Chủ nhật, 19/01/2025 | 16:16
RSS

Bộ Tài chính nói về lý do tăng kịch trần thuế bảo vệ môi trường với xăng

Thứ bảy, 19/05/2018, 15:08 (GMT+7)

Liên quan đến việc Bộ Tài chính tăng kịch trần thuế bảo vệ môi trường đối với xăng khiến dư luận phản đối, đại diện đơn vị này đã lên tiếng lý giải cụ thể.

Vì sao Bộ Tài chính tăng kịch trần thuế bảo vệ môi trường với xăng?
Đại diện Bộ Tài chính lý giải tăng kịch trần thuế bảo vệ môi trường với xăng. Ảnh cắt từ clip VTV.

Nói về đề xuất tăng kịch trần thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, trưa 19/5 bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính đã trả lời trên VTV1 - Đài truyền hình Việt Nam: Thứ nhất, mức thuế phải phù hợp với chính sách phát triển kinh tế, xã hội từng thời kỳ. 

Thứ 2, là mức thuế phải phù hợp với mức độ gây ô nhiễm môi trường. Theo tính toán của một số nghiên cứu khoa học thì mặt hàng xăng dầu là sản phẩm chứa nhiều chất như benzen, lưu huỳnh, hyđrocacbon và một số chất phụ gia... mà những chất này gây tác động ảnh hưởng đến sức khỏe và an toàn môi trường. 

"Theo tính toán với mức thuế bảo vệ môi trường hiện nay thì mức độ hoàn trả môi trường do tác động của các hàng hóa gây ra còn thấp. Vì vậy, để bảo đảm mức thuế bảo vệ môi trường tiệm cần dần với mức độ gây ô nhiễm của mặt hàng xăng dầu, Bộ Tài chính đã đề xuất tăng mức thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu.

Theo Nghị quyết của Quốc hội, về phát kiển kinh tế xã hội năm 2018, chỉ số về giá tiêu dùng CPI tăng 6,5,-6,7%. Với phương án tăng như vậy, Bộ Tài chính đã tính toán mức tăng này sẽ tác động đến CPI từ 0,11 -0,15%", bà Hằng nói.

Trước đó, ngày 16/5, mức thuế đối bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng được Bộ Tài chính đề nghị mức kịch trần là 4.000 đồng mỗi lít, tăng 1.000 đồng so với hiện hành. Còn mặt hàng dầu là 2.000 đồng mỗi lít, tăng 1.100-1.700 đồng/lít so với mức hiện hành.

Theo Bộ Tài chính, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu được thực hiện từ năm 2012 đã phát huy được những hiệu quả đáng kể như: Nâng cao trách nhiệm và nhận thức của xã hội đối với môi trường, khuyến khích sản xuất, tiêu dùng hàng hoá, đáp ứng yêu cầu phát triển bên vững; đồng thời đảm bảo lợi ích quốc gia trong điều kiện hội nhập sâu khi thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo cam kết quốc tế

"Dòng thuế này cũng đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước. Cụ thể, giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2017, tổng số thu từ thuế bảo vệ môi trường vào khoảng trên 150.000 tỷ đồng, bình quân hơn 25.000 tỷ đồng mỗi năm", Bộ Tài chính nêu.

Dù vậy, Bộ Tài chính vẫn bảo lưu quan điểm rằng, bối cảnh kinh tế xã hội hiện nay của đất nước, nhất thiết phải nghiên cứu điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường lên mức phù hợp. Bởi, giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam cơ bản đang thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới và một số nước trong khối ASEAN và châu Á.

Hiện, giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam đứng vị trí 47 từ thấp đến cao trong tổng số 167 quốc gia và thấp hơn 120 nước.

Để bảo lưu quan điểm đánh thuế cao của mình, tờ trình do Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng ký cũng dẫn ra một số liệu thống kê được Bộ lấy ý kiến rộng rãi trên Cổng thông điện tử của ngành. Cụ thể, trong tổng số 77 ý kiến tham gia góp ý thì có 19 ý kiến của các bộ ngành, 43 ý kiến của các địa phương, 5 ý kiến của các hiệp hội và doanh nghiệp, tổ chức khác.

Về cơ bản, theo Bộ Tài chính, các ý kiến đều nhất trí với sự cần thiết về nội dung của dự thảo. Trong đó, 47/77 ý kiến nhất trí hoàn toàn. Các ý kiến còn lại cũng được Bộ giải trình, tiếp thu…

Tuy nhiên, đề xuất này vấp phải ý kiến từ người dân và các Bộ ngành. Trong bản góp ý của do Thứ trưởng, Trung tướng Bùi Văn Thành ký, Bộ Công an cho rằng khi tăng thuế bảo vệ môi trường với các mặt hàng như xăng, dầu, nhiên liệu bay, sẽ tác động đến giá bán của hàng hóa, ảnh hưởng đến đời sống sản xuất, xã hội và nền kinh tế đất nước.

Bộ Công an đề nghị Bộ Tài chính cần nghiên cứu kỹ trước khi đưa ra biểu thuế phù hợp.

Đồng quan điểm trên, Bộ Công Thương cũng nói phải xem xét, tính toán cẩn trọng khi tăng thuế, do xăng dầu là mặt hàng thiết yếu và là nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thẳng thắn hơn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cho rằng các chính sách tại dự thảo nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường và báo cáo đánh giá tác động của Bộ Tài chính chưa thể hiện được sự cần thiết và phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội nước ta hiện nay.

Bộ này cho rằng dự thảo chưa có nội dung rà soát những nội dung trùng lắp của các loại thuế khác nhau với cùng một loại sản phẩm, hàng hóa (xăng, dầu, nylon, than đá…) nhằm tránh việc thuế chồng thuế.

Về sự cần thiết ban hành Nghị quyết, Bộ VHTTDL nói hồ sơ chưa làm rõ được cơ sở khoa học của chính sách điều chỉnh khung thuế bảo vệ môi trường...


Xem thêm: Vụ xe dung tích 70 lít:dung tích thực của bình xăng ô tô là ...

Hạo Nhiên
Theo Đời sống Plus/GĐVN