I. Thành phần dinh dưỡng có trong tôm
Trước khi đi tìm hiểu người mắc bệnh viêm xoang ăn tôm được không thì chúng ta cùng nhìn lại thành phần dinh dưỡng có trong tôm để đánh giá xem chúng có thể mang lại lợi ích cho người bệnh không nhé.
Theo nghiên cứu, thành phần dinh dưỡng có trong tôm bao gồm: Protein, natri, chất béo, cholesterol, carbohydrate. Ngoài ra, tôm còn là nguồn cung cấp dồi dào các loại vitamin và khoáng chất như: vitamin B12, mangan, kẽm, sắt, canxi, magie, đồng, phot pho…
Tôm có thể đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe con người, cụ thể như sau:
- Giảm cân: Nếu bạn đang mong muốn giảm cân thì tôm sẽ là sự lựa chọn rất phù hợp. Do có chứa năng lượng và lượng carbohydrate vừa phải nên khi ăn tôm, bạn sẽ không lo sợ thừa cân hoặc béo phì.
- Chống oxy hóa: Trong tôm có chứa một lượng lớn các chất oxy hóa, giúp ức chế sự hình thành và phát triển của các gốc tự do gây hại cho sức khỏe. Điển hình như chất astaxanthin có trong tôm có tác dụng ngăn ngừa lão hóa da, bảo vệ da dưới ánh nắng mặt trời, hạn chế sự hình thành nếp nhăn trên da. Ngoài ra, astaxanthin còn có tác dụng làm bền vững thành động mạch, phòng ngừa các bệnh lý về tim mạch, tăng cường trí nhớ và phòng ngừa các bệnh về thần kinh.
- Phòng ngừa bệnh tật: Chất selen trong tôm có tác dụng ức chế sự hình thành các tế bào ung thư giảm mức độ viêm và cải thiện sức khỏe tim mạch. Không những vậy, axit béo Omega-3 và Omega-6 trong tôm còn có tác dụng bảo vệ hệ thần kinh, ngăn ngừa suy giảm thần kinh và tăng cường chức năng não bộ.
II. Viêm xoang ăn tôm được không?
Với những người bị viêm xoang do dị ứng tôm thì không nên ăn tôm. Vì điều này có thể làm cho tình trạng viêm nhiễm trong các tổ chức xoang diễn biến phức tạp và gây ra nhiều biến chứng cho người bệnh.
Bên cạnh tôm, bệnh nhân mắc viêm xoang cũng thường được bác sĩ căn dặn hạn chế và không nên ăn hải sản như mực, cua... vì những loại thực phẩm này có tính hàn, lạnh sẽ tác động không tốt đến quá trình điều trị bệnh. Nếu cổ họng bị kích ứng, dịch nhầy tiết ra nhiều gây khó thở, nghẹt mũi sẽ khiến người bệnh vô cùng mệt mỏi.
Với các trường hợp viêm xoang không do dị ứng tôm thì vẫn có thể ăn tôm, nhưng chỉ ăn với một lượng vừa phải, không ăn quá nhiều tôm bởi loại thực phẩm này có thể làm tăng phản ứng viêm. Từ đó làm cho tình trạng bệnh ngày càng nặng thêm, khó chữa trị hơn.
Người bị viêm xoang cũng sẽ trở nên nhạy cảm hơn với các loại thực phẩm mà trước đó họ vẫn ăn bình thường được. Chính vì thế khi ăn các loại thực phẩm nằm trong danh sách dễ gây kích ứng bạn cũng cần phải thận trọng hơn rất nhiều.
Người bệnh viêm xoang cần hạn chế, không nên ăn tôm và các loại thực phẩm gây kích ứng
III. Những đối tượng nào không nên ăn tôm?
Ngoài người những người bị viêm xoang do dị ứng với tôm thì những đối tượng viêm xoang đi kèm với một số triệu chứng sau không nên ăn tôm bao gồm:
- Người đang bị ho: Lớp vỏ ngoài tôm có thể gây kích ứng niêm mạc họng, gây ngứa cổ và có thể làm tăng nguy cơ sưng họng, viêm họng. Viêm họng có thể lan tới vùng xoang và làm cho bệnh viêm xoang ngày càng nặng hơn.
