Thứ tư, 24/04/2024 | 01:53
RSS

Cẩm Thủy, Thanh Hóa: Ai chịu trách nhiệm việc sử dụng hiệu quả vốn đầu tư hàng trăm tỉ đồng?

Thứ tư, 27/05/2020, 17:50 (GMT+7)

Thời gian vừa qua, huyện Cẩm Thủy đầu tư hàng trăm tỉ đồng vào việc xây dựng cơ sở hạng tầng. Tuy nhiên, từ tài liệu bạn đọc phản ánh cho thấy có dấu hiệu bất thường trong việc sử dụng nguồn vốn này.

Hiệu quả tiết kiệm thấp

Là huyện miền núi, thuần nông của tỉnh Thanh Hóa, đời sống của người dân còn khó khăn, việc từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tạo đà phát triển kinh tế xã hội của địa phương thông qua hoạt động đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông trường học, nhà văn hóa… được chính quyền tỉnh Thanh Hóa nói chung, huyện Cẩm Thủy nói riêng đặc biệt quan tâm.. 

Bởi sự quan tâm đó nên hoạt động đầu tư trong thời gian gần đây tại huyện Cẩm Thủy diễn ra sôi động ở nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là xây dựng cơ sở hạ tầng. Các dự án do UBND huyện Cẩm Thủy làm chủ đầu tư, Ban QLDA đầu tư xây dựng huyện Cẩm Thủy (sau đây gọi tắt là Ban QLDA) là đơn vị thực hiện mời thầu.

Lãnh đạo Ban QLDA đầu tư xây dựng huyện Cẩm Thủy chịu trách nhiệm trước UBND huyện về việc quản lý, tổ chức sử dụng nguồn vốn đầu tư, lãnh đạo UBND huyện Cẩm Thủy chịu trách nhiệm trước pháp luật trước UBND tỉnh Thanh Hóa, trước người dân huyện Cẩm Thủy về đầu tư, phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Được biết, chủ tịch UBND huyện Cẩm Thủy hiện tại là ông Phạm Viết Hoài, phó chủ tịch là các ông Trần Đức Lương, Trần Đức Hùng… 

Cẩm Thủy, Thanh Hóa:  Ai chịu trách nhiệm về việc sử dụng hiệu quả vốn đầu tư hàng trăm tỉ đồng?

Ông Phạm Viết Hoài, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Thủy, người ký nhiều quyết định lựa chọn nhà thầu 

Thời gian gần đây, dư luận liên tục phản ánh, cung cấp tài liệu đến phóng viên xung quanh vấn đề tiết kiệm tiền đầu tư công thông qua hoạt động đầu tư ở huyện Cẩm Thủy. Theo phản ánh thì có những dấu hiệu bất thường được lặp đi lặp lại ở việc tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu cho các dự án đầu tư xây dựng tại huyện Cẩm Thủy do Ban QLDA đầu tư xây dựng huyện này tổ chức thực hiện.

Cụ thể, theo phản ánh, tại dự án xây dựng nghĩa trang huyện Cẩm Thủy có tổng mức đầu tư  hơn 14,9 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ, ngân sách huyện và vốn huy động.

Dự án lớn này do UBND huyện Cẩm Thủy làm chủ đầu tư, Ban QLDA đầu tư xây dựng huyện Cẩm Thủy là đơn vị mời thầu. Theo quy định của pháp luật thì để thực hiện dự án buộc chủ đầu tư phải thực hiện qua công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu. Việc đấu thầu, lựa chọn nhà thầu cũng là một động thái minh bạch trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư ngân sách hoặc các nguồn vốn khác của cơ quan quản lý Nhà nước. Hơn nữa, quan công tác đấu thầu nhằm mục đích lựa chọn được nhà thầu đủ năng lực thực hiện dự án đồng thời giảm giá, tiết kiệm một cách tốt nhất cho đầu tư công. 

Dự án nghĩa trang Cẩm Thủy được chủ đầu tư phân bổ làm 5 gói thầu. Trong đó gói thầu gói thầu số 3 về thi công xây dựng công trình có giá trị lớn nhất. Gói thầu được Ban QLDA đầu tư xây dựng huyện Cẩm Thủy mời thầu với giá  12.479.735.000 đồng. 

