Thứ năm, 25/04/2024 | 13:55
RSS

Căn bệnh có thể tấn công cả gia đình sau chuỗi ngàyTết

Thứ hai, 27/01/2020, 07:37 (GMT+7)

Sau Tết, hầu như các gia đình đều còn dư khá nhiều thực phẩm. Nhiều bà nội trợ vì tiếc của đã tận dụng lượng thức ăn này cho cả gia đình nhưng không ngờ đây là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh tật nguy hiểm.

Ngộ độc do thực phẩm thừa sau Tết

Căn bệnh có thể tấn công cả gia đình khi bà nội trợ tiếc rẻ đồ ăn thừa Tết
Nhiều bà nội trợ tiếc rẻ đồ ăn thừa Tết nên tận dụng các thứ này để nấu cho cả gia đình.

Theo Bác sĩ Trần Quốc Khánh - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, thời điểm trong và sau Tết Nguyên đán, có rất nhiều bệnh nhân nhập viện do rối loạn tiêu hóa mà nguyên nhân chính thường là do các gia đình có thói quen tích trữ thực phẩm để dùng trong mấy ngày Tết. 

Phần lớn các thực phẩm tồn dư đều là những thực phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao như: Bánh chưng, bánh tét, giò chả... trong khi thời tiết Nam Bộ đang chuyển nóng, là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn sinh sôi. Nhiều người thấy giò chả bị nhớt bên ngoài vẫn còn mùi thơm đặc trưng nên vẫn cố ăn. Trường hợp ngộ độc nhẹ thì đau bụng, nặng thì tiêu chảy. 

Để phòng chống ngộ độc thực phẩm sau Tết, các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân cần mạnh dạn loại bỏ các thực phẩm nghi ngờ ôi thiu, nhất là những thực phẩm đã chế biến sẵn như giò chả, thịt đông, những đồ chứa nhiều gia vị, đồ ăn nấu đi nấu lại nhiều lần.

Với bánh chưng, chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo người dân không nên vì “tiếc của” mà cố ăn những chiếc bánh đã bị mốc. Kể cả khi loại bỏ những phần mốc của bánh, nhưng phần còn lại cũng không an toàn với người sử dụng.

Tăng cân, béo phì

Căn bệnh có thể tấn công cả gia đình khi bà nội trợ tiếc rẻ đồ ăn thừa Tết 2
Việc ăn uống vô độ, không khoa học khiến nhiều người tăng cân khó kiểm soát.

Các loại thực phẩm đặc trưng trong dịp Tết có năng lượng rất cao, các món ăn có xu hướng nhiều đường, nhiều béo, nhiều đạm động vật và chế độ ăn “nghèo” rau xanh chính là thủ phạm gây tăng cân ở trẻ.

Chính vì thế, những trẻ thừa cân béo phì rất dễ bị tăng lượng mỡ trong ngày Tết. Chưa kể lượng đường máu tăng làm trẻ chán ăn, không muốn ăn những loại đồ ăn khác, điều này không tốt cho trẻ, nhất là vấn đề dinh dưỡng.

Ngoài ra, lượng đường trong bánh kẹo, mứt Tết nhiều khi ăn vào rất dễ bị lên men chua, gây đầy hơi chướng bụng, dễ gây ra các rối loạn về tiêu hóa như dạ dày hoặc ợ hơi.

Để trẻ không gặp phải tình trạng trên, chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, các gia đình nên cho trẻ ăn đồ ngọt một cách hạn chế. Nên cho ăn chút ít, không cho ăn trước bữa cơm, vì như vậy trẻ sẽ bỏ không ăn cơm.

Táo bón sau Tết

Căn bệnh có thể tấn công cả gia đình khi bà nội trợ tiếc rẻ đồ ăn thừa Tết 3
Nhiều người gặp phải tình trạng táo bón vì ăn nhiều thức ăn giàu đạm nhưng ít chất xơ.

Tình trạng táo bón rất dễ gặp phải trong và sau Tết, nhiều gia đình không nhanh chóng bổ sung rau xanh mà vẫn tận dụng hết lượng thịt và thực phẩm chế biến sẵn còn tồn trong dịp Tết.

Vì thế, các bác sĩ khuyến cáo cần bổ sung ngay các loại rau củ có nhiều chất xơ như súp lơ xanh, cải bắp, bơ, đậu..., các loại hoa quả đu đủ, thanh long, xoài, mận... ngoài ra chocolate đen, ngũ cốc, sữa chua cũng rất tốt cho hệ tiêu hóa của người dân sau một kì nghỉ Tết "bội thực" thịt.

Ngoài ra, nên kiêng ăn uống các chất cay nóng như gừng, ớt, quế, các loại rau gia vị có tinh dầu nóng. Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày giúp làm mềm phân và đẩy nhanh quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng vào cơ thể. Đồng thời, tránh xa các loại đồ uống có tính kích thích như rượu mạnh, trà đặc, cà phê.

PV
Theo Đời sống Plus/GĐVN