- Người đau mắt đỏ: Theo kinh nghiệm từ thực tế, người bị viêm xoang kèm theo đau mắt đỏ nếu ăn nhiều tôm thì có thể làm nặng thêm triệu chứng đau mắt, chảy nhiều nước mũi hơn.
- Máu nhiễm mỡ: Tôm là loại thực phẩm có chứa hàm lượng cao cholesterol, do vậy những người đang gặp phải rối loạn chuyển hóa lipid (máu nhiễm mỡ, gan nhiễm mỡ) nên hạn chế tiêu thụ loại thực phẩm này.
- Người hen suyễn: Hen suyễn là một trong những biến chứng thường gặp ở những người viêm xoang, nếu người hen suyễn ăn quá nhiều tôm có thể làm tăng tần suất và mức độ các cơn hen phế quản. Do vậy, không nên ăn tôm khi bạn vừa đồng thời mắc hen suyễn và viêm xoang.
- Người cường giáp: Tôm có chứa một lượng lớn i-ốt, và đây có thể là thủ phạm khiến cho tình trạng cường giáp ngày càng diễn biến nặng nề hơn.
- Người có hệ tiêu hóa kém: Tôm là thực phẩm có tính hàn nên những người có hệ tiêu hóa kém như (hay bị tiêu chảy, viêm loét dạ dày…) cần hạn chế sử dụng bởi có thể làm nặng thêm các triệu chứng bất thường của đường tiêu hóa.
- Mắc bệnh gout, tăng axit uric máu, viêm khớp: Ăn nhiều tôm có thể làm cho lượng axit uric lắng đọng tại các khớp nhiều hơn. Từ đó làm trầm trọng thêm các biểu hiện của bệnh viêm khớp, bệnh gout.
IV. Người bị viêm xoang cần lưu ý trong chế độ ăn
Dinh dưỡng đúng cách được ví như “chìa khóa vàng” giúp đẩy lùi tình trạng viêm xoang, giảm nhẹ triệu chứng và mức độ bệnh. Vì vậy, trong chế độ ăn uống hàng ngày, người bệnh viêm xoang cần lưu ý một số vấn đề như sau:
- Bổ sung đầy đủ nước: Nước là chất lỏng không thể thiếu được giúp làm giảm tình trạng sổ mũi, làm loãng dịch nhầy mũi và nhờ đó giảm nhẹ tình trạng sổ mũi ở những người viêm xoang. Do vậy, hãy tích cực uống đầy đủ nước mỗi ngày, khoảng từ 1.5 - 2 lít nước nhé.
- Tăng cường sử dụng thực phẩm giàu Omega-3: Ví dụ như cá hồi, hạnh nhân, sữa… vì chúng có thể làm giảm tình trạng viêm trong các hốc xoang, ngăn chặn tình trạng viêm tiến triển.
- Sử dụng thêm nhiều thực phẩm có chứa vitamin C: Vitamin C là thành phần then chốt giúp cho hệ miễn dịch khỏe mạnh. Có hệ miễn dịch tốt thì sức đề kháng khỏe, điều này sẽ ngăn chặn viêm xoang phát triển nặng hơn. Đồng thời ngăn ngừa nguy cơ xâm nhập và tấn công của nhiều loại vi khuẩn khác tới vùng mũi họng.
- Bổ sung đậu nành hoặc các chế phẩm từ đậu nành: Theo các nghiên cứu, loại thực phẩm có tác dụng thúc đẩy cơ thể có khả năng chống lại các phản ứng dị ứng, đặc biệt phù hợp cho những người bị viêm xoang do dị ứng.
- Kiêng những loại thực phẩm làm ảnh hưởng đến tình trạng bệnh: Các loại đồ lạnh, sữa hoặc chế phẩm từ sữa đều là những loại đồ ăn làm cho bệnh viêm xoang trầm trọng hơn. Các loại đồ ăn này có thể gây kích ứng niêm mạc mũi xoang, tăng phản ứng dị ứng không tốt cho người đang điều trị viêm xoang.
Có rất nhiều loại thực phẩm tốt cho người viêm xoang, bạn nên cân nhắc lựa chọn những loại thực phẩm giúp giảm nhẹ triệu chứng và tăng khả năng phục hồi bệnh. Hy vọng rằng thông qua bài viết trên đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc: Viêm xoang ăn tôm được không và những lời khuyên hữu ích về chế độ ăn uống dành cho người bệnh viêm xoang.