Thứ sáu, 22/11/2024 | 06:48
RSS

Bộ Y tế lý giải nguyên nhân thiếu thuốc, vật tư y tế ở nhiều nơi

Thứ sáu, 17/06/2022, 16:06 (GMT+7)

Bộ Y tế cho biết, hiện đang có tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ở nhiều nơi gây ảnh hưởng đến công tác khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Theo sức khỏe & Đời sống, chiều 17/6, Bộ Y tế đã có thông tin về thực trạng công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư và trang thiết bị y tế hiện nay.

Bộ Y tế cho biết, thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng và Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản quy định, hướng dẫn và đôn đốc về công tác đấu thầu, mua sắm. Nhưng qua quá trình triển khai thực hiện tại các đơn vị, địa phương, đặc biệt là việc đấu thầu, mua sắm phục vụ công tác phòng, chống dịch vẫn còn bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc và bất cập.

VTC News thông tin, lý giải về nguyên nhân dẫn đến thiếu thuốc và vật tư y tế ở nhiều nơi, Bộ Y tế cho hay, mặc dù Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đã thực hiện việc phân cấp thẩm quyền mua sắm, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị tuy nhiên một số đơn vị không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm của một số địa phương và đơn vị do tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ được thanh tra, kiểm tra.

Bên cạnh đó, một số địa phương giao cho các đơn vị chủ động tự đấu thầu, thay vì đấu thầu tập trung như trước, nhưng các đơn vị vẫn tỏ ra lúng túng hoặc e ngại trong tổ chức thực hiện. Một số doanh nghiệp, nhà cung cấp cũng e ngại trong việc cung ứng hàng hóa cho các đơn vị công do liên quan đến giá chưa hợp lý, thủ tục đấu thầu, thủ tục thanh toán phức tạp, khó khăn.

Mua sắm trong lĩnh vực y tế có lúc, có nơi xuất phát từ nhu cầu bị động, phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như tình hình dịch bệnh, mô hình bệnh tật. Đặc biệt là trong các năm 2020-2021 là hai năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch covid-19 nhiều gói thầu phải mua theo hình thức chỉ định thầu rút gọn, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp khẩn cấp để phục vụ cho nhu cầu chống dịch.

Cũng theo Bộ Y tế, lý do nữa là do việc hiểu và thực hiện Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập về thẩm quyền quyết định mua sắm từ các nguồn thu của đơn vị sự nghiệp công lập được giao tự chủ về tài chính chưa thống nhất dẫn đến việc đấu thầu, mua sắm của các đơn vị sự nghiệp công lập bị chững lại, chưa tổ chức thực hiện việc đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản, hàng hoá, dịch vụ kể từ khi Nghị định này có hiệu lực. Cùng đó, tình trạng hết hạn số đăng ký của một số loại thuốc dẫn tới chậm thầu so với dự kiến đề ra.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, một số khó khăn, chậm có kết quả đấu thầu tập Trung Quốc gia, đàm phán giá một số thuốc thuốc mua sắm tập trung quốc gia, dẫn tới các cơ sở phải thực hiện hình thức mua sắm tại cơ sở và không chủ động được thời gian, số lượng mua sắm cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Bộ Y tế lý giải nguyên nhân thiếu thuốc, vật tư y tế ở nhiều nơi

Ảnh minh họa (Nguồn: Bộ Y tế)

Trước đó, một số cơ quan báo chí đã phản ánh tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ở nhiều nơi, chủ yếu là các loại thuốc, vật tư y tế thông dụng thuộc thẩm quyền mua sắm của các địa phương, đơn vị, gây ảnh hưởng đến công tác khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Cụ thể, Kinh tế & Đô thị cho biết, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế đang xảy ra ở nhiều bệnh viện trong thời gian gần đây. Đơn cử như ở bệnh viện Đa khoa Đông Anh, nhiều bác sĩ tỏ ra e ngại khi thiếu một số hóa chất cơ bản về miễn dịch, hoặc sinh phẩm xác định xem người bệnh có nhồi máu cơ tim. Nếu không phải trường hợp cấp cứu, trong thời gian chờ hóa chất, bệnh viện này phải gửi mẫu đến đơn vị xét nghiệm khác.

Ngoài ra, khi nhân viên y tế đề nghị người nhà mua vật tư không có trong danh mục được bảo hiểm chi trả, để kịp thời điều trị bệnh nhân, sẽ khiến họ hiểu nhầm và nghi ngờ y, bác sĩ tiêu cực. Từ đó tác động xấu đến tâm lý đội ngũ điều trị. Thiếu vật tư y tế còn khiến người bệnh mất cơ hội hưởng dịch vụ tiên tiến.

Theo CAND, nhiều bệnh nhân vì thiếu vật tư y tế chi trả theo BHYT đã không chờ đợi được họ phải chấp nhận mua ngoài, hoặc chuyển sang các bệnh viện tư nhân khác. Hiện tượng trên không chỉ xảy ra ở nhiều bệnh viện tuyến trung ương, mà còn xảy ra tại bệnh viện tuyến tỉnh.

Trong khi đó, chia sẻ với phóng viên Lao Động, một giáo sư đầu ngành, lãnh đạo bệnh viện tuyến trung ương chua xót nói: "Tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế là có thật. Hiện nay việc mua sắm máy móc, vật tư y tế đang "tắc" toàn bộ, chúng tôi không thể mua được".

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại