Thứ bảy, 18/01/2025 | 13:55
RSS

Cà Mau phát động cuộc thi 'Đại sứ học đường trong tuyên truyền phòng tránh tai nạn bom mìn, vật nổ do chiến tranh để lại'

Thứ hai, 28/09/2020, 11:30 (GMT+7)

“Đại sứ học đường trong tuyên truyền phòng tránh tai nạn bom mìn, vật nổ do chiến tranh để lại” là cuộc thi do Trung tâm Hành động bom mìn Quốc gia Việt Nam (VNMAC), phối hợp với UBND tỉnh Cà Mau tổ chức.

Sự kiện:
Cà Mau

Ông Tạ Đức Hùng, HT trường THCS Võ Thị Sáu, TP Cà Mau phát động cuộc thi sáng ngày 28/9/2020.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ từ năm 1975 đến nay cả nước đã có trên 42 nghìn người chết và 62 nghìn người bị thương do bom mìn sót lại sau chiến tranh. Bình quân mỗi năm ở Việt Nam có trên 1.500 người chết và gần 2.300 người bị thương do bom mìn còn sót lại sau chiến tranh gây ra, trong đó có rất nhiều trẻ em. Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có gần 30% diện tích bị ô nhiễm bom, mìn, vật nổ. Trong đó, Cà Mau là tỉnh bị ô nhiễm với diện tích 122.000 ha, tương đương 24% diện tích tự nhiên, với nhiều chủng loại bom mìn do chiến tranh để lại nằm rải rác cả 100% số xã (phường, thị trấn).

Nhằm phòng tránh tai nạn bom mìn và vật liệu nổ cho trẻ em trên địa bàn Cà mau, Trung tâm Hành động bom mìn Quốc gia Việt Nam (VNMAC), phối hợp với UBND tỉnh Cà Mau tổ chức phát động cuộc thi “Đại sứ học đường trong tuyên truyền phòng tránh tai nạn bom mìn, vật nổ do chiến tranh để lại”. 

Cuộc thi được tổ chức từ 30/9 đến 30/10/2020. Đối tượng là các em học sinh Trung học Cơ sở (12 trường) các trường trên địa bàn bị ô nhiễm bom mìn nặng thuộc thành phố Cà Mau và huyện Trần Văn Thời. Tham gia cuộc thi, học sinh được chủ động lựa chọn hình thức tham gia dự thi, có thể tham khảo các gợi ý như  vẽ tranh, viết kịch, sáng tác truyện, sáng tác thơ, chụp ảnh, làm thơ, sáng tác slogan và các hình thức sáng tạo khác theo chủ đề của cuộc thi.

Kết thúc cuộc thi Ban tổ chức sẽ lựa chọn và trao giải cho các em học sinh có tác phẩm xuất sắc có giá trị tuyên truyền trên các nội dung: Tác hại, ảnh hưởng của tai nạn BMVN tới cá nhân và cộng đồng, xã hội; Sáng kiến, cảnh báo của các em trong việc giảm thiểu tác động của bom mìn, vật nổ tới cá nhân và cộng đồng, xã hội; Cách nhận biết, phòng tránh và xử lý khi gặp bom mìn, vật nổ. Dự kiến Lễ trao giải tổ chức tháng 11/2020.

Nhân dịp này Trung tâm Hành động bom mìn Quốc gia Việt Nam phối hợp với Quỹ hỗ trợ Khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau rà soát 20 nạn nhân bom mìn có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ sinh kế 12 triệu đồng/nạn nhân; hướng dẫn các nạn nhân sử dụng nguồn kinh phí có hiệu quả. Sáng ngày 28/9/2020, trường THCS Võ Thị Sáu (TP Cà Mau)  đã tổ chức Lễ phát động Cuộc thi “Đại sứ học đường trong tuyên truyền phòng tránh tai nạn bom mìn, vật nổ do chiến tranh để lại”. 

Đoàn làm việc của VNMAC với Sở GDĐT Cà Mau triển khai tổ chức cuộc thi.

Cách thức tham dự:

Các em học sinh sẽ gửi bài tham dự của mình đến Ban tổ chức hết ngày 30/10/2020. Vì đây là cuộc thi khuyến khích sự sáng tạo của các em nên hình thức thể hiện do các em tự chọn để làm nổi bật thông điệp về khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh tại Việt Nam.

Chủ đề cuộc thi:

- Tác hại, ảnh hưởng của tai nạn BMVN tới cá nhân và cộng đồng, xã hội;

- Sáng kiến, cảnh báo trong việc giảm thiểu tác động của bom mìn, vật nổ tới cá nhân và cộng đồng, xã hội;

- Cách nhận biết và phòng tránh bom mìn, vật nổ;

- Làm gì khi đối mặt với nguy cơ tai nạn bom mìn, vật nổ.

Thể lệ cuộc thi:

- Học sinh chủ động lựa chọn hình thức tham gia dự thi, có thể tham khảo các gợi ý như  vẽ tranh, viết kịch, sáng tác truyện, sáng tác thơ, photo show (tối đa 10 ảnh), làm thơ, sáng tác slogan và các hình thức sáng tạo khác theo chủ đề của cuộc thi. 

- Bài thi phải ghi các nội dung sau:

• Tiêu đề: Tham gia cuộc thi “Đại sứ học đường trong tuyên truyền phòng tránh tai nạn bom mìn, vật nổ do chiến tranh để lại”

• Tên học sinh, ngày sinh, giới tính; Tên trường, lớp; 

• Tên, số điện thoại của bố/ mẹ/người bảo trợ;

• Tên tác phẩm dự thi;

- Sau khi nhận bài từ các trường, Phòng giáo dục Cà Mau chấm và gửi bài có chất lượng cao về Ban Tổ chức Cuộc thi.

