Thứ bảy, 18/01/2025 | 19:08
RSS

Ca sinh nở đặc biệt trong khu cách ly COVID-19

Thứ bảy, 27/02/2021, 12:00 (GMT+7)

Bệnh nhân 411 ở Phú Thọ phát hiện mắc COVID-19 khi mang thai. 8h25 ngày 10/9/2020, một bé trai nặng 3,8 kg đã được các bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đỡ đẻ thành công...

Cuộc sinh đặc biệt

Ngày 17/7/2020, chị Nguyễn Thúy Hà (ở Dữu Lâu, Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) từ Nga về Việt Nam được đưa đi cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định. Chị được xác định dương tính với SARS-CoV-2 sau lần thứ 2 xét nghiệm. Chị trở thành bệnh nhân covid-19 số 411.

Ca sinh nở đặc biệt trong khu cách ly COVID-19
Bé Nguyễn Gia Khánh trong vòng tay của bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ảnh: TL

Thời điểm đó, chị Hà đang mang thai bé thứ 2 được 7 tháng. Hơn một tháng điều trị ở đây, do chị có tiền sử đẻ non nên đã được các bác sĩ chuyển tuyến về Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương điều trị để đảm bảo an toàn cho mẹ và thai nhi.

Bởi ngay từ đợt dịch đầu tiên, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã lên phương án chăm sóc y tế cho các thai phụ mắc COVID-19. Do đó, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc có sản phụ sinh con. Vì vậy khi tiếp nhận chị Hà, Bệnh viện đã sắp xếp ngay một ê-kíp riêng để hỗ trợ. Bệnh nhân đến tuần 35, khoa Virus - Ký sinh trùng đã sẵn sàng mọi thứ cho việc sinh nở tại Khoa.

"Bàn đẻ, dụng cụ thuốc men và sắp xếp lại các thiết bị trong phòng để đảm bảo gần giống với một phòng sinh bình thường ở khoa Ngoại sản. Với phương án đẻ mổ, nếu bệnh nhân nặng lên sẽ được chuyển xuống phòng mổ riêng ở khoa Ngoại sản theo đường đi riêng vì bệnh nhân đang dương tính với SARS-COV-2. Sau khi bệnh nhân sinh xong, khu vực xung quanh sẽ được khử trùng", BS Trần Thượng Việt, Trưởng khoa Ngoại sản (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) chia sẻ.

Phương án mổ đẻ cũng đã được các bác sĩ tính đến với chị Hà. Vì đây là bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao, nên Khoa chỉ huy động số lượng vừa đủ cho kíp mổ và đỡ đẻ. Do đó, kíp đỡ đẻ gồm một bác sĩ sản và một nữ hộ sinh. Kíp mổ đẻ sẽ có một bác sĩ gây mê và hai điều dưỡng. Khi đẻ mổ, kíp đỡ đẻ cũng sẽ xuống tham gia cùng.

Sáng 10/9/2020, ngay khi nhận được tin sản phụ có dấu hiệu chuyển dạ ở tuần thai 37, các bác sĩ đã "kích hoạt" các phương án. Kíp hỗ trợ sinh gồm bác sĩ Cao Văn Dũng và hộ sinh Hoàng Thị Thu Hằng ngay lập tức di chuyển tới khoa Virus - Ký sinh trùng để thực hiện đỡ đẻ cho bệnh nhân. Ngoài các thành viên trong ê-kíp của khoa Ngoại sản, ca sinh nở của chị Hà còn có các bác sĩ của khoa Virus - Ký sinh trùng hỗ trợ ở vòng ngoài.

Do sản phụ đang dương tính SARS-CoV-2, trong quá trình thực hiện đỡ đẻ cho chị Hà, êkíp phải tuân thủ chặt chẽ quy trình bảo hộ theo đúng tiêu chuẩn. Ai cũng tự nhủ đây là ca bệnh đầy thử thách, liên quan đến sức khỏe của rất nhiều người nên càng phải cẩn thận. Dù mang trang phục bảo hộ trong nhiều giờ nóng bức đỡ đẻ, các bác sĩ, điều dưỡng vẫn vỡ òa hạnh phúc khi sản phụ sinh mẹ tròn con vuông.

