Thứ sáu, 22/11/2024 | 07:34
RSS

Bộ GD&ĐT: Các phương thức tuyển sinh đại học sẽ thay đổi từ năm 2025

Thứ hai, 26/09/2022, 06:27 (GMT+7)

Các phương thức tuyển sinh đại học từ năm 2025 cần phù hợp với yêu cầu, nội dung, cấu trúc của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Bộ GD&ĐT: Các phương thức tuyển sinh đại học sẽ thay đổi từ năm 2025

Ảnh minh họa. Ảnh: Báo giáo dục & Thời đại.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa có Công văn số 4735/BGDĐT-GDĐH gửi các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng sư phạm về hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2022-2023.

Cụ thể, để thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế   Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở đào tạo quan tâm thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ cơ bản trong năm học 2022- 2023.

 Trong đó, nổi bật nhất là nhiệm vụ liên quan đến công tác tuyển sinh đại học trong những năm học tiếp theo. Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường đại học hoàn thiện đề án tuyển sinh năm 2023, trong đó đặc biệt lưu ý hoàn thiện các phương thức tuyển sinh theo hướng đơn giản hóa, thực hiện đúng Quy chế tuyển sinh hiện hành; tránh đưa ra những phương thức tuyển sinh phức tạp, gây khó khăn cho thí sinh.

Xây dựng và công bố kịp thời định hướng, phương hướng cho công tác tuyển sinh cho năm 2025 trở đi, khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 cần phù hợp với yêu cầu, nội dung, cấu trúc của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Riêng đối với các cơ sở đào tạo có ngành đào tạo giáo viên: cần chủ động làm việc với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm; gắn kết chặt chẽ giữa năng lực đào tạo, bồi dưỡng với yêu cầu về số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục nhằm tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT và đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. 

 

Tuệ Nhi (t/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại