Hành trình 10 năm tình nguyện điều tiết giao thông
Tắc đường vốn được nhiều người coi như một thứ “đặc sản mang tên khiếp sợ” mỗi khi tham gia giao thông vào giờ tan tầm ở Thủ đô Hà Nội Câu chuyện về một người phụ nữ suốt 10 năm ròng rã tình nguyện thực hiện công tác phân luồng giao thông đã khiến nhiều người phải thán phục. Người phụ nữ đó là bà Nguyễn Thị Tiến (62 tuổi).
Ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm ở ngã tư đầu cầu Cống Mọc - Quan Nhân. Clip Nguyễn Duẩn
Bà Tiến mưu sinh bằng gánh hàng nước ở ngã tư đầu cầu Cống Mọc – Quan Nhân (phường Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội) đã ngót nghét 35 năm. Công việc của bà bắt đầu từ 6h sáng và chưa khi nào kết thúc trước 23h đêm. Có lẽ chính vì thế mà bà nắm rất rõ được tình hình giao thông ở khu vực này.
“Bình thường chỗ này không có mấy người đi lại đâu, đường phố thông thoáng, nhưng cứ đến giờ tan tầm là y như rằng ngày nào cũng tắc. Người đi lại có khi phải chờ cả tiếng mới nhích chân được”, bà Tiến chia sẻ.
Theo như lời bà, giờ tắc đường ở khu vực này thường rất cố định, đó là từ 8h - 9h và 16h30 - 18h30 hàng ngày. Những lúc như thế, bà Tiến đều bỏ hàng nước, cầm theo một chiếc gậy để giúp lực lượng công an phường phân luồng giao thông.
Bà Nguyễn Thị Tiến đang tiến hành phân luồng giao thông. Clip Nguyễn Duẩn.
Nhìn bà Tiến không khác gì một cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ. Clip D.T.N.A
"Lần đầu đi phân luồng, nhiều người ở khu vực này xì xèo cho rằng tôi bị bệnh, việc thiên hạ không được trả công mà vẫn đâm đầu vào làm. Thế rồi nhìn người dân đi lại dễ dàng hơn, nhiều người đã thay đổi suy nghĩ, ủng hộ hết mình việc tôi làm”, tà Tiến tâm sự.
Theo ghi nhận của PV, cứ khoảng 16h45 mỗi ngày, dòng người lại ùn ùn đổ về ngã tư Cống Mọc – Quan Nhân. Thấy giao thông trở nên đông đúc, bà Tiến lại bỏ hàng nước của mình rồi cầm gậy chạy ra điều tiết giao thông.
Bà dừng xe này, vẫy cho xe kia đi, giọng nói nhỏ nhẹ khi nãy bỗng trở nên đanh thép, sang sảng. “Phải nói to, rõ ràng, đôi khi phải xen vào thái độ bực tức...”, bà Tiến chia sẻ "bí kíp" điều tiết xe cộ qua lại của mình.
Bà lão bán nước phân luồng giao thông giữa biển phương tiện đang đi lại. Ảnh cắt từ clip
“Những người đi qua đây họ biết việc mình làm nên khi nghe tôi nhắc nhở, ai nấy cũng vui vẻ chấp hành. Nhiều lúc, có người còn bỏ cả xe, xắn tay áo hỗ trợ tôi phân luồng giao thông.
Mỗi ngày bà Tiến mất khoảng 4 đến 5 tiếng để phân luồng giao thông.
Ngày nắng cũng như ngày mưa, mỗi khi có ùn tắc, bà Tiến đều bỏ hàng nước ra điều tiết giao thông. Ảnh cắt từ clip
10 năm làm công việc phân luồng giao thông, nhiều người biết đến hoàn cảnh gia đình bà không được dư dả nên cũng có ý giúp đỡ.
“Họ dúi 1 chiếc phong bì bên trong có tiền kèm theo thông tin ủng hộ tôi nhưng tất cả tôi đều từ chối. Tôi mang chiếc phong bì đó lên phường nộp nhờ tìm lại người đã gửi tiền. Hoàn cảnh tôi khó khăn thật nhưng nhiều người còn cần được giúp đỡ hơn”, bà Tiến chia sẻ lý do từ chối sự giúp đỡ vật chất của mọi người.
Người phụ nữ giấu nỗi đau trong nụ cười đôn hậu
Bà Tiến cho hay, cuộc sống của bà đã trải qua không ít những năm tháng thăng trầm. Lấy chồng từ khi vừa tròn 16 tuổi, thế nhưng cuộc hôn nhân đầu tiên lại là cơn ác mộng của bà.
Người chồng tính khí thất thường, thường xuyên chửi mắng, đánh đập nên bà rời quê (Trạm Trôi, Hoài Đức, Hà Nội) lên thành phố kiếm sống và đi thêm bước nữa với 1 người đàn ông bằng tuổi.
Căn nhà nhỏ rộng 14m2 là nơi 2 vợ chồng bà Tiến cùng người con gái út đang sinh sống. Ảnh Nguyễn Duẩn
Cuộc sống mới những tưởng sẽ bớt khó khăn hơn thế nhưng người chồng tiếp theo cũng đau ốm liên miên, cả ngày chỉ quanh quẩn trong nhà, không giúp đỡ được gì nhiều cho bà. Một mình bà Tiến lại lặn lội lấy hàng, bán hàng nuôi 2 người con gái, vừa dành dụm tiền chữa bệnh cho chồng.
“Giờ đây 1 cháu đi lấy chồng rồi, cháu thứ 2 vừa bước vào đại học, vất vả cũng nhiều lắm. Chồng tôi tuy đau ốm nhưng bù lại rất yêu thương vợ con nên tôi cũng thấy an ủi được phần nào”, bà Tiến chia sẻ về gia đình mình.