Đúng 8h25 ngày 10/9/2020, bé trai chào đời ở tuần thứ 37, nặng 3,8 kg bằng sinh thường. Sản phụ có sức khỏe tốt, không mất máu và em bé an toàn. Kíp y bác sĩ tham gia ca đỡ đẻ sẽ được cách ly tại viện 14 ngày trước khi trở lại điều trị cho bệnh nhân thường.

Bác sĩ vừa điều trị vừa làm công tác tâm lý

Ca sinh nở đặc biệt trong khu cách ly COVID-19
Hai mẹ con chị Hà hiện tại.

Kể từ ngày sinh đến nay, chị Hà và cậu con trai Nguyễn Gia Khánh có sức khỏe rất tốt. Bé Khánh hiện được 7kg, rất nhanh nhẹn.

Sản phụ mắc COVID-19 khi sinh ở khu cách ly không có người thân nên tâm lý rất nặng nề. Với chị Hà cũng vậy. Nhớ lại thời điểm biết mình mắc bệnh, chị Hà không thể nào quên: "Khi đó tôi đã khóc suốt. Tôi sợ bệnh không khỏi một phần nhưng lo hơn là con có thể mắc bệnh giống mẹ. Trong thời gian đó, các bác sĩ đã thường xuyên làm công tác tư tưởng, động viên không phải lo lắng vì đã có hướng dẫn của Bộ Y tế về phác đồ điều trị riêng cho các ca mang thai. Ngày nào các bác sĩ qua kiểm tra sức khỏe, rồi khám thai cũng không quên chia sẻ để em vơi đi nỗi sợ".

Ngay khi sinh xong, bé Khánh được điều dưỡng đưa vào lồng ấp để chuyển lên Khoa Nhi theo dõi. Sau 3 lần xét nghiệm âm tính với COVID-19, em bé đã được gia đình đưa về nhà. Chị Hà khi đó vẫn ở lại tầng cách ly, điều trị tại khoa Virus- Ký sinh trùng theo quy định. Hơn một tháng sau, mẹ con chị Hà mới được gặp nhau khi chị điều trị khỏi bệnh về nhà.

"Cả hai lần sinh của em đều có nhiều kỉ niệm không thể nào quên. Bé đầu khi sinh ra cũng phải nằm trong lồng kính nhưng khi đó vẫn được thăm nuôi con. Còn lần này, cậu thứ hai cũng nằm lồng kính nhưng mẹ phải cách ly không được gặp mặt. Tôi lên mạng mới biết mặt con khi mọi người viết về mẹ con tôi. Gọi điện cho bà ngoại chỉ biết được tình hình của con thế nào chứ cũng không được nhìn thấy con vì bà không dùng điện thoại thông minh. Được điều trị khỏi về nhà nhìn thấy con tôi hạnh phúc vô cùng", chị Hà tâm sự.

Trong khoảng thời gian sau sinh ở viện một mình không người thân, không được gặp con, chị Hà có những lúc gần như rơi vào trầm cảm. Chị đóng cửa ở trong phòng, không muốn tiếp xúc với ai. Các bác sĩ thêm lần nữa lại đóng vai bác sĩ tâm lý, động viên.

Chị Hà chia sẻ: "Khi mới vào viện, bệnh viện đã cắt cử bác sĩ sản khoa và nhân viên y tế thăm khám mỗi ngày hai lần, đảm bảo chế độ ăn của sản phụ. Dù trải qua quá trình sinh nở không có gia đình bên cạnh nhưng có các y bác sĩ đồng hành, an ủi, khích lệ tinh thần và chăm sóc chu đáo tôi rất khỏe mạnh và hạnh phúc. Tôi không biết nói gì ngoài hai tiếng cảm ơn tất cả đội ngũ y, bác sĩ của bệnh viện đã chăm sóc, lo cho tôi không những về mặt thể chất mà còn về mặt tinh thần. Nhân ngày Thầy Thuốc Việt Nam 27/2, tôi xin chúc tất cả các bác sĩ luôn mạnh khỏe".

Phương Thuận
Theo Gia đình & Xã hội