Chủ nhật, 19/01/2025 | 01:30
RSS

Bị chồng đánh vì nghi ngoại tình, cô giáo cấp 2 vẫn nằng nặc xin tòa hủy đơn ly hôn

Thứ năm, 20/04/2017, 07:00 (GMT+7)

Tại tòa, người vợ bị chồng đánh vì nghi ngờ ngoại tình nức nở van nài: “Nay em không có chỗ ở, sức khỏe cũng yếu nên muốn được về nhà...”

Đòi ly hôn vì nghĩ vợ ngoại tình

Sáng 19/4, anh Tình (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) mặc bộ comple vàng sậm đến tòa từ rất sớm. Anh ngồi nép vào sát mép ghế bên trái phòng xử, mặc kệ người vợ đang nước mắt ướt nhòa bước vào sau.

Năm 2000, anh Tình kết hôn với chị Huyền và cùng sống chung với bố mẹ chồng ở huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội. Những năm đầu, cuộc sống hôn nhân của họ vô cùng viên mãn, hạnh phúc khi chị hạ sinh được hai cháu trai kháu khỉnh.

Nhà anh Tình có cơ sở sản xuất mộc, chuyên làm đồ gia dụng. Còn chị Huyền là giáo viên cấp hai ở địa phương. Vốn tính năng động nên sau giờ dạy học, chị còn giúp chồng kinh doanh

Vợ chồng anh Tình và chị Huyền tại tòa

Vợ chồng anh Tình và chị Huyền tại tòa

Mỗi khi có khách hàng muốn xem thiết bị, đồ dùng nội thất, anh chị lại đưa bản thiết kế và chất liệu gỗ đến tận nơi cho họ xem. Công việc tuy vất vả nhưng thu nhập khá hơn.

Nhưng cũng từ ngày chị tham gia cùng anh trong kinh doanh, cuộc sống vợ chồng bắt đầu xảy ra mâu thuẫn khi anh nghi chị ngoại tình. Điển hình là có những lần, chị nói đi tư vấn cho khách về nội thất nhưng thực chất lại đi gặp “một ai đó”.

Anh Tình tra hỏi thì chị nói: “Đều là khách hàng tiềm năng của mình”. Anh nghi chị nói dối, nên tìm cách điều tra, làm rõ. Anh bí mật cài phần mềm định vị và ghi âm vào điện thoại của chị, rồi còn thuê thám tử theo dõi vợ.

Những gì anh nhận được dù chưa hoàn toàn rõ ràng, nhưng cũng khiến anh đau lòng và thất vọng hoàn toàn về người vợ mà anh vẫn xem là liêm chính, chung thủy. Cuối năm 2015, anh đưa đơn ly hôn ra tòa nhưng nghĩ đến hai đứa con còn nhỏ dại cùng lời hòa giải của hai bên gia đình, anh rút đơn để vợ chồng có cơ hội hàn gắn.

Một ngày tháng 7/2016, vợ chồng chị Huyền chia nhau đi đến từng hộ gia đình có nhu cầu để tư vấn về nội thất. Anh Tình tư vấn cho hộ gia đình ở đường Láng, còn chị nói với anh là có đơn hàng ở Bắc Giang. Thế nhưng, định vị điện thoại cho thấy, chị đi về hướng tỉnh Bắc Ninh.

Biết vợ lại gian dối, lòng anh nổi cơn sóng dữ. Trên đường về nhà, gặp vợ ở ngay gần công viên Nghĩa Đô, anh chặn lại và đánh chị thâm tím mặt mày rồi bỏ đi.

Giận chồng, chị bỏ về nhà mẹ đẻ. Chồng chị cũng không hề sang xin lỗi. Bốn tháng sau, anh nộp đơn ly hôn.

Chị về nhà, nhưng thái độ của chồng chị lạnh như băng tuyết. Bố mẹ chồng cũng không hài lòng khi chị bỏ về nhà mẹ đẻ mà không đoái hoài đến con cái nên cũng không một lời thăm hỏi hay hòa giải giúp vợ chồng con trai.

