Thứ sáu, 26/04/2024 | 20:28
RSS

Ca nhiễm Covid-19 phần lớn do tiếp xúc rất gần, không đeo khẩu trang

Thứ tư, 15/04/2020, 09:15 (GMT+7)

Qua phân tích hơn 200 ca lây nhiễm Covid-19 tại Việt Nam, các chuyên gia cho biết, đa số các ca lây nhiễm do tiếp xúc rất gần và không đeo khẩu trang khi giao tiếp.

Ca nhiễm Covid-19 phần lớn do tiếp xúc rất gần, không đeo khẩu trang
Phần lớn ca nhiễm Covid-19 do tiếp xúc rất gần, không đeo khẩu trang. Ảnh minh họa. Nguồn VNE

Theo các chuyên gia, cũng theo phân tích này nữ giới chiếm tỉ lệ 64,3% trong khi nam giới là 35,4%, và chủ yếu ở độ tuổi 20-59.  Bên cạnh đó, nhóm dễ lây nhiễm được xác định là nhóm xã hội tương tác nhiều. Nữ lây cho nữ khoảng 43%; trong khi đó ở nam chỉ khoảng 10%, Tiền phong đưa tin. 

Các phân tích trên một lần nữa cho thấy ý thức phòng bệnh COVID-19 của người dân cần được nâng cao hơn nữa - nhất là trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp ở trong nước cũng như trên toàn thế giới hiện nay. Và một điều có thể nhận thấy rõ là các biện pháp phòng bệnh COVID-19 mà Bộ Y tế khuyến cáo cộng đồng ngay từ đầu mùa dịch - trong đó có việc đeo khẩu trang là hoàn toàn cần thiết.

Theo các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đeo khẩu trang có thể hạn chế sự lây lan của một số bệnh đường hô hấp. Bên cạnh sử dụng khẩu trang, người dân cần kết hợp với các biện pháp phòng ngừa khác như: vệ sinh tay và đường hô hấp và tránh tiếp xúc gần – giữ khoảng cách ít nhất 1,5 mét giữa bạn với những người khác.

Với những thông tin hiện có, các chuyên gia y tế nhấn mạnh rằng, con đường lây truyền từ người sang người của COVID-19 là thông qua các giọt bắn hô hấp tiếp xúc gần. Bất kỳ ai tiếp xúc gần (trong vòng 1 mét) với người có triệu chứng hô hấp (ví dụ: hắt hơi, ho...) đều có nguy cơ nhiễm bệnh. Do đó, đeo khẩu trang là một trong những biện pháp phòng ngừa để hạn chế sự lây lan của một số bệnh về đường hô hấp, bao gồm cả COVID-19.

Tuy nhiên, bạn không nhất thiết phải đeo khẩu trang y tế. Với người khỏe mạnh, không có các triệu chứng bệnh về đường hô hấp chỉ cần đeo khẩu trang vải khi đến các khu vực tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng; Khẩu trang vải có thể giặt sạch, phơi khô và tái sử dụng.

Đối với khẩu trang y tế, chỉ sử dụng trong các trường hợp tiếp xúc, chăm sóc người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm virus SARS-CoV-2. Khi chăm sóc hoặc có tiếp xúc gần với người có triệu chứng mắc bệnh đường hô hấp như ho, khó thở, chảy nước mũi,… Khi được chỉ định tự theo dõi, cách ly tại nhà hoặc khi đi thăm hỏi, khám, điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh.

Theo thống kê mới nhất, tính đến 6h ngày 15/4, Bộ Y tế ghi nhận thêm một ca dương tính nCoV, là bố của "bệnh nhân 257", ở thôn Hạ Lôi, Hà Nội. Như vậy, 24 giờ qua thêm hai ca nhiễm, 23 người khỏi bệnh. Tổng số người khỏi Covid-19 lên 169. Số bệnh nhân đang điều trị 98. Số ca nhiễm ở thôn Hạ Lôi lên 13, Vnexpress đưa tin. 

"Bệnh nhân 267", 46 tuổi, bố "bệnh nhân 257", chồng "bệnh nhân 258", tiếp xúc gần với "bệnh nhân 243" ngày 20/3. Ngày 8/4, ông cách ly tập trung tại Hà Nội, ngày 13/4 khởi phát triệu chứng sốt nhẹ, mệt mỏi, đau rát họng, đau người, được lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm ngày 14/4 dương tính. Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.

Toàn bộ thôn Hạ Lôi với 11.077 người dân, đang cách ly. Giới chức y tế tiếp tục điều tra dịch tễ. 98 bệnh nhân đang được điều trị tại 14 bệnh viện, hầu hết sức khỏe ổn định. Trong số này, 13 ca kết quả xét nghiệm âm tính một lần, 8 ca âm tính lần hai. Ba ca nặng đang thở máy, lọc máu là bệnh nhân 20, 161 và 91. Năm ca phải thở oxy.

Tính đến sáng nay, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly gần 68.000. Ttrong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện 533; cách ly tập trung tại cơ sở khác hơn 12.500; cách ly tại nhà, nơi lưu trú gần 55.000.

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN

CÙNG CHUYÊN MỤC