Chủ nhật, 24/11/2024 | 00:41
RSS

Cách khử trùng nơi có người mắc Covid-19 tại cộng đồng

Thứ sáu, 27/03/2020, 18:30 (GMT+7)

Bộ Y tế khuyến cáo, những nơi có bệnh nhân nhiễm dịch bệnh cần phải được khử trùng và xử lý môi trường sớm, nhằm hạn chế lây nhiễm cộng đồng.

Khử trùng nơi nhiễm khuẩn Covid-19
Khử trùng nơi nhiễm khuẩn covid-19 Ảnh Ngọc Thành.

Cục Quản lý Môi trường y tế, Bộ Y tế cho biết, dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp với tốc độ lây nhiễm cao trong cộng đồng. Đặc biệt, những nơi đã có người nhiễm Covid-19. Hướng dẫn của Bộ Y tế ngày 25/3 quy định phải làm sạch bề mặt, đồ dùng, vật dụng trước khi tiến hành khử trùng. Đảm bảo an toàn tuyệt đối, tránh lây nhiễm chéo cho những người tham gia khử trùng và xử lý môi trường.

Khử trùng sạch sẽ môi trường tiếp xúc của bệnh nhân giúp gia tăng sự an toàn và sức khỏe của người xung quanh. Khi phun khử khuẩn, đội phun được trang bị đồ bảo hộ trước khi bắt đầu công việc. Quần, áo, nón bảo hộ làm bằng chất liệu bông, rất nhẹ và chống hơi nước.

Mỗi bình có dung tích 12 lít, nhưng không được bơm đầy khi đưa lên vai, máy chạy nước bị chảy ra ngoài làm ướt lưng người phun, vì vậy mỗi bình chỉ pha 10 lít nước với 2 chén thuốc. Hóa chất, dung dịch khử trùng là loại có chứa Clo; cồn 70 độ; xà phòng rửa tay hoặc dung dịch sát khuẩn tay có chứa ít nhất 60% cồn.

Thực hiện khử khuẩn được tiến hành trong nhà, phòng ở, căn hộ của bệnh nhân. Dùng cây lau nhà thấm dung dịch khử trùng để lau từ nơi sạch đến nơi bẩn, từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới. Thực hiện việc lau chùi, vệ sinh, khử khuẩn bề mặt như nền nhà, bàn, ghế, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, nút bấm cầu thang, điện thoại dùng chung, bàn phím máy tính…

Chú ý sử dụng cồn 70 độ để lau các thiết bị điện, điện tử như công tắc đèn, điều khiển, tivi, điện thoại...Trước khi lau phải tắt nguồn điện. Khi xô nước hoặc xô dung dịch lau bẩn, cần phải thay nước hoặc dung dịch khử trùng mới.

Thu gom riêng khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng đã qua sử dụng của người bệnh vào túi đựng rác thải và xử lý như chất thải lây nhiễm. Hết thời gian điều trị, nếu người được khỏi bệnh không xuất hiện triệu chứng mắc bệnh thì thu gom và xử lý như rác thải thông thường.

Đồ dùng thức ăn của bệnh nhân phải được ngâm khử trùng trong dung dịch chứa 0.05% Clo hoạt tính, hoặc đun nước sôi trong thời gian 15 phút. Bên cạnh đó, khu vực bên ngoài nhà/phòng ở/căn hộ của bệnh nhân và bên ngoài các phòng ở/căn hộ/nhà liền kề xung quanh cần sử dụng dung dịch khử trùng có chứa 0,1% Clo hoạt tính, để phun đều lên bề mặt được khử trùng với liều lượng 0,3-0,5 lít/m2.

Nhân viên khử khuẩn cần đảm bảo an toàn cho chính mình và cộng đồng xung quanh bằng cách vệ sinh thật sạch tay khi kết thúc công việc khử khuẩn.

Diến biến dịch bệnh đang lan rộng, để đảm bảo tối đa nguy cơ lây nhiễm, bạn cần hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh đường hô hấp cấp tính (sốt, ho, khó thở), khi cần thiết phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách trên 2 mét khi tiếp xúc.

Người có các triệu chứng sốt, ho, khó thở không nên đi du lịch hoặc đến nơi tập trung đông người. Thông báo ngay cho cơ quan y tế khi có các triệu chứng kể trên.

Rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước sạch trong ít nhất 30 giây. Trong trường hợp không có xà phòng và nước sạch thì dùng các sản phẩm vệ sinh tay có chứa cồn (ít nhất 60% cồn); súc miệng, họng bằng nước muối hoặc nước xúc miệng, tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng để phòng lây nhiễm bệnh.

Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay, hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng. Chỉ sử dụng các thực phẩm đã được nấu chín, hạn chế những đồ ăn sống trong thời gian dịch hoành hành.

Trần Ngọc (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN