Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn (Ảnh: Quochoi.vn)
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 15/8, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, đã cung cấp một số thông tin liên quan đến quá trình điều tra đường dây làm giả xăng dầu do đại gia Trịnh Sướng cầm đầu.
Theo Người lao động, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay, đường xây xăng giả mà Công an Đắk Nông phát giác đã hoạt động nhiều năm, cung cấp xăng giả trên nhiều tỉnh phía Nam và đã ra cả một số tỉnh phía Bắc.
"Vấn đề xăng giả này giải thích cho hiện tượng nhiều phương tiện đang đi bình thường mà bốc cháy xảy ra thời gian qua, vì có nhiều chất tạo cháy trong đó"- Bộ trưởng Tô Lâm cho hay. Người đứng đầu Bộ Công an cho biết thêm, quá trình điều tra vụ án cũng giúp các lực lượng có thêm kiến thức, kỹ năng để ngăn chặn các tội phạm trong lĩnh vực này.
Từ vụ buôn bán xăng giả nêu trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng sự phối hợp của các lực lượng ở địa phương chưa kịp thời, hiệu quả.
Ông Tuấn Anh dẫn Luật Tiêu chuẩn đo lường chất lượng quy định Bộ KH&CN chịu trách nhiệm quản lý tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng xăng dầu, dung môi pha chế. Quản lý thị trường có trách nhiệm kiểm tra chất lượng xăng dầu trên thị trường…
“Thực tế do yếu kém, các lực lượng này đã không phát hiện ra được hành vi tinh vi của các tổ chức” - Bộ trưởng Công Thương nói và cho biết hai bộ Công Thương và KH&CN đã kiểm tra, chấn chỉnh lại quá trình thực thi pháp luật
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã yêu cầu tổ chức lại lực lượng quản lý thị trường chặt chẽ, hiệu quả hơn để làm tổ công tác chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng lậu.
Vào cuối năm 2018, sau khi phát hiện một đường dây sản xuất, mua bán xăng A95 giả trên địa bàn tỉnh Đắk Nông và nhiều tỉnh, thành khác với phương thức, thủ đoạn rất tinh vi, Công an tỉnh Đắk Nông xác lập chuyên án, huy động lực lượng, phương tiện đấu tranh với nhóm tội phạm này. Qua quá trình điều tra, đến trung tuần tháng 3/2019, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 9 bị can về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả. Sau một thời gian theo dõi, mật phục, từ ngày 28/5 đến ngày 2/6, Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp với các lực lượng thuộc Cục Cảnh sát kinh tế, Cục Cảnh sát giao thông Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động Bộ Công an... lần lượt bắt quả tang các nghi phạm đang có hoạt động pha trộn dung môi với chất kích RON tạo thành xăng giả, tại 6 địa điểm thuộc địa bàn TP.HCM, TP.Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng. Lực lượng công an đã thu giữ 1.650.000 lít hỗn hợp dung môi pha chất kích RON, 1.200.000 lít dung môi các loại, 3 tàu thủy, 4 xe ô tô, 5 máy bơm và nhiều đồ vật, tài liệu khác có liên quan. Kết quả điều tra ban đầu xác định từ ngày 1/1/2017 đến nay, số tiền mà các đối tượng sản xuất xăng giả bỏ ra khoảng 3.000 tỉ đồng để mua dung môi (chất trộn làm xăng giả); trung bình mỗi tháng các đối tượng đưa ra thị trường tiêu thụ khoảng 6 triệu lít xăng giả tuồn ra thị trường các tỉnh TP.HCM, TP.Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng... Căn cứ các tài liệu đã thu thập được và kết quả giám định, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã khởi tố thêm 14 bị can liên quan đến đường dây này. Ngày 5/6 vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã ra quyết định khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với 14 bị can, nâng tổng số bị can trong vụ án lên 23 người. Trong số bị can này có ông Trịnh Sướng, chủ tịch HĐTV kiêm giám đốc Công ty TNHH Mỹ Hưng (Sóc Trăng). |