Thứ bảy, 18/01/2025 | 17:06
RSS

Cách phân biệt sốt xuất huyết, sốt phát ban, cúm và Covid-19

Thứ năm, 11/08/2022, 14:31 (GMT+7)

Ban sốt xuất huyết và sốt phát ban tương đối giống nhau. Tuy nhiên, ban sốt xuất huyết không mất đi khi căng da ra. Ngoài ra, triệu chứng đau đầu ở sốt xuất huyết ưu thế hơn Covid-19 và cúm.


Trẻ sơ sinh, nhũ nhi, suy dinh dưỡng hoặc béo phì là nhóm có nguy cơ cao khi mắc sốt xuất huyết

Số mắc tăng 2 - 3 lần

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, tuần qua, thành phố ghi nhận gần 150 ca mắc sốt xuất huyết. Con số này tăng 2 - 3 lần so với tuần trước. Bệnh nhân rải rác tại 26 quận/huyện.

Cơ quan này cũng cho hay, tổng số ca mắc cộng dồn từ đầu năm đến nay là 608. Đây là mức nhiều gần gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Tuýp virus Dengue lưu hành là DENV1 và DENV2. Trong tuần trước, Hà Nội ghi nhận thêm 8 ổ dịch mới tại quận Đống Đa, Thanh Oai, Thường Tín, Long Biên và Hoài Đức. Hiện tại, còn 13 ổ dịch tại 9 quận, huyện.

Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa ghi nhận từ 5 - 7 bệnh nhân sốt xuất huyết. Trong khi đó, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, số trẻ nhập viện do mắc sốt xuất huyết tăng. Trung bình, mỗi ngày có khoảng 10 ca. Trường hợp nặng được chỉ định nằm viện, nhẹ được điều trị ngoại trú. Các triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ thường gặp gồm: Sốt, phát ban, nổi mẩn đỏ ở tay, chân hoặc toàn thân.

Bộ Y tế cho biết, trong 7 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận 136.075 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Trong đó, có ít nhất 45 ca tử vong. Bộ Y tế khuyến cáo, người dân khi có biểu hiện sốt cao đột ngột, đau đầu, đau mỏi người… cần đến cơ sở y tế để làm xét nghiệm, chẩn đoán sốt xuất huyết kịp thời.

Trong khi đó, CDC Hà Nội dự báo, số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục tăng trong thời gian tới. Lý do là sốt xuất huyết đã vào mùa, thành phố đang trong cao điểm mùa dịch. Kết quả giám sát tại nhiều điểm có chỉ số muỗi, bọ gậy cao vượt ngưỡng.

Do đó, CDC Hà Nội sẽ tiếp tục giám sát chặt dịch bệnh, triển khai ngay chiến dịch vệ sinh môi trường. Đồng thời, diệt bọ gậy tại các khu vực có chỉ số côn trùng vượt ngưỡng nguy cơ.

Nhóm trẻ nguy cơ

Trước đó, ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) - cho biết, trong 10 năm qua, tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết ở Việt Nam vẫn ở mức thấp trong khu vực. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan, đặc biệt là dịch Covid-19 kéo dài, nhiều đơn vị gặp khó khăn, nên ca tử vong năm nay tăng cao hơn so với năm ngoái.

Ông Khoa cho biết, các đơn vị đã tiến hành phân tích 18 trường hợp trẻ tử vong do sốt xuất huyết để nhận định các đặc điểm, đưa ra giải pháp để giảm tử vong. Qua đó, ghi nhận 72,2% ca tử vong là trẻ thừa cân béo phì.

Tỉ lệ nam/nữ tử vong là 11/7 (nam tử vong chiếm nhiều hơn nữ) và trẻ trên 6 tuổi chiếm 77,8%. Số ca bệnh nhập viện muộn là 6/18 trường hợp, chiếm 33,3%; chuyển viện không an toàn chiếm 21,4%.

ThS.BS Đỗ Hoàng Hải - Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai - cho biết, trẻ em là nhóm có nguy cơ cao và có thể diễn biến nặng khi mắc sốt xuất huyết. Do đó, việc theo dõi và đánh giá tình trạng bệnh ở trẻ là vô cùng cần thiết.

