Chủ nhật, 19/01/2025 | 02:14
RSS

Các loại trà hoa khô tốt cho sức khỏe, nhưng dùng theo cách này lại vô tình rước hại vào người

Chủ nhật, 08/11/2020, 12:27 (GMT+7)

Hiện nay rất nhiều người ưa thích dùng các loại trà hoa khô. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng việc sử dụng các loại trà hoa khô nếu không biết cách lại không tốt cho sức khỏe, nhất là từ các loại trà hoa khô không rõ nguồn gốc.

Nguy hại khi không rõ nguồn gốc

Mới đây, cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang đã thu giữ 160 kg hàng hóa thực phẩm gồm: 140 kg hoa cúc khô, 20kg hoa nhài khô. Khai nhận với cơ quan chức năng, chủ cơ sở đã không xuất trình được nguồn gốc hợp pháp.

Với đặc tính vị thanh mát và hương thơm dịu nhẹ, các loại trà thảo mộc được làm từ các loại hoa khô hiện được nhiều người ưa chuộng. Trên các trang mạng, các loại trà hoa khô như trà hoa hồng, hoa cúc… cũng được rao bán nhiều với những lời quảng cáo hấp dẫn từ công dụng của các loại trà hoa từ làm đẹp, giảm cân, chống oxy hóa…

Các loại trà hoa khô tốt cho sức khỏe, nhưng dùng theo cách này lại vô tình rước hại vào người

Ảnh minh họa

Trao đổi với PV báo Gia đình và xã hội lương y đa khoa Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Hà Nội) cho biết, với loại trà từ hoa khô tự nhiên dùng rất tốt với sức khỏe nhưng nếu là loại hoa trồng thì khó kiểm soát được vì người ta thường cho các loại thuốc hóa chất bảo quản. Những loại trà hoa khô không rõ nguồn gốc xuất xứ càng khó kiểm soát được nguồn gốc hoa cũng như quy trình sản xuất, tẩm ướp, chế biến và bảo quản.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện công nghệ sinh học và thực phẩm (ĐH Bách Khoa Hà Nội), các loại hoa cỏ thường được dùng làm trà hoa như hoa nhài, hoa cúc, khổ qua, atiso… đều có tác dụng giải nhiệt, kháng khuẩn, tiêu viêm ở mức độ khác nhau. Khi dùng trà hoa khô ngâm uống trực tiếp, nếu sản phẩm không được kiểm soát về an toàn, về các dư lượng hóa học đáp ứng tiêu chẩn của Bộ Y tế, nguy cơ ngộ độc sẽ khó tránh. Các dư chất hóa học tồn tại trong hoa khô sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe khi mà dùng thường xuyên. Nếu các chất hóa học, thuốc trừ sâu khi trồng, chế biến và bảo quản hoa khô đi vào cơ thể trong thời gian dài sẽ gây hại cho cơ thể tùy theo hàm lượng.

Những lưu ý không được bỏ qua khi dùng

Lương y đa khoa Vũ Quốc Trung cho rằng, mỗi loại hoa khô được làm trà đều có thành phần hóa học, tính chất hàn nhiệt, công dụng khác nhau. Chẳng hạn, hoa nhài, hoa cúc giải nhiệt, làm dịu cơ thể. Trà bạc hà giúp trị đầy bụng, buồn nôn. Trà hoa cúc giúp ổn định tinh thần. Trà gừng có tác dụng rất tốt cho hệ tiêu hoá...

Mỗi một loại hoa trà sẽ có dược tính riêng như hoa cúc tốt cho người mất ngủ, hoa nhài thanh nhiệt… việc dùng trộn lẫn các loại hóa cũng rất nguy hiểm. Việc dùng lẫn lộn không chỉ làm mất đi tác dụng mà còn có thể gây tác dụng ngược, nguy hiểm tới sức khỏe khi uống. Khi lựa chọn trà phải lựa loại phù hợp với thể trạng của từng người sẽ tốt hơn. Tốt nhất có sự tư vấn của bác sĩ chuyên môn trước khi dùng hoa trà khô uống mỗi ngày.

Để phòng tránh những tác hại không đáng có khi sử dụng trà hoa khô thảo mộc, mọi người cần mua ở những nơi bán uy tín được chứng nhận về an toàn thực phẩm của cơ quan y tế. Khi mua bất kỳ một loại trà nào cần xem kỹ xuất xứ, hạn sử dụng, hướng dẫn sử dụng in trên bao bì...

Ngoài ra, trong qua trình dùng cần lưu ý:

+ Không uống các loại nước hoa trà quá nhiều vào buổi tối

+ Không nên uống thuốc lúc quá no hoặc quá đói. Quá no thì chất tanin trong trà sẽ làm protein trong thức ăn trở nên cứng, còn uống khi quá đói lại kích thích niêm mạc đường tiêu hóa gây cồn cào, khó chịu.

+ Trẻ nhỏ tốt nhất không nên dùng vì cơ thể trẻ chưa hoàn thiện, khi dùng có thể bị tiêu chảy, đau bụng… Phụ nữ mang thai cũng cần hạn chế.

Những loại trà thảo dược không phải là rau trái ăn hàng ngày như tam thất, thìa canh, nha đam, hoa sơn trà… không nên dùng thường xuyên vì chúng là các dược liệu có tính năng chữa bệnh nhất định. Tính vị nóng, lạnh, đắng, cay của chúng có thể dẫn tới tình trạng mất cân bằng.

+ Khi sử dụng trà nên tráng nước sôi ở nước đầu tiên trước khi hãm để loại bỏ được các vi khuẩn, nấm hay ký sinh trùng không may còn bám trên các cánh hoa. Khi uống vào sẽ gây đau bụng, tiêu chảy… Ngoài ra, không dùng các loại hoa khô để lâu, có dấu hiệu nấm mốc.

+ Nước pha phải đảm bảo nhiệt độ để giữ được tinh chất được cô đọng ở trà hoa. Dùng nước quá nguội, các tinh chất của trà không thoát ra được, thậm chí còn không có hương vị, uống không cảm nhận được vị ngon và mất đi chất dinh dưỡng.

+ Không uống trà để quá lâu, nhất là qua ngày vì chất bên trong trà biến đổi và vi khuẩn, kí sinh trùng dễ sinh sôi.

Phương Thuận
Theo GiadinhNet