Thứ năm, 21/11/2024 | 16:25
RSS

Biện pháp phòng bệnh cho trẻ tại nhà khi thời tiết ẩm ướt

Thứ hai, 10/02/2020, 07:11 (GMT+7)

Những ngày này, thời tiết miền Bắc ẩm ướt tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn phát triển. Cha mẹ hãy làm ngay những điều này để phòng bệnh cho trẻ ngay cả khi trẻ đang được nghỉ học ở nhà để ngăn dịch bệnh.

Virus phát triển mạnh khi thời tiết ẩm ướt, lạnh

Theo thông tin của Bộ Y tế, tính đến 9h giờ 30 ngày 7/02/2020, tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona (nCoV) trên thế giới đã có 31.161 trường hợp mắc, 639 người tử vong (trong số đó, 637 người Trung Quốc 01 người ở Philippines, 01 ở Hồng Kông), Việt Nam đã có 12 trường hợp mắc và khỏi 3 trường hợp.

Thời tiết những ngày sau Tết hiện nay mưa rét nhiều, độ ẩm không khí tăng cao. Cùng với đó, hình thái thời tiết lại không ổn định, sáng sớm mưa phùn, trưa dừng mưa hoặc chuyển nắng nhẹ nhưng tới chiều tối lại chuyển lạnh. Với kiểu thời tiết như hiện nay, theo đánh gia của các chuyên gia y tế rất dễ khiến mọi người nhiễm bệnh, đặc biệt là với trẻ nhỏ.

BS Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm, Thần kinh (Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM) cho biết, mặc dù hiện nay, các học sinh đã được cho nghỉ học để phòng tránh dịch bệnh virus corona lây lan trong cộng đồng. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ cũng cần phải thận trọng để phòng tránh các bệnh truyền nhiễm không chỉ tại cộng đồng mà tại gia đình là vô cùng quan trọng.

Độ ẩm cao tạo điều kiện tốt cho các loại virus, vi khuẩn, nấm mốc phát triển dẫn đến tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp nói chung như viêm mũi họng, viêm khí quản…, không chỉ là virus corona.

"Virus corona thường suy yếu khi nhiệt độ trên 20 độ C, nhất là trên 25 độ C. Virus corona khó lây lan khi nhiệt độ cao, ánh nắng, điều kiện không khí thông thoáng", BS Trương Hữu Khanh nhấn mạnh.

Biện pháp phòng bệnh cho trẻ tại nhà khi thời tiết ẩm ướt - Ảnh 1.
Thời tiết Hà Nội mấy ngày vừa qua sương mù dày đặc, độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi để virus phát triển mạnh.Ảnh minh họa

Nâng cao thể trạng là điều quan trọng

Ths. BSCKII Nguyễn Hồng Hà - Chuyên gia Bệnh truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa Medlatec, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam) cho rằng, việc điều trị bệnh do virus phụ thuộc vào thể bệnh và sức đề kháng của con người.

Ở thể nhẹ, người bệnh có thể tự hồi phục trong khoảng thời gian từ 7 - 10 ngày. Khi ở thể nặng, cơ quan y tế cần hỗ trợ điều trị các rối loạn chức năng để bệnh nhân vượt qua giai đoạn nguy hiểm. Giúp cơ thể tự hồi phục, tạo được miễn dịch loại trừ virus và có thể để lại miễn dịch lâu dài.

Bệnh do virus corona đến nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Việc ngăn chặn virus chủ yếu vẫn là nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Thứ nhất, cần có một chế độ ăn uống, ngủ nghỉ, sinh hoạt lành mạnh bằng cách thay đổi thực đơn trong các bữa ăn hằng ngày thật khoa học, hợp lý với đầy đủ các chất dinh dưỡng. Nên cung cấp nhiều rau xanh, hoa quả tươi thay vì chỉ tăng chất đạm, chất béo.

Thứ 2, là giữ vệ sinh đường mũi họng, đặc biệt trong mùa lạnh, thời tiết ẩm ướt tránh để bị lạnh. Mặc áo đủ ấm, dùng nước ấm để tránh khô miệng.

Các chuyên gia khuyến cáo, ngay cả khi ở nhà, các bậc cha mẹ cũng cần phòng tránh bệnh về đường hô hấp cho trẻ bằng cách:

Virus corona sẽ suy yếu khi thời tiết trên 25 độ vì vậy cần mở thông thoáng cửa sổ để làm giảm nồng độ virus lây lan trong không khí. Thường xuyên lau nhà cửa bằng những loại vải dễ hút nước, sát khuẩn đồ chơi cho trẻ.

Vi trùng có thể bị đưa từ bên ngoài vào, đặc biệt là khi có thành viên gia đình về nhà mà không thay quần áo hoặc tắm rửa ngay. Đặc biệt cần lưu ý đến các tay nắm cửa nên thường xuyên lau bằng dung dịch khử khuẩn được phép sử dụng vì đây là một trong số những vật trung gian mà virus corona mới tồn tại.

Tránh để trẻ mặc quần áo ẩm, trước khi mặc nên sấy qua hoặc là quần áo. Ngoài ra, sử dụng máy hút ẩm để làm giảm lượng ẩm trong nhà cũng là một giải pháp khả thi khi trời ẩm ướt, nồm.

Hằng ngày cho trẻ vệ sinh răng miệng sạch sẽ bằng cách đánh răng sau mỗi bữa ăn và súc họng bằng nước muối loãng.

Rửa tay thường xuyên, đúng cách như sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn, khi tiếp xúc với nơi đông người… Đi ra ngoài nên đeo khẩu trang.

Về việc nâng cao sức đề kháng cho cơ thể bằng dinh dưỡng, PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm – nguyên Viện phó Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng, chế độ dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng phải giàu đạm, kẽm sắt, vitamin và khoáng chất, nhất là các vitamin A, vitamin C, E... là những chất có khả năng tăng cường hệ miễn dịch.

Theo đó, trong bữa ăn của trẻ cần đa dạng thực phẩm với khoảng 20 loại mỗi ngày, đảm bảo đủ các nhóm thực phẩm như: Nhóm chất đạm gồm đậu đỗ, vừng lạc, trứng, sữa; nhóm rau xanh gồm rau có màu xanh thẫm như cải bó xôi, súp lơ xanh, cải xoong… các loại củ quả khác và nhóm chất béo.

Ngoài ra, thời tiết lạnh hiện nay trẻ cũng cần nhiều năng lượng hơn để giữa ấm cơ thể. Trong những ngày thời tiết lạnh, ẩm này, các bậc cha mẹ có thể bổ sung cho con thêm 1-2 bữa phụ như soup, các loại bánh… Tuyệt đối không cho trẻ ăn thức ăn chưa chín kỹ.

 

Phương Thuận
Theo Gia đình&Xã hội