Thứ sáu, 22/11/2024 | 13:41
RSS

Bộ Y tế kết luận về tương ớt Chin-su sử dụng chất bảo quản axit benzoic

Thứ sáu, 12/04/2019, 19:49 (GMT+7)

Bộ Y tế khẳng định sử dụng chất bảo quản axit benzoic với hàm lượng không vượt quá 1g/kg sản phẩm là phù hợp với quy định của Việt Nam, an toàn cho người sử dụng.

Bộ Y tế: Tương ớt Chinsu an toàn cho người sử dụng và được phép dùng tại VN
Sản phẩm tương ớt Chinsu bị thu hồi ở Nhật. Ảnh chụp màn hình trang thông tin của Nhật.

Sau khi tương ớt Chin-su do Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan sản xuất bị thu hồi tại Nhật Bản do dùng chất bảo quản axit benzoic, người dân trong nước rất hoang mang và băn khoăn với câu hỏi, tương này ở Việt Nam có được sử dụng chất phụ gia này trong thực phẩm không? Ngày 12/4, Bộ Y tế đã chính thức trả lời vấn đề này.    

Theo công văn này, Cục  An toàn thực phẩm viết: Acid benzoic (INS 210) và muối Natri benzoat (INS 211) cũng như Acid sorbic (INS 200) và Kali (INS 202) là các chất bảo quản được phép sử dụng trong sản phẩm tương ớt theo quy định tại Thông tư số 27/2012/TT-BYT ngày 30/11/2012 và Thông tư số 08/2015/TT-BYT ngày 11/05/2015 của Bộ Y tế về Hướng dẫn quản lý phụ gia thực phẩm với hàm lượng tối đa là 1.000mg/kg sản phẩm.

Đây cũng là quy định của Uỷ ban tiêu chuẩn của Uỷ ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế Codex bao hồm 189 thành viên trong đó có My, các nước châu Âu, Thái Lan… Để một phụ gia thực phẩm có trong danh mục của Codex, các nhà khoa học của JECFA (Joint FAO/WHO Expert Committee Food Additives – Uỷ ban chuyên gia hỗn hợp về phụ gia thực phẩm của FAO (Tổ chức Nông lương liên hợp quốc) và WHO (Tổ chức Y tế thế giới) phải thực hiện nhiều nghiên cứu khoa học, đánh giá nguy cơ đối với sức khoẻ con người để đưa ra được mức sử dụng tối đa của từng phụ gia trong thực phẩm, đảm bảo an toàn cho con người khi sử dụng.

"Như vậy, sản phẩm tương ớt Chin-Su của Công ty sử dụng chất bảo quản Acid benzoic (INS 210) hoặc muối Natri Benzoat (INS 211) với hàm lượng không vượt quá 1.000mg/kg sản phẩm (tính theo acid Benzoic) và sử dụng Acid sorbic (INS 200) hoặc Kali sorbat (INS 202) với hàm lượng không vượt quá 1.000mg/kg sản phẩm (tính theo acid sorbic) là phù hợp với quy định của Việt Nam và Uỷ ban tiêu chuẩn thực phẩm quớc tế Codex và an toàn cho người sử dụng"- nội dung công văn 1136 nêu rõ.

Cục ATTP, Bộ Y tế cho biết: Hiện nay, tại Nhật Bản, Acid benzoic cũng như Acid sorbic chưa quy định sử dụng trong tương ớt, điều đó không có nghĩa acid benzoic , aicd sorbic là chất cấm sử dụng trong thực phẩm tại Nhật Bản, vì hiiện tại Nhật Bản đang cho phép dùng Acid benzoic, Acid sorbic trong sản phẩm trứng cá muối, bơ thực vật, nước tương, đồ uống không cồn…

Cũng theo Cục ATTP, Bộ Y tế: Điều này không có nghĩa là tiêu chuẩn thực phẩm của Việt Nam không được quan tâm như ở Nhật Bản, vì thực tế Việt Nam đang sử dụng tiêu chuẩn thực phẩm (trong đó có tương ớt) của Uỷ ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế Codex. Đây cũng là tiêu chuẩn mà Mỹ, các nước Châu Âu... đều là những quốc gia phát triển trên thế giới đang sử dụng.

"Việc sử dụng Acid benzoic, Natri benzoat, Acid sorbic hoặc Kali sorbat trong tương ớt theo quy định của pháp luật hiện hành tại Việt Nam không yêu cầu ghi cảnh báo, chỉ yêu cầu đối với các cơ sở sản xuất thực phẩm phải ghi rõ tên nhóm chất phụ gia, tên chất phụ gia hoặc mã số quốc tế INS (nếu có)"- thông báo của Cục ATTP nêu.

Trước đó, cổng thông tin điện tử thành phố Osaka, Nhật Bản thông báo thu hồi hơn 18.000 chai tương ớt nhãn hiệu Chin-su nguồn gốc từ Việt Nam vì vi phạm Luật Vệ sinh thực phẩm và Luật Nhãn thực phẩm. Theo Hiệp hội Vệ sinh thực phẩm Tokyo, hàm lượng axit benzoic trong tương ớt Chin-su bị thu hồi lần lượt là 0,41 g/kg, 0,44 g/kg và 0,45 g/kg. Trong khi điều 11 khoản 2 Luật vệ sinh thực phẩm Nhật Bản quy định "không đáp ứng tiêu chuẩn thì không được lưu hành".

Kim Hảo
Theo Đời sống Plus/GĐVN