Thứ sáu, 29/03/2024 | 15:42
RSS

Ca Covid-19 "siêu lây nhiễm" ở Hà Nam lây nhiễm từ nguồn nào?

Thứ sáu, 30/04/2021, 15:07 (GMT+7)

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp của Bộ Y tế đã đánh giá về các khả năng lây nhiễm của ca Covid-19 tại Hà Nam, bệnh nhân 2899.

Ngày 30/4, PGS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam nhận định, ca Covid-19 ở Hà Nam, bệnh nhân 2899 hiện có nguy cơ cao với cộng đồng bởi việc lây nhiễm rất nhanh. 

PGS Phu cũng đã đánh giá về việc lây nhiễm Covid-19 của bệnh nhân 2899 sau khi đã hoàn thành việc cách ly 14 ngày. Theo PGS Phu, có 4 nguyên nhân có thể khiến ca bệnh 2899 bị lây nhiễm Covid-19: 

Thứ nhất, bệnh nhân này có thể lây nhiễm Covid-19 từ khu cách ly, tuy nhiên sau khi rời khỏi khu cách ly mới phát bệnh. 

Thứ 2 có thể thời gian ủ bệnh Covid-19 của bệnh nhân này quá 14 ngày. Trên thực tế cũng đã có trường hợp ủ bệnh lâu hơn 14 ngày. 

Thứ 3 là phải kiểm tra lại ngày xét nghiệm cuối cùng, có phải lấy mẫu ở ngày thứ 14 hay không, hay lấy trước đó. 

Trước đó, bệnh nhân 2899, anh N.V.Đ. nhập cảnh từ Nhật về, cách ly đủ 14 ngày tại Đà Nẵng và đã có 3 lần xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong đó lần xét nghiệm cuối cùng là ngày 21/4.

Đến ngày 22/4 bệnh nhân đi xe khách từ Đà Nẵng về Liêm Tuyền và bắt taxi từ Liêm Tuyền về nhà ở thôn Quan Nhân, xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Sáng 24/4, bố bệnh nhân này ra trạm y tế xã khai báo do thấy con trai có biểu hiện ho sốt, đau họng. Sau đó cơ quan chức năng đã đến lấy mẫu, điều tra dịch tễ. Chiều ngày 27/4 xét nghiệm, xác nhận dương tính lần 1 với SARS-CoV-2.

Nguyên nhân thứ 4 có thể bệnh nhân 2899 lây nhiễm khi di chuyển. 

"Khả năng thứ 4 có thể xảy ra với trường hợp này, đó là lây nhiễm trong quá trình di chuyển về nhà và tiếp xúc nhiều người. Có thể trong quá trình di chuyển bệnh nhân bị lây nhiễm. Cũng có thể bệnh nhân bị lây ở cộng đồng, mà không thể xác định được nguồn lây là ở đâu", PGS Phu phân tích. 

Theo PGS Phu, cần tiếp tục điều tra dịch tễ và phân tích kỹ để đánh giá nguồn lây. Không loại trừ khả năng khó có thể truy vết được nguồn lây của ca bệnh này. 

"Xác được nguồn lây khá quan trọng để vạch ra phương hướng truy vết, khoanh vùng cách ly. Tuy nhiên, ưu tiên đầu tiên hiện nay vẫn là truy vết F1, F2 của các ca bệnh đã xác định trong cộng đồng để tránh lây lan tiếp theo", PGS Phu nhận định. 

Trước lo ngại Covid-19 có thể ủ bệnh lâu hơn 14 ngày, cách ly 14 ngày chưa đủ an toàn, PGS Phu khẳng định, thời gian cách ly tập trung theo quy định của Bộ Y tế hiện nay vẫn được đánh giá đảm bảo an toàn. 

Đồng thời, người cách ly trong thời gian cách ly cũng phải xét nghiệm 3 lần, cho kết quả âm tính mới được trả về nơi cư trú. Tuy nhiên, người cách ly vẫn phải tiếp tục hạn chế tiếp xúc và theo dõi sức khỏe chứ không phải từ khu cách ly về là "thả ga" vui chơi. 

Hiện nay, liên quan đến ca bệnh 2899 đã xác định 8 bệnh nhân Covid-19 (4 ca ở Hà Nam, 2 ca ở Hưng Yên, 1 ca ở Hà Nội 1 ca ở TP HCM) và 4 ca dương tính lần 1 với SARS-CoV-2 (2 ca ở Hà Nam, 2 ca ở Hà Nội). Ca bệnh này đang được đánh giá là có tốc độ lây nhiễm rất nhanh. 

Trước đó, đại diện Bộ Y tế cũng cho biết, Bộ Y tế sẽ tiến hành đánh giá sẽ phân tích giải trình tự gen của ca bệnh 2899, tuy nhiên đánh giá ban đầu có thể nhận thấy tốc độ lây nhiễm từ ca 2899 rất nhanh với nhiều ca F1, F2 đã bị lây nhiễm. 

 

 

Diệu Linh
Theo Dân Việt