Thứ tư, 08/05/2024 | 23:32
RSS

Bị ong đốt nổi mề đay phải làm sao? Cách xử lý giảm sưng ngứa

Thứ năm, 19/10/2023, 06:19 (GMT+7)

Ong đốt là nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với nhiều người, ong đốt có thể làm tổn thương da, gây nổi mề đay hoặc ảnh hưởng đến toàn bộ sức khỏe tổng thể. Vậy khi bị ong đốt nổi mề đay phải làm sao? Cách xử lý giảm sưng ngứa như thế nào? Tất cả điều này sẽ có trong bài viết dưới đây.

I - Nguyên nhân gây nổi mề đay khi bị ong đốt?

Nọc ong được xem như là "chất độc" gây hại cho cơ thể con người, bởi trong nó có chứa khoảng 40 thành phần, bao gồm hyaluronidase, phospholipase A2, apamin, polypeptid, glycoprotein... Khi bị ong đốt, vùng da có thể bị tổn thương sưng viêm, nổi mề đay do phản ứng của hệ miễn dịch trước sự tác động của nọc ong. Lý do là khi nọc ong đi vào cơ thể, độc tính polypeptide và glycoprotein có trong nó sẽ thúc đẩy quá trình hình thành kháng thể IgE, từ đó gây ra các phản ứng dị ứng mề đay.

Tùy theo mức độ đáp ứng của hệ miễn dịch, có thể chia phản ứng mề đay thành các cấp độ như sau:

  • Cấp độ 1: Ngứa, nổi mẩn đỏ có thể sưng ngay tại vị trí ong đốt.
  • Cấp độ 2: Nổi mề đay khắp cơ thể, có thể đi kèm với tình trạng phù mạch (sưng ngứa dưới da).
  • Cấp độ 3: Mề đay xuất hiện rất nhiều kèm cơn ngứa không ngừng, với biểu hiện khó thở, co thắt phế quản.
  • Cấp độ 4: Mề đay nghiêm trọng với nhiều triệu chứng sốc phản vệ với biến chứng tụt huyết áp, suy hô hấp.

Bị ong đốt gây nổi mề đay, đau ngứa

II - Triệu chứng khi bị ong đốt nổi mề đay

Khi bị ong đốt, hiện tượng nổi mề đay mẩn ngứa có thể xảy ra cho dù mức độ tổn thương do ong đốt là nhẹ hay nặng. Người bệnh có thể từ các triệu chứng để nhận biết mình đang bị mề đay, dị ứng do ong đốt ở mức độ nào.

Cụ thể như sau:

1. Phản ứng nhẹ

Với người bị dị ứng mề đay nhẹ sau khi bị ong đốt thì tình trạng không đáng lo ngại, có thể tự khỏi từ từ mà không cần can thiệp. Và đây cũng là những triệu chứng phổ biến nhất chúng ta thường gặp.

Các triệu chứng đi kèm nổi mề đay dị ứng nhẹ sau khi bị ong đốt bao gồm: vùng da bị sưng nhẹ, mẩn đỏ, có cơn đau nhói và cảm thấy rát.

Phản ứng dị ứng nhẹ khi bị ong đốt

2. Phản ứng thông thường

Với phản ứng ở mức độ vừa phải, người bệnh thường có các biểu hiện nặng hơn và cần nhiều thời gian (từ 24h đến 1 tuần) để các triệu chứng biến mất hoàn toàn.

Các triệu chứng đi kèm:

  • Nổi mẩn đỏ diện rộng xung quanh vết ong đốt.
  • Tại vị trí đốt có sưng tấy, vết sưng tấy có thể tăng dần kích thước đường kính đến 10cm trở lên trong khoảng 24 đến 48 giờ.
  • Cảm giác ngứa ngáy, thậm chí là đau nhức tại vị trí ong đốt.

Ong đốt gây nổi mề đay kèm nhiều triệu chứng

3. Phản ứng nghiêm trọng

Trong một số trường hợp, ong đốt có thể gây ra tình trạng nổi mề đay dị ứng nghiêm trọng, có thể sốc phản vệ và ảnh hưởng đến tính mạng.

Các triệu chứng sốc phản vệ có thể tiến triển xấu đi một cách nhanh chóng bao gồm:

  • Da nhợt nhạt hoặc đỏ bừng.
  • Cổ họng hoặc lưỡi bị sưng.
  • Khó thở, đau bụng, buồn nôn.
  • Chóng mặt, mạch nhanh.
  • Mất ý thức.

III - Bị ong đốt nổi mề đay có sao không? Có nguy hiểm không?

Thực chất, phản ứng nổi mề đay khi bị ong đốt là hiện tượng bình thường của cơ thể, có thể tự khỏi được nếu ở mức độ nhẹ hoặc vừa phải.

Người có cơ địa yếu hoặc cơ thể phản ứng quá mẫn cảm với chất độc có trong nọc ong thì thường có triệu chứng nặng nề hơn, nhưng vẫn có thể tự hồi phục được mà không nguy hiểm tới tính mạng.

Thế nhưng, người có biểu hiện nổi mề đay sau khi bị ong đốt nhưng gặp phải tình trạng như sau cần được cấp cứu kịp thời. Các vấn đề nghiêm trọng bao gồm:

  • Bị ong độc đốt: ong vò vẽ. ong bắp cày, ong mật.
  • Số lượng ong tấn công và đốt nhiều: chẳng hạn như cả tổ ong, ong thợ đốt.
  • Ong đốt vào vị trí nguy hiểm như: mắt, miệng, cổ…

Nổi mề đay khi bị ong đốt có nguy hiểm không?

