/04/2020, giữa Công ty Cổ phần giải pháp Siêu Việt đã ký hợp đồng với Ngân Hàng TMCP Quân Đội Chi Nhánh Đống Đa (Xã Đàn, Đống Đa) với tài sản đảm bảo là "Quyền đòi nợ/Khoản phải thu phát sinh từ Hợp đồng số 03/2020/HĐKT/BQLDA-SIEUVIET ngày 11/03/2020 giữa Ban quản lý dự án và đầu tư xây dựng ngành bảo hiểm xã hội và Công ty Cổ phần giải pháp Siêu Việt".

Liên quan đến nội dung này, phóng liên đã liên hệ với Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp để làm rõ, mặc dù đã tiếp nhận thông tin nhưng đến nay trường vẫn không có phản hồi chính thức.

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) tiến hành điều tra, xác minh làm rõ sai phạm trong quá trình chỉ định thầu mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội và một số đơn vị liên quan.

Quá trình điều tra bước đầu xác định các đối tượng đã câu kết, gian lận, thông đồng, nâng khống giá trị gói thầu mua sắm Hệ thống Realtime PCR tự động - xét nghiệm Covid-19 gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước.

Căn cứ kết quả điều tra và tài liệu, chứng cứ thu thập được, C03 đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và khởi tố bị can đối với: Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc CDC TP Hà Nội; Nguyễn Vũ Hà Thanh, Trưởng phòng Tài chính kế toán CDC TP Hà Nội; Đào Thế Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Vật tư khoa học và Thương mại Việt Nam (MST)…

Sau vụ CDC Hà Nội, với việc nâng giá hệ thống Realtime PCR tự động xét nghiệm phòng chống dịch COVID-19 từ 2,3 lên 7 tỉ đồng, dư luận choáng váng trước tỉ lệ khống 300%.

Ngày 1/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) cho biết đã ra quyết định khởi tố, khám xét, bắt tạm giam đối với bị can Phạm Đức Tuấn, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ y tế BMS (Công ty BMS); Ngô Thị Thu Huyền, Phó giám đốc Công ty BMS và Trần Lê Hoàng, Thẩm định viên của Công ty cổ phần Thẩm định giá và dịch vụ tài chính Hà Nội (Công ty VFS) cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. 

Kết quả điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định một số cá nhân tại Công ty BMS và Công ty VFS đã có thủ đoạn gian dối, câu kết hợp thức các thủ tục để nâng khống lên nhiều lần giá trị hệ thống thiết bị y tế đưa vào hợp đồng liên doanh, liên kết với Bệnh viện Bạch Mai, nhằm chiếm đoạt số tiền lớn của người bệnh. 

 

X. Thái
Theo Pháp Luật Plus/Pháp Luật Việt Nam