Tiếp mạch câu chuyện, bà Tiến tâm sự mới cách đây vài năm, có một thời gian bà thấy đầu đau dữ dội. Đến bệnh viện kiểm tra, bà Tiến bàng hoàng khi bác sĩ cho biết trong đầu bà có một khối u, cần phải phẫu thuật ngay nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
"Mới đầu tôi định không chạy chữa gì vì hoàn cảnh khó khăn quá, nhưng chồng và các con cứ động viên, rồi phường cũng cho người đến hỏi thăm sức khỏe nên tôi đồng ý vào viện để chữa trị" - bà Tiến nhớ lại.
"Khi nào tôi còn sức khỏe là còn ra phân luồng giao thông", bà Tiến chia sẻ. Ảnh Nguyễn Duẩn
Lần bạo bệnh năm đó, bà Tiến nằm viện mất hơn 1 tháng ròng rã, nguồn thu duy nhất của gia đình là hàng nước cũng không có ai bán hơn nữa bà lại không có bảo hiểm nên tất cả đồ đạc, thậm chí cả căn nhà hơn chục mét vuông của gia đình cũng được mang đi cầm cố để bà có tiền chữa trị.
Ngày từ viện trở về, trong đầu bà Tiến cứ đau đáu mãi suy nghĩ làm sao kiếm đủ số tiền 100 triệu đồng để trả món nợ đã vay khi nằm viện. "Qua báo đài, mọi người cũng biết đến việc làm của tôi nên họ đến nhà, đồng ý cho vợ chồng tôi trả nợ dần dần", bà Tiến chia sẻ.
Ngã lưng trên chiếc ghế xếp, bà Tiến bùi ngùi: "Tính ra tiền bán nước hằng ngày nếu chi tiêu dè xẻn cũng đủ cho gia đình tôi nhưng thời gian gần đây chồng tôi lại mắc bệnh phổi khá nặng. Mỗi tháng đều phải vào viện chữa bệnh như cơm bữa.
Dẫu vậy, cái nghĩa vợ chồng mấy chục năm trời, lúc tôi ốm đau ông ấy lo lắng thuốc thang, chạy tiền viện phí, giờ ông ấy đau ốm, chẳng lẽ mình lại bỏ, sao thế được hả chú".
Gần 4 tháng nay, để có tiền chữa trị bệnh cho chồng hầu như ngày nào bà Tiến cũng bán hàng xuyên đêm.
"Có hôm nửa khuya, tôi đang nằm ôm chiếc túi đựng tiền hàng và tiền thuốc của chồng nằm nghỉ lưng thì có người và mở khóa túi để lấy tiền. Tôi choàng tỉnh dậy bảo nó tiền tôi dành để chữa bệnh cho chồng. Thấy thế nó mới chịu bỏ đi", bà Tiến nhớ lại.
Khi được hỏi về cô con gái út Nguyễn Thị Lan Anh (SN 1998) bà Tiến không giấu được những giọt nước mắt nghẹn ngào: "Hoàn cảnh gia đình tôi như thế này, con cái cũng khổ, không bằng được chúng bạn. May sao con bé cũng biết thương bố mẹ nên cố gắng học hành.
Những lúc học về sớm, nó vẫn chạy ra chỗ tôi bán hàng ngồi thủ thỉ nói chuyện để mẹ đỡ buồn".
Hoàn cảnh gia đình được xếp vào diện khó khăn của phường, mọi gánh nặng gia đình đổ hết nên gánh hàng nước nhỏ bé của bà Tiến thế nhưng chưa khi nào bà có ý định thôi từ bỏ công việc "tay trái" của mình.
Ông Nguyễn Xuân Quảng - chồng bà Tiến chia sẻ với PV về vợ mình. Ảnh Nguyễn Duẩn
Bà bảo: “Làm thế này (Điều tiết giao thông - PV) tôi không mong ước gì, chỉ mong tích được chút ít công đức. Mong rằng đời con sẽ đỡ khổ hơn đời mình. Hơn nữa, tôi cũng muốn mọi người hãy có ý thức trách nhiệm hơn trong việc tham gia giao thông”.
Trao đổi với PV Đời Sống Plus, một an ninh viên điều hành giao thông ở khu vực này cho biết: “Ngày nào cũng thế, chúng tôi chưa ra đã thấy u Tiến ra rồi. Bất kể trời nắng hay mưa đều thấy u Tiến ra giúp anh em điều tiết giao thông. Thời buổi giờ tìm được những người như vậy khó lắm nên anh em chúng tôi rất trân trọng”.
Ông Nguyễn Xuân Quảng – chồng bà Tiến xúc động khi nhắc đến vợ mình: “Quanh năm đau ốm nên tôi chẳng giúp đỡ được nhiều cho gia đình, mọi gánh nặng đổ cả lên vai bà ấy. Việc bà ấy phân luồng giao thông giúp mọi người đi lại tôi cũng không phản đối gì, chỉ động viên vợ giữ gìn sức khỏe”.
Việc làm của bà Tiến không chỉ được gia đình, lực lượng chức năng địa phương mà cả người dân gần đó biến đến và ủng hộ. Bởi thế mà ngay từ đầu đường Nguyễn Ngọc Vũ, mỗi khi nhắc đến bà Tiến, ai ai cũng chia sẻ bằng sự cảm phục, trân trọng.
Người ta gọi bà là u Tiến, mẹ Tiến và xưng bằng con. Nhiều người còn hóm hỉnh đặt cho bà biệt danh là “người đàn bà quyền lực nhất ngã tư Cống Mọc - Quan Nhân”.