Thứ bảy, 20/04/2024 | 00:19
RSS

Cận cảnh ngôi trường đẹp như tranh và sự thật câu chuyện "chỉ có 30 học sinh đến lớp"

Thứ ba, 12/09/2017, 14:03 (GMT+7)

Từ khi Trường tiểu học Lũng Luông mới được xây dựng khang trang, số lượng học sinh tại trường luôn được giữ ổn định và ngày càng ít học sinh bỏ học.

trường Tiểu học Lũng Luông

Trường Tiểu học Lũng Luông trước khi được xây dựng khang trang. Ảnh Tiin.vn

Trường Tiểu học Lũng Luông thuộc xã Thượng Nung, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên là công trình xây dựng được hoàn thành vào năm 2016. Ngôi trường được thiết kế với ngôn ngữ hiện đại, đường nét tươi mới nhằm thay thế ngôi trường mái lá xập xệ, ọp ẹp trước đó. 

Ngô Bảo Châu

Hình ảnh Giáo sư Ngô Bảo Châu giản dị, chân đi dép tổ ong lên lớp giảng bài cho học sinh nghèo ở Lũng Luông được chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội Ảnh Facebook Trần Đăng Tuấn.

Trường Tiểu học Lũng Luông được xây dựng nhờ "cơ duyên" rất đặc biệt. Đó là vào năm 2014, Giáo sư Ngô Bảo Châu - Giảng viên Viện Đại học Chicago (Hoa Kỳ), Viện trưởng Viện nghiên cứu cao cấp về Toán đã đến thăm các học sinh nghèo hiếu học ở trường tiểu học này.

Chứng kiến cảnh các lớp học thô sơ, vách nhà hở nhiều phía cùng hoàn cảnh thiếu thốn, điều kiện vật chất không đầy đủ khiến Giáo sư vô cùng thương cảm. Chính vì vậy, Giáo sư Châu đã trực tiếp giảng dạy 1 tiết toán học cho các em học sinh nơi đây.

Ngo Bao Chau

Giáo sư Ngô Bảo Châu lên lớp giảng bài cho học sinh nghèo ở Lũng Luông. Ảnh Facebook Trần Đăng Tuấn.

Hình ảnh giáo sư giản dị, đi dép tổ ong trên nền đất, đứng giảng dạy đã được cộng đồng chia sẻ nhiều vào thời gian đó. 

truong Tieu hoc Lung Luong

Lớp học mới của các em trường Tiểu học Lũng Luông trong quá trình xây dựng và hoàn thiện. Ảnh: Facebook Cơm Có Thịt

Hai năm sau, Quỹ Trò nghèo vùng cao (Chương trình Cơm có thịt) kết hợp với KTS Hoàng Thúc Hào, Vũ Xuân Sơn (Văn phòng 1+1>2) hoàn thành ngôi trường mới cho các em nhỏ ở Lũng Luông.

 

Trường tiểu học Lũng Luông (Thái Nguyên) như một cánh diều rực rỡ giữa núi rừng nâng đỡ ước mơ học trò nghèo.

Trên diện tích xây dựng 1.200 m2, trường có 8 lớp khối tiểu học, 2 lớp mầm non, phòng đa năng, khu văn phòng, ký túc xá cho học sinh, giáo viên, bếp, vệ sinh. 

Ngôi trường được thiết kế để có hiệu ứng thị giác mạnh, mỗi góc nhìn là một cảm nhận khác nhau. Ảnh Tri thức trẻ.

Khuôn viên trường mới khang trang, đẹp đẽ. Ảnh Tri thức trẻ.

Tuy nhiên, bên cạnh hàng vạn lời khen ngợi, một số người đăng thông tin lên mạng xã hội cho rằng việc xây một ngôi trường khang trang trên một địa bàn miền núi khó khăn là không cần thần thiết. 

2 năm sau, Giáo sư Ngô Bảo Châu cùng thầy giáo rạng rỡ trong buổi học ngày 5/9/2016. Ảnh Facebook Cơm có thịt.

Những người này lại tự suy đoán, tự tính toán và cho rằng ngôi trường khang trang nhưng chỉ có khoảng 30 học sinh đang học. Thậm chí, họ còn tổ chức một nhóm người lên trực tiếp trên trường để ghi lại hình ảnh thực tế số lượng học sinh đang học tập tại trường tiểu học Lũng Luông.

Học sinh tiểu học Lũng Luông trong chiều 11/9. Ảnh VTC News.

Trả lời Phóng viên báo điện tử VTC News, cô Đinh Thị Hoa, Hiệu trưởng Tường tiểu học Lũng Luông tỏ ra rất bất ngờ khi nhận được thông tin không chính xác về nhà trường.

Cô Hoa cho biết hiện nay trường tiểu học Lũng Luông có tổng cộng 124 học sinh trong năm học 2017-2018. Ngoài ra, trong khuôn viên của trường cũng có điểm trường mầm non với 50 học sinh.

Một lớp của học sinh mầm non chiều 11/9. Ảnh VTC News.

Từ khi có trường mới được xây dựng khang trang, số lượng học sinh tại trường luôn được giữ ổn định và ngày càng ít học sinh bỏ học. Điểm trường mới được xây dựng khang trang và học sinh cũng được hỗ trợ 4 bữa ăn trưa nên các em càng ngày càng gắn bó với trường, với lớp.

Học sinh tiểu học Lũng Luông ùa lên thư viện của trường trong giờ ra chơi. Ảnh VTC News.

Nhà báo Trần Đăng Tuấn cũng xác nhận trên Facebook cá nhân rằng: “Học sinh Lũng Luông đi học chăm, không chạy vào rừng mà học hành tử tế. Giờ ra chơi chúng ùa nhau lên thư viện đọc sách truyện vì đó là món mới lạ khi có trường mới.

Chúng đặc biệt mê sách do anh Nguyễn Hữu Tuyền gửi từ trong Nam ra cho. Cô giáo phải chia mỗi giờ ra chơi hai lớp vào thư viện để đỡ đông. Các cô đang nì nèo xin giúp máy vi tính để dạy chúng vì chúng cũng thích món mới này”.

Thanh Hà (TH)
Theo Đời sống Plus/GĐVN