Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye có lẽ không thể ngờ được bức thư bà nhận được vào năm 1974 sau khi mẹ bà qua đời sẽ nhấn chìm sự nghiệp chính trị của bà hơn 40 năm sau.
Tác giả của bức thư là Choi Tae-min, lãnh đạo của một nhóm tín ngưỡng nhỏ. Sau khi nhận được bức thư, bà Park mời ông Choi Tae-min đến gặp mặt. Từ đó, một mối quan hệ giữa hai gia đình hình thành và kéo dài đến cả khi bà lên chức Tổng thống.
Ông Choi Tae-min qua đời vào năm 1997. Trong một buổi phỏng vấn báo chí vào năm 1990, ông này nói không nhớ mình đã viết gì cho bà Park sau khi mẹ bà bị ám sát. Ông nói có thể mình đã chia buồn với bà Park và bày tỏ mong muốn được gặp mặt. Về phần mình, bà Park chưa bao giờ công bố nội dung bức thư.
Sau khi mẹ bà bị điệp viên người Nhật Bản gốc Triều Tiên Mun Se-gwang ám toán, bà Park đã đảm nhiệm vai trò đệ nhất phu nhân bên cạnh cha là Tổng thống Park Chung-hee. Năm năm sau, ông Park Chung-hee cũng bị ám sát.
Ngoài ra, bà Park cũng có tên trong danh sách thành viên nhóm chính trị của ông Choi có tên “Sứ mệnh cứu rỗi Hàn Quốc”, thường xuyên tham gia các buổi cầu nguyện cùng hàng trăm thành viên khác với nội dung lên án Triều Tiên.
Tỷ lệ ủng hộ bà Park đã rớt thảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại là 17%
Nhiều thập kỷ sau, mối quan hệ giữa bà Park và gia đình Choi Tae-min, trong đó có con gái ông là Choi Soon-sil bị phanh phui. Bê bối làm rúng động nghị trường Hàn Quốc, khiến nhiều quan chức cấp cao mất chức.
Giảng viên tại Đại học quốc gia Pusan chỉ ra rằng người dân Hàn Quốc cảm thấy “bị sỉ nhục” khi Tổng thống của họ bị giật dây bởi mê tín dị đoan.
Tỷ lệ ủng hộ bà Park đã rớt thảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại là 17%. Hàng chục nghìn người đã kéo tới trung tâm Seoul tuần tiễu cuối tuần qua, kêu gọi bà Park từ chức.
Sự bất an về tầm ảnh hưởng kỳ lạ của gia đình Choi được xướng lên ngay từ trước năm 1979, thời điểm xảy ra vụ ám sát Tổng thống Park Chung-hee.
Giám đốc tình báo Hàn Quốc khi đó là Kim Jae-gyu khai trước tòa trong phiên phúc thẩm rằng ông cảm thấy bất mãn khi Tổng thống Park không thể kéo con gái ông ra khỏi mối quan hệ với một “thầy đồng”. Kết quả là ông Kim Jae-gyu bị hành hình vào năm 1980.
Trả lời Bloomberg, luật sư của Kim Jae-gyu thời bấy giờ là ông Ahn Dong-il nói: “Chúng tôi vẫn ám bởi mối quan hệ oan nghiệt giữa Tổng thống với bà Choi”. Vị giám đốc tình báo quá cố đã nhiều lần van nài Park Chung-hee hãy cứu lấy con gái, nhưng thậm chí vị Tổng thống cũng bất lực.
Trong cuốn hồi ký viết năm 1997, ông Kim Jung-ryum – cựu quản lý nhân viên văn phòng của Park Chung-hee vào những năm 1970 – từng viết ông lo ngại khi bà Park Geun-hye tìm cách vun vén lợi ích cho hai công ty có liên hệ tài chính với bà Choi.
Sau khi cha qua đời, bà Park rời phủ Tổng thống để điều hành quỹ từ thiện vì trẻ em do mẹ bà sáng lập. Bà Park sau đó chuyển quyền điều hành cho chị gái vào năm 1990 vì một số nhân viên tỏ ra chống đối sự can thiệp của bà Choi vào quỹ.
Bảy năm sau, bà Park quay lại nghị trường thông qua một đảng có tên Saenuri, và được bầu vào ban lập pháp của thành phố Daegu gần quê nội vào năm 1998.
Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống vào năm 2007, bà Park đã công khai cảm ơn ông Choi Tae-min vì đã giúp đỡ bà “trong giai đoạn khó khăn”. Bà cũng bao che cho bà Choi Soon-sil trước cáo buộc biển thủ tiền từ quỹ từ thiện vì trẻ em.
Năm 2007, Đại sứ quán Mỹ tại Seoul dẫn thông tin rò rỉ từ WikiLeaks, tiết lộ đảng đối lập cho rằng bà Choi Tae-min chính là “Rasputin phiên bản Hàn Quốc”, chỉ nhân vật bí ẩn mang màu sắc tôn giáo từng thao túng Nga hoàng cuối cùng Nicholas Đệ nhị.
“Có nhiều tin đồn bà Choi hoàn toàn kiểm soát cơ thể và ý thức của bà Park trong những năm đầu giữ chức”, Đại sứ quán viết.