Xin chồng một lối đi về

Tòa án nhân dân huyện Phúc Thọ tuyên, do mâu thuẫn hai vợ chồng quá trầm trọng không thể giải quyết được nên đã chấp thuận đơn ly hôn của anh Tình, giao cho mỗi người nuôi một đứa con. Chị Huyền làm đơn kháng cáo mong muốn được hàn gắn gia đình. Tại TAND TP Hà Nội, chị cho rằng, hôm chị bị anh đánh là do chị lỡ nói sai địa điểm, chứ thực ra không phải gặp ai như anh nghĩ.

“Vì giận chồng nên tôi mớivề nhà mẹ đẻ. Tôi tự ái, muốn chồng làm lành trước nên mới bỏ đi lâu như thế. Khi anh ấy gọi, tôi về nhà thì chồng tôi lại bỏ đi mà không đứng ra dàn xếp, hòa giải” – chị nói.

Anh Tình cãi: “Tôi quá thất vọng nên tát vợ mấy cái chứ không phải đánh vũ phu. Cô ấy là con dâu mà tự ý đi khỏi nhà. Cô ấy đi được thì tự về được, chẳng lẽ phải để bố mẹ tôi trải thảm đón về sao?”.

Tòa hỏi: “Chị Huyền muốn hàn gắn để hai vợ chồng cùng nuôi con, anh tính thế nào?”. Anh Tình đáp: “Vợ chồng tôi đã không còn tình cảm từ lâu rồi, nên ly hôn là điều tốt nhất”.

Được tranh luận tại tòa, chị Huyền nói: “Anh ấy bị động kinh nên tôi muốn ở bên cạnh chăm sóc đến hết đời”. Anh Tình lạnh lùng đáp: “Ngoài những lúc bị bệnh, tôi hoàn toàn tỉnh táo. Cô ấy chỉ nói thôi, chứ thực tế chưa làm được”.

Chị Huyền tiếp lời: “Các con gầy gò, sức khỏe yếu, nay không có mẹ ở bên, em không yên tâm”. Anh lại đáp: “Tôi lo cho con được”.

Giọng chị bắt đầu run rẩy: “Nay em không có chỗ ở, sức khỏe cũng yếu nên muốn được về nhà...”. Anh ngắt lời: “Nếu cô muốn về thì đã về từ trước đợt tôi đưa đơn ly hôn ra tòa chứ không phải đến bây giờ”.

Tòa giải thích: “Nếu muốn níu giữ hôn nhân, cả hai anh chị cần có trách nhiệm hàn gắn hoặc đưa ra giải pháp để xây dựng tình cảm gia đình. Nếu bây giờ, anh cho chị một cơ hội thì con cái của anh sẽ là người hạnh phúc nhất”.

Anh thất vọng nói: “Vợ chồng không còn yêu thương nhau thì sống với nhau cũng không hạnh phúc. Con cái sẽ không cảm nhận được hạnh phúc ấy”.

Tòa cho rằng, hai bên đã không còn tình cảm với nhau, mâu thuẫn gia đình đến mức trầm trọng không thể giải quyết. Trong thời gian chờ phúc thẩm, chị Huyền cũng không đưa ra được giải pháp hàn gắn nào nên quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm, thuận tình ly hôn cho anh chị.

Thiết nghĩ, trong cuộc sống gia đình, nếu một trong hai người không cố gắng để chia sẻ và xây dựng hạnh phúc với nhau thì chắc chắn, đổ vỡ sẽ xảy ra. Chỉ khi hai người cùng chia sẻ, nhường nhịn, thông cảm và tin tưởng lẫn nhau, hạnh phúc mới lâu bền.

Giá như khi chồng nghi ngờ, chị Huyền cần minh bạch hơn trong các mối quan hệ xã hội để tạo niềm tin từ chồng, hay khi xung đột xảy ra, hai vợ chồng dẹp bỏ tự ái cá nhân để ngồi lại trò chuyện, hóa giải mâu thuẫn thì có lẽ, tổ ấm của họ đã không bị nguội lạnh, các con không phải chịu cảnh chia đôi...

(Tên nhân vật đã được thay đổi)

Quỳnh An
Theo Đời sống Plus