Thứ bảy, 18/01/2025 | 17:52
RSS

Bù đắp kiến thức cho học sinh bán trú: Ôn bài vào buổi tối, lên chòi giao bài tập

Thứ hai, 28/03/2022, 06:46 (GMT+7)

Để đảm bảo kiến thức cho học sinh ngoài buổi học chính khóa, một số trường học bán trú tại Gia Lai còn tổ chức phụ đạo cho học sinh yếu. Đồng thời, tổ chức dạy học và tự học cho học sinh bán trú vào buổi tối.


Học sinh trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Krong ôn tập kiến thức vào buổi tối.

Tổ chức phụ đạo cho học sinh

Thầy Phạm Văn Tấn, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Krong (xã Krong, huyện Kbang, Gia Lai) cho biết, toàn trường có 19 cán bộ, giáo viên và nhân viên với 322 học sinh, trong đó 295 em là người dân tộc thiểu số.

Theo thầy Tấn, mặc dù học kì I, năm học 2021-2022 bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, do điều kiện khó khăn, học sinh không đủ thiết bị nên không thể dạy học trực tuyến. Bên cạnh đó, một số phụ huynh còn chưa chú ý, quan tâm đến việc học của con em nên thường để các em ở nhà làm nương rẫy. Chính vì vậy, hàng tuần hoặc trong ngày mùa, dịp lễ Tết giáo viên phải vào làng, lên chòi rẫy vận động và đưa các em ra lớp.

Cũng theo thầy Tấn, dạy học trong điều kiện dịch bệnh nên nhà trường thường xuyên quan tâm, chú ý và theo dõi sức khoẻ học sinh. Các em thường xuyên vệ sinh chỗ ăn, ở bán trú. Đồng thời, những em xuất hiện triệu chứng sốt, ho… hoặc có yếu tố dịch tễ thì nhà trường sẽ phân luồng, kiểm tra và báo cho gia đình theo dõi sức khoẻ.

Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Krong cho hay, để đảm bảo kiến thức cho học sinh, ngoài buổi học chính khóa, nhà trường còn tổ chức phụ đạo cho học sinh yếu và bồi dưỡng học sinh giỏi vào các buổi chiều thứ 2, 3, 4 hàng tuần. Bên cạnh đó, tổ chức dạy học và tự học cho 133 em học sinh bán trú vào các buổi tối trong tuần. Bên cạnh đó, tổ chức sinh hoạt và giáo dục kĩ năng sống cho học sinh vào tối thứ 5 hàng tuần.

Trong học kì I, trên 98% học sinh có kết quả học tập đạt so với chương trình học. Bên cạnh đó, 100% các em luôn tuân thủ kỉ luật, không vi phạm quy định của nhà trường.

Theo thầy Tấn, trong học kì II này nhà trường cố gắng nâng cao tỷ lệ học sinh khá - giỏi so với kết quả đã đạt được trong học kì I. Bên cạnh đó, nâng dần chất lượng giáo dục bộ môn, hạ thấp tỷ lệ học sinh yếu- kém. Đồng thời, giáo viên tăng cường giáo dục đạo đức học sinh thông qua buổi sinh hoạt, hoạt động ngoài giờ lên lớp. Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy.

Lên “nhà đầm” giao bài tập


Giáo viên trường PTDT Bán trú Tiểu học Lê Văn Tám tận tình hướng dẫn cho học sinh. 

Thời gian qua, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên có thời điểm giáo viên trường PTDT Bán trú Tiểu học Lê Văn Tám (xã Krong, huyện Kbang, Gia Lai) phải đến tận nhà, lên nương rẫy giao bài tập cho học sinh. Bởi các em hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện để mua thiết bị học trực tuyến.

Thầy Hoàng Văn Ngọc, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, người dân nơi đây chủ yếu làm nương rẫy nên đa số học sinh theo bố mẹ lên nhà đầm (chòi rẫy) để ở. Có những em đi cả tuần hoặc 10 ngày mới về lại nhà. Chính vì vậy, trong quá trình phát phiếu bài tập cho học sinh giáo viên phải vượt quãng đường khoảng 4-5km hoặc gần 10km để giao bài và kiểm tra kiến thức của học sinh.


Học sinh học thể dục để cải thiện sức khoẻ.

Tương tự, tại Trường Tiểu học Sơn Lang (xã Sơn Lang, huyện Kbang) thầy cô vừa dạy trực tuyến trên lớp, vừa phát phiếu bài tập tại nhà cho những học sinh liên quan đến yếu tố dịch tễ.

Cô Nguyễn Thị Phượng, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, toàn trường có 19 cán bộ, giáo viên và nhân viên phụ trách quản lý, giảng dạy 257 học sinh với 10 lớp.

Theo cô Phượng, hiện nay một số phụ huynh học sinh nhận thức còn hạn chế, ít quan tâm đến con em mình. Do đó, gia đình “giao khoán” các em cho nhà trường dẫn đến chất lượng học sinh yếu vẫn còn. Chính vì vậy, giáo viên phải thường xuyên quan tâm, hỗ trợ các em không chỉ trong học tập mà còn ở cuộc sống.

Cô Phượng cho hay, trong đỉnh điểm đợt dịch vừa qua nhà trường không thể tổ chức dạy học trực tuyến mà chủ yếu phát phiếu bài tập cho học sinh. Tuy nhiên, những em lớp lớn thường theo bố mẹ đi làm nương rẫy nên khó khăn trong công tác hướng dẫn học sinh học tập.

“Tuy quãng đường giao bài tập cho học sinh khá xa, chủ yếu đường đồi núi. Nhưng giáo viên luôn cố gắng vượt khó để tất cả học sinh đều được tiếp thu kiến thức”, cô Phượng tâm sự.

 

Dung Nguyễn
Theo Giáo dục & Thời đại