Nữ tài xế lái BMW gây tai nạn ở Hàng Xanh. Ảnh minh họa
Thông tin trên Zing.vn, trước đó đại biểu Quốc hội Châu Quỳnh Dao (đoàn Kiên Giang) đã gửi chất vấn Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể hỏi về quan điểm liên quan đến ý kiến "bán xăng cho phụ nữ là một tội ác". Ý kiến này xuất phát từ một số vụ tai nạn giao thông liên quan đến việc phụ nữ cầm lái ôtô.
Hiện nay, truyền thông an toàn về lái xe hầu như đều hướng đến nam giới và công tác đào tạo, sát hạch chưa chú trọng vấn đề về giới tính. Đại biểu này truy giải pháp cơ bản của Bộ trưởng để khắc phục vấn đề bất cập trên nhằm tạo ra môi trường giao thông văn hóa, an toàn, công bằng đối với phụ nữ.
Trả lời đại biểu Châu Quỳnh Dao bằng văn bản, Bộ GTVT cho biết thời gian gần đây đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng do một số phụ nữ lái xe gây ra.
Theo kết luận của các cơ quan chức năng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ TNGT do phụ nữ gây ra nêu trên là: nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng cho phép khi lái xe; mất bình tĩnh trong xử lý tình huống khi lái xe, dẫn đến đạp nhầm chân ga, thay vì đạp chân phanh; không có giấy phép lái xe…
Bộ GTVT đề nghị các cơ quan chức năng xử lý nghiêm và dư luận xã hội lên án mạnh mẽ đối với những hành vi vi phạm các quy định về an toàn giao thông nêu trên, không phân biệt đối tượng lái xe đó thuộc giới tính nam hay nữ.
Tuy nhiên, Bộ GTVT cho rằng, ý kiến “bán xăng cho phụ nữ là một tội ác” là định kiến đối với phụ nữ, không có cơ sơ khoa học và không phù hợp với số liệu thống kê về đối tượng gây ra các vụ TNGT ở Việt Nam theo giới tính.
“Đề nghị mọi người dân, đặc biệt là các đại biểu Quốc hội cần phản bác kịp thời trước những ý kiến thiếu cơ sở khoa học, định kiến, lạc hậu nêu trên. Đồng thời, để góp phần tuyên truyền thực hiện nam nữ bình quyền theo quy định của Hiến pháp và Luật Bình đẳng giới mà Việt Nam và cả thế giới đang hướng tới”, văn bản nêu rõ.
Thanh Niên thông tin, về giải pháp, Bộ GTVT cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường hơn nữa trong giáo trình lưu ý cảnh báo và hướng dẫn về công tác tuyên truyền việc chấp hành quy định của pháp luật khi lái xe...
Trong đó, chú trọng tăng cường công tác tuyên truyền an toàn giao thông, không sử dụng rượu bia, chất kích thích khi lái xe đối với tất cả đối tượng là nam giới và nữ giới lái xe.
Đặc biệt, Bộ GTVT đã có chỉ đạo các cơ sở đào tạo xây dựng bài giảng kỹ năng lái xe an toàn cho nữ giới, như khuyến cáo ảnh hưởng của việc đi giày cao gót khi lái xe, hướng dẫn về trang phục quần áo, giày, dép, guốc... khi lái xe. Bổ sung kỹ năng xử lý tình huống giả định chương trình đào tạo lái xe, đặc biệt đối với học viên là phụ nữ, hướng dẫn lên xuống xe an toàn, hướng dẫn thắt dây đai an toàn dành cho phụ nữ có thai và trẻ em.
Theo báo cáo tổng kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông các năm 2016, 2017 và 2018 của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy, tại Việt Nam, số lượng các vụ tai nạn do nam giới lái xe gây ra chiếm khoảng 87% so với nữ giới lái xe gây ra chỉ chiếm khoảng 13%. Số liệu thống kê tỷ lệ gây tai nạn giao thông theo giới tính tại Việt Nam nêu trên là khá ổn định trong nhiều năm gần đây.