Cơ cấu giải thưởng:

- 01 giải Nhất: trị giá 2.000.000 đồng 

- 02 giải Nhì: trị giá 1.500.000 đồng/giải.

- 03 giải Ba: trị giá 1.000.000 đồng/giải.

- 20 giải Khuyến khích: trị giá 300.000 đồng/giải.

- 01 giải tập thể: trị giá 3.000.000 đồng cho tập thể nhà trường có nhiều cá nhân đạt giải cao trong cuộc thi.

Nhân dịp này Trung tâm Hành động bom mìn Quốc gia Việt Nam phối hợp với Quỹ hỗ trợ KPHQBM Việt Nam, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau rà soát 20 nạn nhân bom mìn có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ sinh kế 12 triệu đồng/nạn nhân; hướng dẫn các nạn nhân sử dụng nguồn kinh phí có hiệu quả. 

Mọi thông tin về cuộc thi, học sinh và quý phụ huynh vui lòng liên hệ:

- Trần Hữu Thành, Phó trưởng phòng Kế hoạch Điều phối/VNMAC; điện thoại: 0973536956; email: tranthanh257303@gmail.com .

- Trần Thị Liễu, Tư vấn kỹ thuật/VNMAC ; điện thoại: 0945673386; email: tranlieu86@gmail.com .

- Đoàn Công Lực, Sở Giáo dục và Đạo tạo Cà Mau (địa chỉ: Số 1 Bà Triệu , Phường 5 , TP Cà  Mau); điện thoại: 0918647063; email: congluc70@gmail.com .
Hoặc xem thông tin chi tiết tại:

- Trang TTĐT của VNMAC : http://vnmac.gov.vn/.

- Website của Sở GDĐT Cà Mau: http://sogddt.camau.gov.vn/.

THÔNG TIN THÊM

1. Thực trạng ô nhiễm bom mìn, vật nổ

Trải qua nhiều cuộc chiến tranh, đất đai và con người Việt Nam đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi bom mìn, vật nổ (BMVN) còn sót lại sau chiến tranh. Theo số liệu điều tra đã được công bố ngày 03/4/2018, Việt Nam có tổng số 9.116 xã (tương đương 81.87%) thuộc 63/63 tỉnh/thành phố trên cả nước còn bị ô nhiễm bom mìn vật nổ (BMVN) ở các mức độ khác nhau. 

Tổng diện tích đất đai hiện còn bị ô nhiễm BMVN tính đến thời điểm tháng 12/2017 là khoảng 6,1 triệu ha, chiếm 18,71 % diện tích đất cả nước. Hiện còn khoảng 600 - 800 nghìn tấn bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh trên lãnh thổ Việt Nam. 

Các tỉnh thuộc khu vực miền Trung và Tây Nguyên của Việt Nam là những nơi có mật độ ô nhiễm BMVN lớn. Trong đó, các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế là tỉnh có tỷ lệ diện tích đất đai bị ô nhiễm BMVN lớn nhất cả nước. Với khối lượng trên và với tốc độ triển khai khắc phục như hiện nay, ước tính phải mất rất nhiều năm nữa, Việt Nam mới có thể khắc phục, làm sạch bom mìn một cách triệt để.

2. Hậu quả của bom mìn vật nổ

Bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh luôn là mối nguy hiểm tiềm tàng gây các hậu quả khôn lường, làm ảnh hưởng đến con người và mọi mặt đời sống xã hội. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ từ năm 1975 đến nay cả nước đã có trên 42 nghìn người chết và 62 nghìn người bị thương do bom mìn sót lại sau chiến tranh. Như vậy, bình quân mỗi năm ở Việt Nam có trên 1.500 người chết và gần 2.300 người bị thương do bom mìn còn sót lại sau chiến tranh gây ra, trong đó có rất nhiều trẻ em.

3. Biện pháp phòng tránh bom mìn cho trẻ em

Hiện nay, phần lớn trẻ em không được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng an toàn khi gặp phải bom mìn và vật nổ còn sót lại sau chiến tranh. Sự nhận thức không đầy đủ dẫn tới thiếu trách nhiệm, bất cẩn và sao nhãng của cha mẹ, thầy giáo, cô giáo trong việc bảo vệ cho trẻ em có thể dẫn đến hậu quả khôn lường. 

Để phòng tránh tai nạn bom mìn và vật liệu nổ cho trẻ em, cần nâng cao nhận thức của cha mẹ, giáo viên, cộng đồng.., đặc biệt là trẻ em về mối nguy hiểm này và các biện pháp phòng tránh, nhận biết , cách xử lý khi phát hiện các vật nghi là bom, mìn, vật nổ.

4. Thực trạng ô nhiễm bom mìn, vật nổ tại Cà Mau

Theo bản đồ ô nhiễm bom mìn quốc gia được công bố, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có gần 30% diện tích bị ô nhiễm bom, mìn, vật nổ. Trong đó, Cà Mau là tỉnh bị ô nhiễm với diện tích 122.000 ha, tương đương 24% diện tích tự nhiên, với nhiều chủng loại bom mìn do chiến tranh để lại nằm rải rác cả 100% số xã (phường, thị trấn).

Nguyễn Mai
Theo Đời sống Plus/GĐVN