Thứ sáu, 26/04/2024 | 18:26
RSS

Điều thần kỳ từ cây thuốc bỏng: Giải rượu trong tích tắc, viêm họng khỏi hẳn sau 3 ngày

Thứ hai, 04/09/2017, 07:40 (GMT+7)

Thuốc bỏng là cây dễ trồng, có nhiều tác dụng quý, chữa nhiều bệnh thông thường, lại có dáng lá, hoa đẹp.

Cây thuốc bỏng

Cây thuốc bỏng. Ảnh: Internet

Cây thuốc bỏng còn nhiều tên khác như: Sống đời (phương ngữ Nam bộ), Diệp sinh căn, Trường sinh..., tên khoa học là Kalanchoe pinnata (Lamk.) Pers thuộc họ thuốc bỏng (Crassulaceae) 

Theo DS Trần Xuân Thuyết (Nguyên cán bộ Công ty Dược liệu Trung ương 1), ở Việt Nam có 10 loài thuốc bỏng khác nhau; chúng đều có lá mọng nước, được trồng làm cảnh và làm thuốc, có loài cho hoa rủ, hoa đứng, hoa đỏ, hoa màu vàng cam...

Cây thuốc bỏng chịu hạn, ưa nắng, chịu cớm nên rất dễ trồng. Có thể trồng bằng hạt, cành, lá (đặt lá già xuống đất rồi đè lên trên một ít đất tưới ẩm, mươi hôm sau rễ sẽ ra từ mép lá rồi cây từ đó mọc lên (chính vì vậy nên cây có tên Diệp sinh căn) 

Cây để chơi hoa thì không được tỉa cành, hái lá, trồng sau một năm sẽ ra hoa.       

Bộ phận dùng làm thuốc là lá tươi mới hái, từ lá bánh tẻ đến lá già (không dùng lá đã héo).

Lá thuốc bỏng tươi có vị nhạt, hơi chua, tính mát, không độc với người. Người ta chỉ thấy có độc hại thần kinh với súc vật ăn cỏ khi ăn lượng lớn lá thuốc bỏng.

Lá thuốc bỏng tươi có tác dụng kháng viêm, kháng khuẩn (tác dụng với cả 2 loại vi khuẩn gram dương, gram âm và trực khuẩn mủ xanh, giãn cơ giảm đau, cầm máu, giải rượu khi say.

Cay thuoc bong

Lá cây thuốc bỏng có tác dụng giải rượu tốt. Ảnh minh họa: Internet

- Giải rượu khi say: Cho người say uống 50ml nước vắt lá rồi nằm nghỉ, 30 phút sau sẽ hết say. Nếu say nhẹ thì cho nhai 5 lá (nuốt cả bã), 15 phút sau là trở lại bình thường.

- Chữa viêm họng, viêm lợi: Nhai lá với lượng sáng 4 lá, chiều 4 lá, tối 2 lá. Nhai xong thì ngậm 15 phút, sau đó nuốt cả bã (dùng từ 3 đến 5 ngày)

- Chữa bỏng nông do nhiệt (bỏng do nước sôi, lửa, bỏng bô xe máy): Giã nát lá đắp kín vết bỏng rồi băng lại, 6 giờ thay thuốc 1 lần. Nếu vết bỏng rộng gây đau cần kết hợp uống mỗi lần 50ml nước vắt lá x 3 lần/ ngày. Dùng thuốc liên tục đến khi khỏi.

- Hỗ trợ giảm đau do thấp khớp cấp, viêm khớp gối, viêm gót chân...: Vắt nước lá lấy 50ml uống, bã đắp vào chỗ đau băng lại. Uống và đắp thuốc ngày 3 lần, cách 8 giờ 1 lần, liên tục đến khi khỏi.

- Chữa mất ngủ: uống 50ml nước vắt lá 2 giờ trước khi đi ngủ vào buổi tối

Cách chế nước vắt lá thuốc bỏng để uống: Hái 50-60g lá thuốc bỏng, rửa sạch, tráng lại nước sôi để nguội. Dùng cối, chày, mảnh vải gạc để vắt đều tiệt trùng trước khi sử dụng. Giã nát lá rồi cho vào gạc để vắt lấy nước, thêm nước sôi nguội cho đủ 50ml. Bã để đắp.

Cây thuốc bỏng dễ trồng, hoa đẹp lại có nhiều công dụng. Mỗi gia đình nên trồng vài chậu để sử dụng khi cần.

Kinh nghiệm xương máu của mẹ Việt khi cứu con bị bỏng phích nước. Nguồn: Mẹo vặt sức khỏe

 

Diệp Lâm
Theo Đời sống Plus/GĐVN