Nếu gặp các vấn đề như vậy, người bị ong đốt có thể xuất hiện các triệu chứng sốc phản vệ như: da tái nhợt, chóng mặt, khó thở hoặc thậm chí là mất ý thức.

IV - Bị nổi mề đay khi bị ong đốt phải làm sao?

Khi bị nổi mề đay dị ứng khi bị ong đốt, bạn có thể thực hiện một số giải pháp như sau:

1. Loại bỏ chất độc, ngòi ong

Để ngăn chặn không cho nọc độc của ong phát tán và lan ra diện rộng, trước hết bạn cần loại bỏ chất độc và ngòi ong theo các bước như sau:

  • Dùng ngón tay đều nhẹ ngòi ong ra khỏi da, ngoài ra có thể đắp miếng gạc đã nhúng vào nước lạnh để loại bỏ ngòi ong dễ dàng hơn. Nhưng không được dùng nhíp gắp hoặc nặn bóp lấy ngòi ong vì như vậy, có thể nọc độc của ong phát tán rộng hơn.
  • Cần tránh cử động vùng da bị ong đốt, có thể nằm nghỉ ngơi để hạn chế nọc độc ong lan ra. Ngoài ra, để phòng ngừa tình trạng sưng hoặc phù ngoài da nên nâng cao cánh tay bị ong đốt hoặc chân bị ong đốt cao hơn tim.
  • Nếu ong đốt ở vị trí tay hoặc chân, có thể dùng nước ấm hoặc xà phòng để rửa sạch để loại bỏ chất độc có trong nọc ong. Nếu ong đốt tại các vị trí khác, có thể dùng dung dịch sát khuẩn để làm sạch da.

Trước tiên cần loại bỏ chất độc, ngòi ong

2. Xử lý giảm vết mề đay, ngứa, sưng đau

Sau khi đã loại bỏ độc tố khi bị ong đốt, người bệnh rất cần được làm dịu làn da bị tổn thương, bị ngứa hoặc sưng đau. Bạn có thể tham khảo một số biện pháp xử lý mề đay, giảm sưng đau ngứa như sau:

  • Chườm đá: Nhiệt độ lạnh từ đá có thể làm xoa dịu cơn đau buốt khi bị ong đốt, giảm cảm giác ngứa nổi mề đay. Ngoài ra, chườm đá lạnh còn có thể ngăn chặn da hấp thu chất độc có trong nọc ong.
  • Bôi kem đánh răng: Đây là kinh nghiệm dân gian khá phổ biến, người bị ong đốt mà có dấu hiệu nổi mề đay nên bôi một chút kem đánh răng vào khu vực vết đốt. Điều này sẽ làm dịu cơn đau nhói, giảm sưng và làm mát vết thương.
  • Thoa các nguyên liệu tự nhiên lên vùng da bị ong đốt: Mật ong, giấm táo có thể giúp người bị ong đốt cảm thấy dễ chịu hơn, tăng khả năng hồi phục vết thương, giảm sưng viêm khi bị ong đốt. Bạn chỉ cần thoa các nguyên liệu này lên khu vực da bị ong đốt, để yên trong khoảng 15 phút và sau đó rửa sạch lại nước.
  • Dùng thuốc bôi ngoài da: Ngoài ra, người bệnh cũng nên đến thăm khám tại các cơ sở chuyên khoa da liễu để được bác sĩ tư vấn.

Xử lý tình trạng ong đốt nổi mề đay tại nhà

3. Điều trị cấp cứu tại bệnh viện

Trong trường hợp bị ong đốt ở mức độ nghiêm trọng, đe dọa tới tính mạng thì cần khẩn trương đưa người bệnh tới các bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.

Cụ thể là khi người bị ong đốt xuất hiện các biểu hiện như: khó thở, hơi thở gấp, da tím tái, người ngất lịm hoặc đã bị mất ý thức.

V - Làm thế nào để phòng tránh tình trạng ong đốt nổi mề đay?

Để bảo vệ cơ thể tránh bị ong đốt nổi mề đay, bạn có thể tham khảo áp dụng các biện pháp phòng ngừa như dưới đây:

  • Nên đi dép hoặc giày khi đi ra ngoài.
  • Mặc quần áo dài để có thể che phủ tay chân tốt hơn.
  • Tuy nhiên, không nên lựa chọn quần áo có màu sắc rực rỡ hoặc có họa tiết in hoa vì dễ thu hút ong tới gần.
  • Tránh dùng nước hoa có mùi thơm quá nồng nàn.
  • Đóng cửa sổ khi lái xe.
  • Khi ăn ở ngoài trời, hãy để ý xem đồ ăn hoặc thức uống có bị ong đậu vào không.

Những biện pháp phòng tránh bị ong đốt nổi mề đay

Nếu ong đang tiến gần tới bạn, thì nên thực hiện một số phương pháp như sau để giảm nguy cơ bị đốt nhé:

  • Không đập ong vì chúng có thể đốt bạn để tự vệ.
  • Khi ong bay tới gần bạn, hãy di chuyển chậm ra xa chúng, chú ý vẫn giữ bình tĩnh và không nên hốt hoảng.
  • Nếu ong đã đậu lên người bạn, hãy giữ nguyên tư thế để chúng tự bay rời khỏi cơ thể bạn.

Bị ong đốt có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe gây nổi mề đay, hoặc thậm chí là nguy hiểm tới tính mạng. Do vậy, bạn cần biết những biện pháp khắc phục nổi mề đay khi bị ong đốt và phòng ngừa ong đốt.

 

DS. Hà Oanh
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại