Thứ bảy, 18/01/2025 | 19:25
RSS

Ai cũng cần biết những cách phòng chống tai nạn mùa mưa bão dưới đây

Thứ sáu, 13/10/2017, 07:11 (GMT+7)

Phòng chống tai nạn mùa mưa bão là điều cần thiết đối với người dân. Để bảo vệ mình, bạn hãy tham khảo cách phòng chống tai nạn dưới đây nhé.

Cách phòng chống tai nạn mùa mưa bão cần biết
Mùa mưa bão cần có cách phòng chống tai nạn để bảo vệ tính mạng. Ảnh Internet

Cách phòng chống tai nạn mùa mưa bão là điều cần thiết đối với bất kỳ người dân nào. Đặc biệt người dân sống trong cảnh mưa lũ càng cần trang bị cho mình kiến thức cơ bản. Hãy cùng tham khảo một số gợi ý để phòng chống tai nạn dưới đây.

Sơ cứu gãy xương là cách phòng chống tai nạn mùa mưa bão 

BS. Nguyễn Vinh Quang chia sẻ trên báo sức khỏe & Đời sống, gãy xương hay gặp do nhà sập, cây đè, té ngã. Gãy xương nếu không được sơ cấp cứu đúng sẽ làm nặng thêm cho nạn nhân

Vì vậy khi gặp một nạn nhân nghi ngờ có gãy xương, người sơ cứu nên bình tĩnh, phán đoán xem nạn nhân bị gãy xương ở chi nào, có các thương tổn kèm theo không, có gãy xương, xương hở không và bệnh nhân mê hay tỉnh.

Tuyệt đối không di chuyển bệnh nhân khi chưa được cố định xương gãy. Cần cố định chi gãy theo tư thế cơ năng (chi ở tư thế nào nên cố định ở tư thế đó), không kéo, nắn hay chỉnh sửa tư thế chi; cố định đúng kỹ thuật, bất động được các khớp trên và dưới chỗ gãy một khớp); dùng nẹp đúng cỡ, có chèn gạc hoặc giẻ ở những nơi nẹp ép sát vào da của nạn nhân (tránh xây xát, rách da).

Trong trường hợp nạn nhân mê, cho đầu nghiêng về một bên (để tránh tụt lưỡi lấp đường hô hấp). Sau khi đã cố định được gãy xương, di chuyển nạn nhân nhẹ nhàng đến cơ sở y tế gần nhất đủ điều kiện để điều trị tốt hơn.

Phòng chống điện giật

Hệ thống điện ở một số nơi chằng chịt, mất an toàn, dễ bị đứt do gió lớn nên mưa bão dễ bị tai nạn này. Vì vậy, nếu gặp nạn nhân bị điện giật cần xử trí như sau: Cần nhanh cắt cầu dao điện. Dùng gậy gỗ khô, ván gỗ, cây nhựa... tách nạn nhân ra khỏi dòng điện. Đặt nạn nhân nằm ở nơi thoáng mát.

Đối với nạn nhân bất tỉnh, không có dấu hiệu thở: Tiến hành hô hấp nhân tạo và ép tim lồng ngực tại chỗ cho đến khi tự thở được hoặc xác định nạn nhân chắc chắn đã chết thì mới dừng lại. Đối với nạn nhân còn tỉnh táo: Kiểm tra mức độ tổn thương ở các vị trí nặng hay nhẹ.

Đặc biệt, kiểm tra tổn thương nguy hiểm trước như ở đốt sống cổ, bởi những tổn thương này có thể gây liệt nếu không sơ cấp cứu kịp thời, sau đó tiến hành kiểm tra các bộ phận còn lại. Động viên, an ủi để nạn nhân yên tâm và nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất.

Tai nạn đuối nước

Theo Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đuối nước là tai nạn thường gặp ở trẻ em, thậm chí ở cả người lớn, nhất là những người sống gần sông, ngòi, hồ đập... Mùa mưa bão thường làm cho nước sông, suối, ao, hồ dâng cao, chảy xiết, làm thay đổi dòng chảy bình thường nên người qua lại các khu vực này rất dễ bị tai nạn. 

Để phòng chống đuối nước cần lưu ý không đi qua các khu vực ngập nước, chảy xiết; trong mùa mưa bão nếu phải vượt qua các khu vực ngập nước phải có phao cứu sinh.

Tai nạn sụp hố ga

Sau những trận mưa rào, đường phố ngập nước, người tham gia giao thông không biết đâu là đường, đâu là hố ga để tránh, miệng cống, hố ga lại thường xuất hiện xoáy nước và lực hút rất mạnh. 

Do vậy, nếu người đi đường không cẩn thận sẽ bị hút trôi xuống ngay lập tức. Đã có không ít những vụ sập hố ga mất nắp, dẫn tới việc người tham gia giao thông bị cuốn vào dòng nước và thiệt mạng. 

Đường ngập nước sẽ ngăn cản tầm nhìn của xe. Không chỉ những hố ga tử thần gây hiểm họa mà những chướng ngại vật chìm trong vùng nước ngập là nguy cơ gây tai nạn rất cao cho người tham gia giao thông. Biện pháp an toàn nhất là mọi người nên hạn chế ra đường khi đang có mưa bão ngập lụt.

Tai nạn cây đổ, sét đánh

Các trận mưa giông kéo theo rất nhiều cây đổ và thiệt hại về người và của. Để hạn chế tai nạn do cây đổ gây ra, mọi người nên hạn chế ra đường lúc mưa bão, hoặc nếu phải ra ngoài thì không trú mưa dưới những gốc cây to, không mang theo những vật dẫn điện bên người như dụng cụ bằng đồ sắt… vì dễ bị sét đánh.

Chú ý đi lại an toàn 

Khi trời mưa, mọi người thường sẽ có xu hướng vội vàng. Di chuyển nhanh, thiếu quan sát có thể dẫn đến các sự cố bất ngờ. Do đó, khi trời mưa bão, cần phải bình tĩnh để tham gia giao thông một cách an toàn nhất

Ngô Huệ (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN