Thứ bảy, 18/01/2025 | 16:02
RSS

Cải thiện ô nhiễm không khí bền vững: Cần chiến lược dài hơi và quyết liệt

Thứ năm, 06/08/2020, 09:13 (GMT+7)

Ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM đang ở mức báo động đặc biệt nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân. Để kiểm soát tình trạng này, Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) mới đây đề xuất ban hành Chỉ thị về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí.

Bàn luận về thực trạng nhức nhối trên cùng với những giải pháp ứng cứu kịp thời để hạn chế ô nhiễm môi trường không khí, Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có cuộc trao đổi với ThS Phan Chí Hiếu - Phó Chủ tịch TƯ Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE).

Giải quyết trên phạm vi liên kết vùng

PV: Ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại Hà Nội và TP.HCM thời gian qua là kết quả sau quá trình dài tích tụ các nguồn thải từ nhiều hoạt động sản xuất và kinh doanh. Trong khi đó, kế hoạch phòng ngừa, ứng phó ô nhiễm chưa được chú trọng. Ông đánh giá như thế nào về thực trạng này?

- ThS Phan Chí Hiếu: Tình trạng ô nhiễm do khói bụi tại Việt Nam ngày càng trở nên đáng lo ngại ở các đô thị lớn, kéo dài nhiều năm qua nhưng đến nay người dân mới thực sự chú ý nhờ vào các thông tin từ nhiều đơn vị độc lập quan trắc, cũng như hàng loạt các vụ cháy liên quan đến hóa chất xảy ra, gây phát tán hóa chất độc hại ra môi trường không khí, nguồn nước, đất… Vấn đề này đến nay mới được chú trọng đặc biệt. Cuối năm 2019, chất lượng không khí ở Hà Nội đạt đến cảnh báo tím – ngưỡng ô nhiễm rất xấu cho môi trường, hay tình trạng “sương mù bẩn” ở TP.HCM, cũng là những hồi chuông báo động cho thấy sự ô nhiễm không khí đặc biệt nghiêm trọng.

Nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí của Hà Nội và các tỉnh là do các nguồn giao thông, xây dựng, công nghiệp và hoạt động dân sinh. Khi gặp điều kiện khí tượng không thuận lợi thì tình trạng ô nhiễm sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.

Sau đó, Tổng cục Môi trường có tổ chức họp báo để thông tin về tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội và TP.HCM, nhưng tất cả giải pháp đưa ra cũng chỉ dừng lại ở việc khuyến cáo người dân hạn chế ra đường. Đáng nói là, các cơ quan quản lý về môi trường nắm rất rõ thực trạng này và đưa ra bàn thảo, tìm hướng giải quyết, song đến nay, điều cần thiết là một chiến lược chống ô nhiễm không khí bài bản, quyết liệt lại vẫn chưa có. Trong khi đó, các chính sách, chiến lược giảm thiểu ô nhiễm không khí cũng chỉ dừng lại ở các điều khoản chung chung, đến khi triển khai thực tế thì chồng chéo, đến giờ có thể thấy ô nhiễm không khí trở thành vấn đề “cha chung không ai khóc”.

Cải thiện ô nhiễm không khí bền vững: Cần chiến lược dài hơi và quyết liệt
ThS Phan Chí Hiếu - Phó Chủ tịch TƯ Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE).

PV: Nếu được thông qua, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) quy định xác lập và triển khai quản lý chất lượng không khí trên từng địa bàn, từng vùng lãnh thổ. Liệu đây có phải là cách giải quyết phù hợp, hiệu quả cho vấn đề này không, thưa ông?

- ThS Phan Chí Hiếu: Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) do Bộ TN&MT vừa ban hành, nhằm tăng cường trách nhiệm của cơ quan quản lý và siết chặt hơn các biện pháp nhằm giảm ô nhiễm trong bối cảnh ô nhiễm không khí, ô nhiễm môi trường đang ngày càng diễn biến tiêu cực. Đặc biệt, Bộ TN&MT cũng đề xuất cần công bố tình trạng khẩn cấp nếu xảy ra ô nhiễm không khí nghiêm trọng.

