Ngày 15/8, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-BCT về tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong nước trong giai đoạn hiện nay.
Theo Bộ Công thương, do tác động bởi nhiều yếu tố như lệnh cấm xuất khẩu gạo tại một số nước (Ấn Độ, UAE, Nga); hiện tượng El Nino gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất lương thực, ngũ cốc tại nhiều khu vực; diễn biến địa chính trị còn phức tạp (Nga tuyên bố rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen)... nên trong thời gian vừa qua, tình hình thương mại lương thực toàn cầu diễn biến phức tạp, khó lường. Điều này đã và đang làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu gạo của Việt Nam trong thời gian tới.
Ảnh minh họa
Trước tình hình này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo lực lượng QLTT tại địa phương theo dõi sát tình hình giá gạo; kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, đầu mối bán buôn, bán lẻ, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các kho nhằm kiểm soát nguồn cung, giá bán, ngăn chặn các hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng, định giá bất hợp lý đối với mặt hàng gạo.
Cục Xuất nhập khẩu theo dõi sát diễn biến thị trường gạo thế giới tình hình sản xuất lúa gạo, diễn biến cung cầu, giá cả thị trường thóc, gạo nội địa; tham mưu, đề xuất các giải pháp phục vụ công tác điều hành xuất khẩu gạo trong tình hình mới.
Đồng thời, làm việc với Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo để nắm bắt thông tin, hỗ trợ hướng dẫn, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, khả năng đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng xuất khẩu, kịp thời cập nhật tình hình xuất khẩu gạo và hỗ trợ thương nhân xử lý vướng mắc trong trường hợp cần thiết.
Cục Xúc tiến thương mại được yêu cầu bố trí kinh phí cho các chương trình xúc tiến thương mại gạo trong Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại hàng năm nhằm đa dạng hóa, chiếm lĩnh các thị trường mới, tiềm năng và nâng cao sức cạnh tranh cho ngành hàng gạo Việt Nam.
Cục Phòng vệ thương mại triển khai các hoạt động cảnh báo nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và trợ giúp thương nhân xuất khẩu gạo trong trường hợp bị nước nhập khẩu điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Trong quá trình đàm phán tại các diễn đàn song phương, đa phương, Vụ Chính sách thương mại đa biên sẽ phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu và các Vụ Thị trường ngoài nước đàm phán về mở cửa thị trường và các biện pháp phi thuế quan đối với mặt hàng gạo để gỡ bỏ các rào cản, tạo thuận lợi cho xuất khẩu gạo của Việt Nam. Bên cạnh đó, tận dụng tiến trình rà soát các Hiệp định đã được đưa vào thực thi để đề nghị các đối tác mở cửa thêm, gia tăng hạn ngạch thuế quan dành cho sản phẩm gạo của Việt Nam.
Đối với thị trường trong nước, Vụ Thị trường trong nước được yêu cầu theo dõi sát tình hình thị trường, chủ động chỉ đạo Sở Công Thương có phương án chuẩn bị nguồn cung, đảm bảo chất lượng và cân đối cung cầu mặt hàng gạo, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của người dân.
Sở Công Thương các tỉnh, thành phố phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát tình hình sản xuất thóc, gạo, thông tin tới Bộ Công Thương về sản lượng, chủng loại thóc gạo, hàng hóa tồn đọng và dự kiến năng suất, sản lượng thu hoạch.
Đồng thời, đôn đốc các doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường có phương án về nguồn hàng thóc, gạo đảm bảo cung ứng cho thị trường đến cuối năm; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, trục lợi bất chính, đẩy giá thóc, gạo lên cao bất hợp lý, gây bất ổn thị trường; chỉ đạo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo duy trì lượng thóc, gạo dự trữ bình ổn thị trường theo quy định để sẵn sàng cung ứng ra thị trường khi cần thiết.