Ngày 31/7/2018, ông Phạm Viết Hoài, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Thủy ký Quyết định số 1280/QĐ-UBND quyết định cho Cty cổ phần tập đoàn Cường Thịnh (số 1, đường Lê Văn An, P. Đông Thọ, TP. Thanh Hóa) trúng thầu với giá 12.465.381.000 đồng. Như vậy, sau hoạt động đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, lãnh đạo UBND huyện Cẩm Thủy tiết kiệm cho đầu tư ngân sách và các nguồn vốn khác chỉ khoảng 14 triệu đồng/gói thầu gần 13 tỉ đồng. 

Tài liệu bạn đọc cung cấp cũng cho thấy tháng 3/2019, UBND huyện Cẩm Thủy làm chủ đầu tư dự án sửa chữa, khắc phục khẩn cấp hồ Khỉn thôn Vinh xã Cẩm Quý với tổng vốn hơn 4,1 tỉ đồng, từ nguồn vốn dự phòng ngân sách tỉnh Thanh Hóa.

Tháng 4/2019, ông Phạm Viết Hoài, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Thủy ký quyết định số 587/QĐ-UBND quyết định chọn Cty cổ phần đầu tư và xây dựng Bắc Ái (phường Trường Thi, TP. Thanh Hóa) trúng thầu gói thầu  số 04 về thi công xây dựng công trình (thuộc dự án trên) với giá 3.225.536.000 đồng. Tài liệu bạn đọc cung cấp (đã được phóng viên xác minh, kiểm chứng) cho thấy gói thầu trên được Ban QLDA đầu tư xây dựng huyện Cẩm Thủy mời thầu là 3.231.152.800 đồng. Như vậy, sau đấu thầu, lãnh đạo huyện Cẩm Thủy tiết kiệm cho vốn đầu tư chưa đến 6 triệu đồng/gói thầu hơn 3,2 tỉ đồng.

Cũng trong tháng 4/2019, ông Phạm Viết Hoài- Chủ tịch UBND huyện Cẩm Thủy ký QĐ 566/QĐ-UBND lựa chọn Cty TNHH Mạnh Trường Thành (21 Trần Xuân Soạn, TP. Thanh Hóa) trúng thầu gói thầu số 03 về thi công xây dựng công trình nhà hiệu bộ và các phòng bộ môn trường THCS Cẩm Phong (thuộc dự án cùng tên) với giá 3.792.682.000 đồng.

Điều tra cho thấy gói thầu này được Ban QLDA đầu tư xây dựng huyện Cẩm Thủy mời thầu là 3.793.804.000 đồng. Như vậy sau đấu thầu mức tiết kiệm cho đầu tư chỉ dừng lại ở con số khó tin là 1,1 triệu đồng/gói thầu gần 4 tỉ đồng. 

'Chuyện thường' ở huyện và ai chịu trách nhiệm?

Cung cấp tài liệu cho phóng viên, một số nhà thầu từng tham gia đấu thầu trong các công trình dự án tại Thanh Hóa bức xúc khi nói rằng: Theo Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác quy định thì hoạt động đầu tư bắt buộc phải thông qua đấu thầu để lựa chọn nhà thầu. 

“Đương nhiên, hoạt động này phải minh bạch để lựa chọn được nhà thầu đủ năng lực thực hiện hiệu quả dự án, tiết kiệm tối đa tiền đầu tư nên việc trúng thầu sát giá là rất khó xảy ra. Việc làm bài thầu sát giá là rất khó nếu không muốn nói có dấu hiệu tiêu cực”, một nhà thầu bức xúc bày tỏ.

Từ tài liệu bạn đọc cung cấp, xác minh của phóng viên cho thấy dự án Xây dựng, nâng cấp đường giao thông tránh lũ làng Thung, xã Cẩm Thạch cũng do UBND huyện Cẩm Thủy làm chủ đầu tư, Ban QLDA đầu tư xây dựng Cẩm Thủy làm đơn vị mời thầu cũng rơi vào tình trạng trúng thầu sát giá. Được biết, dự án này có tổng mức đầu tư gần 3 tỉ đồng, vốn sự nghiệp Trung ương hỗ trợ thực hiện chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và các nguồn vốn huy động khác.