Theo đó, đối với tình trạng ô nhiễm không khí ở cấp địa phương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, TP có trách nhiệm chủ động triển khai các biện pháp khẩn cấp, lập kế hoạch bảo vệ môi trường không khí. Với trường hợp ô nhiễm mang tính liên tỉnh, liên vùng, Bộ đề xuất Thủ tướng Chính phủ sẽ là người trực tiếp chỉ đạo xử lý. Kế hoạch bao gồm việc đánh giá chất lượng và hiện trạng không khí trên địa bàn; kiểm kê nguồn đóng góp khí thải trên vùng lãnh thổ và xây dựng giải pháp.

Trên thế giới, đa số các quốc gia đều sử dụng bảng đo AQI (giá trị chỉ số chất lượng không khí) chia thành 6 bậc, tương ứng với 6 màu, từ màu xanh là mức tốt (AQI từ 0 - 50) đến màu nâu là mức nguy hại (301 - 500). Như vậy, theo đề xuất mới của Tổng cục Môi trường, có thể khi chỉ số AQI tại một địa phương, vùng lãnh thổ chạm ngưỡng màu nâu thì cần công bố tình trạng khẩn cấp và tiến hành ngay các biện pháp giảm ô nhiễm.

Chỉ số chất lượng không khí AQI gồm 5 thông số ô nhiễm không khí chủ yếu: Ozone mặt đất, được tạo ra từ khí thải xe cộ, các nhà máy, phản ứng hóa học với ánh sáng mặt trời; Ô nhiễm phân tử - chỉ số bụi mịn PM 2.5 và PM 10; Carbon monoxide (CO); Sulfur dioxide (SO2); Nitrogen dioxide (NO2).

Việc xác định rõ trách nhiệm của các lực lượng chức năng, các cấp là cần thiết nhưng mấu chốt của vấn đề là phải tìm ra biện pháp phòng ngừa, phải làm sao ngăn chặn, giảm thiểu, kiểm soát từ đầu nguồn có nguy cơ gây ra những trường hợp khẩn cấp về ô nhiễm không khí.

Cải thiện ô nhiễm không khí bền vững: Cần chiến lược dài hơi và quyết liệt
Tình trạng ô nhiễm do khói bụi ở các đô thị lớn tại Việt Nam ngày càng trở nên đáng lo ngại. (Ảnh minh họa)

Ngăn chặn 'mạnh tay' các nguồn phát thải gây ô nhiễm

PV: Một thông tin đáng chú ý là Hà Nội đưa ra lộ trình đến hết ngày 31/12/2020 sẽ chấm dứt sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu phục vụ sinh hoạt, kinh doanh, dịch vụ. Liệu phương án này có khả thi không, thưa ông?

- ThS Phan Chí Hiếu: Đây hiện đang là vấn đề thu hút sự quan tâm của nhiều người dân thủ đô, bởi thói quen sử dụng than tổ ong đã ăn sâu vào đời sống sinh hoạt, sản xuất kinh doanh do nguồn nhiên liệu này rất dễ mua, giá rẻ, tiện lợi… Theo đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT TP.Hà Nội), sau 6 tháng áp dụng Chỉ thị số 15/CT-UBND về thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng bếp than làm nhiên liệu, TP.Hà Nội đã giảm từ 56.670 bếp than tổ ong (tháng1/2017) xuống còn 15.418 bếp (tháng 6/2020), giảm 72,8%. Tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị, Sở yêu cầu các địa phương đẩy mạnh rà soát, xây dựng và ban hành các quy định đặc thù nhằm hỗ trợ người dân thay thế bếp than tổ ong.

Song thực tế, ở các huyện ngoại thành vẫn còn nhiều hộ dân khó khăn, chưa đủ điều kiện để chuyển sang các loại bếp điện, bếp từ và bếp gas. Mặt khác, đối với các hộ kinh doanh, dịch vụ nhỏ, lẻ, bình dân, việc cấm không dùng bếp than tổ ong cũng ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động bán hàng của họ. Vì thế, để thay thế hoàn toàn bếp than tổ ong trên địa bàn thành phố, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước để người dân dần chuyển đổi sang các loại bếp thân thiện với môi trường, song song với việc đảm bảo nguồn nguyên liệu bếp than thân thiện môi trường thì người dân mới có thể an tâm thay thế, sử dụng.

Cải thiện ô nhiễm không khí bền vững: Cần chiến lược dài hơi và quyết liệt
Các mức AQI và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

PV: Nhiều giải pháp được đưa ra nhằm cải thiện chất lượng không khí, như đề xuất cấm xe máy, hạn chế ô tô vào nội đô, kiểm soát nguồn phát thải gây ô nhiễm, ứng dụng công nghệ thành phố thông minh… Vậy giải pháp nào được coi là trọng tâm hiện nay, thưa ông?

- ThS Phan Chí Hiếu: Thực sự, người dân đang phải sống trong môi trường ô nhiễm không khí, nguồn nước ngày càng đáng lo ngại, mà có thể phải chấp nhận sống chung với “kẻ thù vô hình” này nếu không có những giải pháp khả thi, hiệu quả hơn. Có thể thấy, hoạt động phát triển kinh tế từ sản xuất công nghiệp, dịch vụ, đời sống sinh hoạt, nhập khẩu rác thải bất hợp pháp… đã gây ra những vấn đề tiêu cực tới môi trường nói chung, và ô nhiễm không khí nói riêng, hệ lụy kéo dài nhiều năm, nhiều thế hệ.

Có ý kiến cho rằng, chính sự phát triển kinh tế quá “nóng” không đi cùng với bảo vệ môi trường đã và đang gây ra không ít tổn thương cho môi trường: “Thủ phạm” gây ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn chính là sản xuất công nghiệp, xây dựng và phát thải khí từ các phương tiện giao thông; hàng loạt các vụ việc xả khí thải vượt ngưỡng cho phép, chưa kể những vụ cháy nổ hóa chất, các phương tiện lưu thông… Nhưng việc quản lý, kiểm soát, ngăn chặn nguồn gốc gây ô nhiễm không khí dường như lại quá lỏng lẻo, chưa có một chế tài rõ ràng, quyết liệt để xử lý cá nhân, tổ chức vi phạm.

Cải thiện ô nhiễm không khí bền vững: Cần chiến lược dài hơi và quyết liệt
Cách giảm ô nhiễm không khí bền vững nhất là phải cắt giảm và hạn chế ngay các nguồn phát thải ô nhiễm. (Ảnh minh họa)

Điển hình như vụ cháy nhà máy Bóng đèn Rạng Đông ở Hà Nội năm 2019, một lượng thuỷ ngân lỏng, khí độc, chất độc… đã phát tán ra không khí, đất, nguồn nước, làm đảo lộn cuộc sống, sức khoẻ của người dân, gây hậu quả cho môi trường khu vực này. Thế nhưng, việc xử lý trách nhiệm của tác nhân gây ra sự cố môi trường này, cũng như khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại lại không đủ sức răn đe, khiến doanh nghiệp có thể phớt lờ quy định pháp luật, không đầu tư cho hệ thống ngăn chặn ô nhiễm môi trường…

Theo tôi, cách giảm ô nhiễm không khí bền vững nhất là phải cắt giảm và hạn chế ngay các nguồn phát thải ô nhiễm. Điều này đòi hỏi những chiến lược phòng ngừa, ứng phó với ô nhiễm môi trường không khí bài bản, dài hơi, trong đó sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc xây dựng và thực thi các văn bản pháp luật, chính sách của Nhà nước đóng vai trò quan trọng.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Minh Phương (Thực hiện)
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trườn