Thứ bảy, 18/01/2025 | 19:14
RSS

Năm học 2022-2023, trường đại học nào không tăng học phí?

Chủ nhật, 25/09/2022, 15:21 (GMT+7)

Trong khi nhiều trường đại học dự kiến tăng học phí từ năm học 2022-2023, thì có nhiều trường đã quyết định không tăng học phí hoặc chỉ tăng nhẹ tùy theo chương trình đào tạo.

Chia sẻ khó khăn với người học sau 2 năm Covid-19

Một trong số các trường đại học có quyết định không tăng học phí trong năm học này là Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Trường là cơ sở đào tạo thực hiện cơ chế tự chủ hoàn toàn.

Theo đề án tuyển sinh năm 2022, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân dự kiến mức thu 16 - 22 triệu đồng học phí/năm/sinh viên chính quy. Với chương trình đặc thù, học phí từ 45 - 65 triệu đồng. Mức học phí này được nhà trường áp dụng từ năm 2019 và thấp hơn chi phí đào tạo thực tế.

Lý giải về việc không tăng học phí, GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, trường vẫn giữ ổn định mức học phí trong 4 năm liên tiếp với mong muốn chia sẻ với phụ huynh và sinh viên trước những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.


Thí sinh hoàn thành thi tốt nghiệp THPT.

Để giữ được mức học phí ổn định trong 4 năm qua, theo ông Chương, một phần nhà trường tăng cường áp dụng công nghệ thông tin, tiết kiệm nhiều chi phí vận hành, chi phí học tập cho người học. Với những sinh viên khó khăn, nếu nhận được thông báo, nhà trường sẽ quan tâm và tạo điều kiện để các em yên tâm học tập.

Năm học 2023-2024, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân dự kiến tăng học phí nhưng không quá 10%.

Tương tự, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội cũng khẳng định không tăng học phí trong năm học này. Đây là năm thứ 3 liên tiếp trường giữ nguyên mức học phí đối với tất cả các ngành đào tạo. Cụ thể là 46,6 triệu đồng /năm đối với các chương trình trình độ đại học, thạc sĩ. Riêng với ngành Bảo trì và Kỹ thuật Hàng không, mức học phí là 97,86 triệu đồng/năm.

Theo Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, trước tác động của đại dịch Covid-19, trường quyết định giữ nguyên mức học phí hiện tại nhằm chia sẻ khó khăn và giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình các sinh viên theo học tại trường.

Năm học 2022-2023, Trường Đại học Ngoại thương cũng không tăng học phí với các chương trình định hướng nghề nghiệp quốc tế: Quản trị khách sạn, Marketing số, Kinh doanh số dự kiến 60 triệu đồng, các chương trình khác thuộc nhóm này là 40 triệu đồng một năm. Với ba nhóm chương trình còn lại, học phí tăng nhẹ, chỉ 5-10%.

Theo đề án tuyển sinh của Trường Đại học Thương mại năm 2022, học phí chương trình đào tạo chuẩn (đại trà) từ 23 - 25 triệu đồng/năm học theo từng ngành (chuyên ngành) đào tạo. Học phí các chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình tích hợp: từ 31,25 - 33,49 triệu đồng/năm học theo từng ngành (chuyên ngành) đào tạo.

Như vậy, trừ chương trình đào tạo chuẩn, học phí có tăng so với năm 2021 (15,7 triệu – 17,3 triệu đồng theo đề án tuyển sinh năm 2021) thì ở các chương trình đào tạo chất lượng cao tăng không đáng kể (mức 30,5 - 33,5 triệu đồng cho năm 2021).

Ở phía Nam, Trường Đại học giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh vừa ký thông báo tạm ngừng kế hoạch tăng học phí năm học 2022-2023. Quyết định này nhằm chia sẻ khó khăn với người học sau 2 năm dịch Covid-19. Trường Đại học Nha Trang cũng dự kiến sẽ điều chỉnh lại khung học phí giữ ổn định mức năm học 2021-2022 cho năm học tới, thay vì áp dụng khung học phí mới năm học 2022-2023 theo Nghị định 81.

Chính phủ chủ trương không tăng học phí

Theo quy định, năm học 2022 - 2023 các trường đại học thu học phí theo Nghị định 81/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Theo nghị định này, học phí đại học công lập sẽ tăng vọt với tất cả các loại hình trường khác nhau. Trong đó, trường công lập chưa tự chủ dao động từ 12 - 24,5 triệu đồng/năm học 10 tháng. Các trường công lập tự đảm bảo chi thường xuyên được thu 24 - 49 triệu đồng/năm, trường tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư thu 30 - hơn 61 triệu đồng/năm.

So với năm học trước đó, khối ngành y dược có mức tăng mạnh nhất, lên tới trên 71%. Ví dụ như Trường Đại học Y Hà Nội, mức tăng học phí cao nhất là 1,7 lần so với năm ngoái.


 Theo Nghị định 81/2021, mức trần học phí từ năm học 2022-2023 với trường chưa tự chủ.

Dựa trên khung trần này, các trường đại học đã công bố lộ trình tăng học phí dự kiến của năm học 2022 - 2023 theo nhiều mức khác nhau. Học phí tăng cao khiến không ít thí sinh có hoàn cảnh khó khăn chùn bước lựa chọn xét tuyển đại học năm nay và quyết định từ bỏ cơ hội trúng tuyển, tìm lối rẽ khác cho riêng mình.

Liên quan đến vấn đề học phí, tại hội nghị trực tuyến tổng kết năm học, bàn phương hướng nhiệm vụ năm học mới, khối giáo dục đại học vừa diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ đang trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về học phí. Mặc dù học phí được quy định trong Nghị định 81 nhưng quan điểm của Chính phủ là cần có những điều chỉnh cho phù hợp với khó khăn sau 2 năm dịch bệnh Covid-19.

Theo Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn, Bộ trình một vài phương án, nhưng khả năng cao chủ trương của Chính phủ là giữ ổn định mức học phí như năm 2021. Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là hệ thống giáo dục cần chia sẻ với người dân và xã hội trong tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn.

NGUYỄN HOÀI
Theo Đại Đoàn Kết