Cẩm Thủy, Thanh Hóa:  Ai chịu trách nhiệm về việc sử dụng hiệu quả vốn đầu tư hàng trăm tỉ đồng?

Một trong những quyết định lựa chọn nhà thầu do ông Phạm Viết Hoài ký

Xác minh cho thấy dự án có 4 gói thầu, ngoài các gói tư vấn thì gói xây lắp (gói số 03) có giá trị lớn nhất, được Ban QLDA đầu tư xây dựng Cẩm Thủy mời thầu 2.429.632.000 đồng. Sau đấu thầu “rộng rãi”, Cty cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Lương Trọng (phường Hàm Rồng, TP. Thanh Hóa) được Chủ tịch UBND huyện Cẩm Thủy, ông Phạm Viết Hoài ký QĐ trúng thầu với giá trúng là 2.426.051.000 đồng (2094/QĐ-UBND).

Như vậy chỉ có vỏn vẹn khoảng 3 triệu đồng được lãnh đạo UBND huyện Cẩm Thủy giảm giá sau đấu thầu gói thầu hơn 2,4 tỉ đồng này. 

Xác minh cũng cho thấy ngoài các dự án do UBND huyện Cẩm Thủy trực tiếp làm chủ đầu tư, tại các dự án do UBND các xã thuộc huyện này làm chủ đầu tư, Ban QLDA đầu tư xây dựng huyện Cẩm Thủy mời thầu tình trạng tiết kiệm nhỏ giọt cũng liên tiếp diễn ra.

Dự án Trung tâm văn hóa - Thể thao xã Cẩm Long có tổng mức đầu tư hơn 4,8 tỉ đồng, từ nguồn vốn  đầu tư phát triển Trung ương và vốn ngân sách tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng NTM là một ví dụ.  

Gói thầu số 04 về việc thi công xây dựng công trình (thuộc dự án trên) được Ban QLDA đầu tư xây dựng Cẩm Thủy mời thầu là 3.316.162.000 đồng. Cty TNHH Sơn Bình trúng thầu với giá 3.310.168.000 đồng. Vốn đầu tư chỉ được tiết kiệm 6 triệu đồng/gói thầu hơn 3,3 tỉ đồng sau đấu thầu.

Ở dự án công sở xã Cẩm Quý có tổng mức đầu tư hơn 5,6 tỉ đồng, vốn ngân sách tỉnh Thanh Hóa và nguồn vốn huy động khác cũng xẩy ra vấn đề tương tự. Ở gói thầu số 3 của dự án trên được Ban QLDA đầu tư xây dựng huyện Cẩm Thủy mời thầu là 4.871.207.000 đồng. Cty TNHH Công Thanh Sơn trúng thàu với giá 4.869.764.000 đồng. Chỉ có khoảng 1,4 triệu đồng được tiết kiệm/gói thầu gần 5 tỉ đồng. 

Liên quan đến vấn đề quản lý, sử dụng vốn đầu tư công tại huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa, chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.

“Việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư ngân sách tại các dự án thông qua hoạt động đấu thầu, lựa chọn nhà thầu cần công khai, minh bạch và được quy định rất chặt chẽ. Tuy nhiên hoạt động này nếu không chí công, vô tư thì vẫn có những kẽ hở cho lợi ích nhóm. Bỏ thầu sát giá cũng có nghĩa vốn đầu tư ngân sách không được giảm giá đáng kể sau hoạt động đấu thầu. Từ dấu hiệu này, cơ quan kiểm toán, thanh tra có thể vào cuộc kiểm tra, làm rõ xem có vấn đề tiêu cực trong hoạt động đầu tư, móc ngoặc giữa chủ đầu tư và nhà thầu để giành thầu hay không, vốn đầu tư được sử dụng như thế nào thông qua hoạt động đầu tư. Nếu có sai phạm, có “đi đêm” giữa các bên liên quan thì cần phải xử lý nghiêm để đảm bảo sự minh bạch, trong sạch trong hoạt động đấu thầu, lựa chọn nhà thầu”, một chuyên gia pháp luật về đấu thầu chia sẻ.
PV
Theo Đời sống Plus/GĐVN