Ngày hôm nay, các Bộ phải gửi góp ý về kinh doanh xăng dầu
Theo đó, hạn chót của Bộ Tài chính và 9 Bộ ngành liên quan khác là ngày hôm nay (3/2) phải gửi về Bộ Công Thương các đề xuất, góp ý và ý kiến về dự thảo nghị định sửa đổi hai Nghị định 83, 95 nói trên.
Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính có góp ý về dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định kinh doanh xăng dầu về Bộ Công Thương trong ngày hôm nay 3/2
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Lao động, Thương binh và Xã hội, Văn hoá, Thể thao và Du lịch, giáo dục và Đào tạo, Y tế… khẩn trương có ý kiến đối với kiến nghị của Bộ Công Thương về việc góp ý dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu trong ngày 3/2/2023.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương trên cơ sở ý kiến của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương khẩn trương tổng hợp, tiếp thu, giải trình và hoàn thiện dự thảo nghị định, trình Chính phủ trước ngày 15/2 theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm tiến độ, chất lượng, đáp ứng đúng yêu cầu thực tiễn, công tác quản lý nhà nước, hài hoà lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Như Dân Việt đưa tin, tại văn bản số 288 Bộ Công Thương gửi Thủ tướng ngày 18/1, Bộ Công Thương cho biết có nhiều cơ quan Bộ, ngành, địa phương dù được Bộ Công Thương gửi văn bản xin ý kiến nhưng không gửi lại. Đáng nói, Bộ Công Thương "tố" Bộ Tài chính chậm có ý kiến, dù cho Bộ này quản nhiều khâu quan trọng ảnh hưởng lớn đến thị trường xăng dầu.
Bộ Công Thương cho rằng, sau nhiều ngày ban hành văn bản xin ý kiến các Bộ, ngành và cơ quan trung ương, địa phương, tính đến hết ngày 18/1/2023, mới chỉ có một số Bộ, cơ quan ngang Bộ, cùng 37/63 Sở Công Thương địa phương có ý kiến gửi về.
Đáng nói, theo Bộ Công Thương "Bộ Tài chính là cơ quan được giao quản lý và xây dựng nội dung dự thảo nghị định đối với lĩnh vực về công thức giá và Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu nhưng tính đến hết ngày 18/1, Bộ này vẫn chưa có ý kiến góp ý, gửi nội dung xây dựng dự thảo nghị định theo đề nghị của Bộ Công Thương tại Công văn 8525/BCT-TTTN ngày 30/12/2022", báo cáo của Bộ Công Thương nêu.
Vì vậy, Bộ Công Thương đề xuất Thủ tướng cho phép Bộ tiếp tục hoàn thiện nội dung dự thảo tờ trình, dự thảo nghị định trên cơ sở tổng hợp thêm ý kiến góp ý từ các Bộ, cơ quan ngang Bộ, đặc biệt của Bộ Tài chính bởi liên quan đến việc hướng dẫn các nội dung về công thức giá cơ sở mặt hàng xăng dầu, việc quản lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.
Bộ Công Thương đề nghị Thủ trướng có ý kiến chỉ đạo các Bộ, ngành, sớm có ý kiến góp ý đối với dự thảo sửa đổi hai Nghị định 95, Nghị định 83 để Bộ Công Thướng sớm tổng hợp, báo cáo Thủ tướng.
Tại dự thảo lần thứ 2 của Nghị định sửa đổi Nghị định 83, 95 của Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến các Bộ ngành, liên quan trước khi trình Chính phủ, Bộ Công Thương đề xuất cho đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy từ 2-3 nguồn trở lên, điều này giúp ngăn chặn độc quyền, chiết khấu thấp. Ngoài ra, đề xuất giảm thời gian điều hành giá xăng dầu từ 10 ngày xuống 7 ngày, ấn định ngày thứ 5 hằng tuần để điều hành giá xăng dầu.