Trong dịp này, Thư viện Quốc gia Việt Nam tổ chức trưng bày chuyên đề "Việt Nam - Mùa thu năm 1945 và sự nghiệp đổi mới hôm nay".
Trưng bày chuyên đề là hoạt động ý nghĩa, góp phần tuyên truyền sâu rộng về truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng của dân tộc, tăng cường niềm tự hào về truyền thống yêu nước, niềm tin vào Đảng và con đường đổi mới của dân tộc Việt Nam.
Những hình ảnh trong ttrưng bày chuyên đề "Việt Nam - Mùa thu năm 1945 và sự nghiệp đổi mới hôm nay". Ảnh: BTC.
Trưng bày có 300 tư liệu tiêu biểu gồm sách, báo, tạp chí được sắp xếp theo 4 nội dung, phản ánh chân thực về tình hình và những thay đổi lớn trong đời sống của nhân dân Việt Nam trước và sau Cách mạng Tháng Tám.
Phần 1 "Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945" gồm các tư liệu viết về sự áp bức bóc lột và cuộc sống cơ cực của người dân Việt Nam dưới chế độ thực dân, sự nhận thức và thay đổi về tư tưởng của các tầng lớp nhân dân, các cuộc khởi nghĩa và sự chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Phần 2 "Cách mạng Tháng Tám - Bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam" gồm các cuốn sách, tư liệu khẳng định vị trí, tầm vóc và giá trị lịch sử to lớn của Cách mạng Tháng Tám.
Phần 3 "Quốc khánh 2-9 và những ngày độc lập" trưng bày nhiều hình ảnh phản ánh không khí tưng bừng, phấn khởi của người dân trong dịp Quốc khánh; sách viết về những ngày đầu tiên sau độc lập, về ký ức của những người dân với sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập.
Phần 4 "Việt Nam và sự nghiệp đổi mới hôm nay" phản ánh đời sống kinh tế - xã hội và các bước phát triển vượt bậc của Việt Nam trong những năm sau giải phóng. Trưng bày diễn ra đến hết ngày 10/9 tại Thư viện Quốc gia, số 31 Tràng Thi, Hà Nội.
Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam trưng chuyên đề: "Văn hóa dân tộc Mường Truyền thống và phát triển". Ảnh: BTC.
Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam cũng tổ chức trưng bày ảnh chuyên đề: "Văn hóa dân tộc Mường Truyền thống và phát triển".
Triển lãm với gần 200 bức ảnh kèm theo bản text giới thiệu những giá trị văn hóa vật chất, tinh thần của người Mường được thể hiện qua làng bản, nhà ở, hoạt động sản xuất, nghề thủ công, trao đổi buôn bán, văn hóa ăn, mặc, ở, tôn giáo tín ngưỡng, ngôn ngữ, chữ viết, âm nhạc và văn nghệ thuật dân gian truyền thống và phát triển. Trong đó có 2 di sản văn hoá là Tri thức dân gian lịch tre (Lịch Đoi/Roi) và Lễ hội truyền thống Khai Hạ của dân tộc Mường vừa mới được công nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia vào ngày 31/7/2022 bên cạnh những di sản của Mường đã được công nhận trước đó gồm bộ sử thi "Đẻ đất đẻ nước", mo Mường...
Hoạt động trưng bày mong muốn chuyển tải đến khách tham quan những nội dung, thông điệp về văn hoá dân tộc Mường truyền thống và đương đại. Qua đó, góp phần giáo dục những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Mường trong cộng đồng 54 dân tộc Việt nam, nhằm tôn vinh, quảng bá, giá trị di sản văn hóa Mường với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế
Trưng bày mở cửa đón khách tham quan từ ngày 01/09/2022, kéo dài đến hết tháng 9 năm 2022 tại Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam.
Ca sĩ Phạm Thu Hà tập luyện cho chương trình "Điều còn mãi 2022". Ảnh: VNN.
Điều còn mãi, kịch Lưu Quang Vũ sẽ là những sự kiện thu hút người xem dịp Quốc khánh 2/9
Vào đúng 14h ngày 2/9, chương trình hoà nhạc Điều còn mãi 2022 do Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo sẽ trở lại vào ngày 2/9 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chủ đề Khát vọng Việt Nam việc tôn vinh đội ngũ y bác sĩ sau thời gian dài chống dịch căng thẳng, bên cạnh đó chương trình hòa nhạc thể hiện khát vọng mãnh liệt của dân tộc Việt khi đi qua gian khó: Sống, hồi sinh và xây dựng đất nước trở thành một quốc gia hùng cường, thịnh vượng.
Hòa nhạc quốc gia Điều còn mãi 2022 có sự góp mặt của nhiều tên tuổi nổi tiếng như NSƯT Thanh Lam, NSƯT Đăng Dương, các ca sĩ Tùng Dương, Vũ Thắng Lợi, Phạm Thu Hà, Đào Tố Loan, Mỹ Anh, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Hợp xướng Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam...
NSƯT Sĩ Tiến, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ thông tin, mọi năm nghệ sĩ không dám bán vé vào dịp nghỉ lễ nhưng năm nay "liều" với chùm ba vở kịch Lưu Quang Vũ. Từ ngày 2/9 đến 4/9 lần lượt trình diễn Lời thề thứ 9 (2/9), Ông không phải là bố tôi (3/9), Hoa cúc xanh trên đầm lầy (4/9) thuộc chương trình "Mùa kịch Lưu Quang Vũ".
Vở diễn Lời thề thứ 9 được Lưu Quang Vũ viết năm 1986, công diễn lần đầu năm 1988 là câu chuyện đầy tính chính luận trước sự thoái hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ thời đó. Hoa cúc xanh trên đầm lầy (đạo diễn NSƯT Sĩ Tiến) xoay quanh "cuộc tình tay ba" giữa Hoàng-Liên-Vân, những người bạn trẻ đã một thời đầy ắp những kỷ niệm với bông cúc xanh trên đầm lầy giữa miền quê yên ả.
Một cảnh trong vở "Ông không phải là bố tôi" của Nhà hát Tuổi trẻ. Ảnh: NHTT.
Ông không phải là bố tôi (đạo diễn NSƯT Sĩ Tiến) được viết năm 1988, là một trong những tác phẩm cuối cùng trong sự nghiệp lừng lẫy của nhà viết kịch tài hoa Lưu Quang Vũ. Chuyện kể về một người đã chối bỏ vợ con, sau bao năm xa cách với nhiều biến cố mới quay về tìm lại gia đình. Gia đình ấy một lần nữa đảo lộn trước giông bão của những toan tính, lòng tham.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng giao Cục Điện ảnh chủ trì, phối hợp với một số đơn vị điện ảnh, trung tâm phát hành phim, các Sở quản lý văn hóa tổ chức đợt phim kỷ niệm 77 năm ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Các phim được chiếu bao gồm: Anh thầy ngôi sao, phim tài liệu Vững tin trên con đường đã chọn, phim tài liệu Nguyễn Tất Thành - Những dấu ấn lịch sử và phim hoạt hình Đại hành Hoàng đế.