Theo chuyên gia này, để phòng tránh muỗi đốt, cần ở trong nhà vào thời điểm muỗi hoạt động mạnh, mặc quần áo sáng màu, che hết tay và chân. Trẻ nhỏ khi ra ngoài nên nằm xe đẩy có màn che. Nằm màn khi ngủ, lắp các rèm che, vật dụng tránh muỗi. Mở máy lạnh nếu có.

Đặc biệt, trẻ sơ sinh, nhũ nhi, suy dinh dưỡng hoặc béo phì là nhóm có nguy cơ cao khi mắc sốt xuất huyết. Ngoài ra, trẻ có các bệnh lý nền như: Ung thư, tiểu đường, tăng huyết áp, tim bẩm sinh, hen, bệnh lý huyết học, bệnh thận... Hoặc, trẻ sống một mình, gia đình không có điều kiện theo dõi cũng có nguy cơ khi mắc bệnh.

ThS.BS Hải nhận định, sốt xuất huyết gây nhiều triệu chứng ở các cơ quan khác nhau. Do đó, có thể nhầm lẫn sốt xuất huyết với nhiều bệnh lý khác. Một số triệu chứng phổ biến của sốt xuất huyết gồm: Sốt cao, đau đầu, đau khớp và cơ, nổi ban, nôn, tiêu chảy, xuất huyết, sốc.

Đặc trưng của bệnh

Chuyên gia khuyến cáo, khi có những dấu hiệu nghi ngờ, gia đình nên đưa trẻ đi khám và làm xét nghiệm để có thể chẩn đoán sớm. Đặc biệt, ban sốt xuất huyết và sốt phát ban tương đối giống nhau. Tuy nhiên, ban sốt xuất huyết không mất đi khi căng da ra.

Trong khi đó, ban sốt phát ban thường xuất hiện sau khi bệnh nhân sốt và ở giai đoạn hồi phục. Trái lại, ban sốt xuất huyết thường xuất hiện trong quá trình sốt, kèm theo xuất huyết.

“Các triệu chứng của sốt xuất huyết, Covid-19 và cúm có thể không được phân định rõ ràng. Điểm chung của cả ba bệnh là người mắc thường sốt, đau đầu, mệt mỏi. Ba bệnh đều gây tình trạng sốt cao. Tuy nhiên, triệu chứng đau đầu ở sốt xuất huyết ưu thế hơn Covid-19 và cúm”, ThS Hải giải thích.

Ngoài ra, chuyên gia này cho biết, ở người mắc sốt xuất huyết Dengue, triệu chứng ho khan gần như không xuất hiện. Tuy nhiên, trẻ nhỏ mắc sốt xuất huyết cũng có thể ho khan, nhưng không phải biểu hiện về đường hô hấp.

Trong khi đó, với Covid-19 và cúm, bệnh nhân có thể ho, hắt hơi, ngạt mũi, khó thở. Đặc biệt, nổi ban da thường xuất hiện nhiều ở người mắc sốt xuất huyết. Bệnh nhân cũng có thể chảy máu chân răng, chảy máu mũi, nặng hơn là xuất huyết đường tiêu hóa.

“Với trẻ mắc bệnh nhẹ, có thể cho điều trị tại nhà. Trong giai đoạn sốt, có thể sử dụng paracetamol 10 - 15mg mỗi lần, 3 - 4 lần/ngày. Sử dụng khi sốt trên 38,5 độ C.

Chườm ấm khi sốt cao. Không dùng thuốc hạ sốt khác paracetamol như aspirin, ibuprofen, đặc biệt trong giai đoạn xuất huyết của bệnh (từ ngày thứ 3). Không tự ý truyền dịch khi chưa có chỉ định. Có thể cho trẻ bù nước điện giải, sử dụng oresol hoặc nước hoa quả”, ThS.BS Đỗ Hoàng Hải khuyến cáo.

Vân Huyền
Theo Giáo dục & Thời đại