Chủ nhật, 19/01/2025 | 05:54
RSS

Cán bộ khuân lộc đền Trần trước dân, đúng quy trình?

Thứ bảy, 03/03/2018, 08:53 (GMT+7)

Hình ảnh gây tranh cãi nhất ở lễ Khai ấn đền Trần vào rằm tháng Giêng chính là đoàn cán bộ lách qua cửa vào phủ Thiên Trường bê lộc ra.

Cán bộ khuân lộc đền Trần trước dân, đúng quy trình?
Cán bộ khuân lộc đền Trần trước dân, đúng quy trình?

Khắp các diễn đàn, người ta tranh luận với nhau rất nhiều về hình ảnh đoàn cán bộ kìn kìn bê lộc từ phủ Thiên Trường sau lễ khai ấn. “Lộc” ở đây là bánh trái, cành hoa, giỏ hoa, quả dưa hấu… nói chung là những thứ được đặt lên bàn thờ phủ Thiên Trường trong lễ Khai ấn.

Mọi năm, những thứ ấy được đặt trên ban thờ, sau lễ Khai ấn, người tham dự sẽ nhảy vào “cướp” từ trên ban thờ tạo nên một cảnh hỗn loạn. Năm ngoái, sau khi hành lễ, toàn bộ số “lộc” này được ban tổ chức cất sạch, thế là người dự lễ chẳng còn gì mà cướp.

Năm nay, người dân bị chặn ngoài hàng rào sắt với 5 vòng an ninh thắt chặt, họ đứng chờ từ chiều đến đêm để được vào trong hành lễ. Chính vì thế, hình ảnh đoàn đại biểu gồm các cán bộ lách qua cánh cửa đang đóng kín để kìn kìn bê “lộc” ra nào hoa nào bánh khiến nhiều người thấy phản cảm.

Rõ ràng, nó là hình ảnh không thuận mắt, trong khi hàng vạn người đứng chôn chân bên ngoài suốt từ chiều thì chỉ một nhóm người có đặc quyền vào bên trong phủ Thiên Trường dự lễ khai ấn vào giờ khắc thiêng nhất. Sau đó lại được bê lộc ra về, trước mắt hàng vạn người mỏi mệt đứng chờ giống như đang “diễu hành” để phô trương quyền lợi.

Trả lời báo chí về việc này, bà Phạm Thị Oanh - Phó Chủ tịch UBND TP.Nam Định giải thích: "Các đại biểu không tự lấy lộc mà thông thường sau khi các cụ làm lễ khai ấn xong, theo kế hoạch ban tổ chức là bao sái đồ thờ và các cụ chia lộc cho các đại biểu dự lộc, đấy là lệ nhiều năm của các cụ tại đền Trần".

Như vậy là hoàn toàn… đúng quy trình. Sau khi làm lễ thì các đại biểu được “thụ lộc”, họ là thành phần “tinh hoa” đại diện cho người dân nên được nhận lộc trước cũng là đúng, chứ lộc đâu mà phát hết mà đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu của người dân.

Khó mà đòi hỏi sự công bằng, đặc biệt là trước các thần thánh.

Bởi thế nên, cho dù chưa thuận mắt với hình ảnh đoàn đại biểu cán bộ bê lễ ra về trước mắt người dân thì chúng ta cũng phải ghi nhận điều đó. Chỉ có điều, những người dân vẫn bị báo chí, dư luận “phê bình” là mê tín, mê muội vì cứ vào dịp đầu năm là đi chen nhau giành giật cướp lộc, nhưng ngay cả các cán bộ đại biểu cũng vui thích với việc được nhận “lộc” trước như vậy, thì còn nói gì đến người dân?

Điều khác biệt duy nhất là các đại biểu thì được “ưu tiên”, được thụ lộc ngay sau lễ xong chứ không phải chen lấn xô đẩy cướp lộc giống như người dân. Chính vì lẽ đó mà ai cũng phải cố phấn đấu để có một “chức vụ” nào đó. Và chưa bao giờ người dân sụt giảm lòng tin vào lá ấn, thứ được xem là sẽ phù trợ cho họ trên con đường công danh, sự nghiệp, trái lại, niềm tin ấy chỉ tăng lên.


Xem thêm: Bài khấn hoá vàng theo 'Tập văn cúng gia tiên'​

Min An
Theo Đất việt