Nếu BHXH thay đổi cách tính lương hưu từ 2018 sẽ khiến hàng triệu lao động nữ thiệt thòi.
Ngày 1/11, thảo luận trên diễn đàn Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội nhiều đại biểu đã đề cập đến lương hưu của lao động nữ kể từ đầu năm 2018.
Theo quy định hiện hành, người lao động đóng bảo hiểm xã hội 15 năm được hưởng lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội. Sau khi đạt tỷ lệ này, cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội, lao động nữ được tính thêm 3%, nam là 2%, báo Vnexpress đưa tin.
Tuy nhiên, quy định trên sẽ thay đổi từ ngày 1/1/2018 theo cách tính tỷ lệ phần trăm hưởng lương theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Cụ thể, người lao động đóng đủ 15 năm bảo hiểm xã hội thì cả nam và nữ sẽ "cào bằng", đều được tính thêm 2%. Và với cách tính này, lao động nữ sẽ phải đóng đủ 30 năm bảo hiểm xã hội mới được hưởng lương hưu tối đa 75%, thay vì chỉ cần 25 năm như trước.
Chị Lương Thị Hà (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ trên báo Tin tức: “Tôi nghỉ hưu từ tháng 2/2018 và theo giải thích của cán bộ làm chính sách thì tôi sẽ bị thiệt 10%. Tôi đã đủ 25 năm đóng BHXH và đủ tuổi về hưu, nếu tôi về hưu năm 2017 thì được hưởng 75%. Nay theo cách tính đóng BHXH mới, tôi về hưu năm 2018 thì chỉ được 65%, nếu muốn hưởng đủ 75% thì phải làm thêm 5 năm nữa”.
Không chỉ chị Hà mà nhiều phụ nữ khác về hưu từ năm 2018 sẽ chịu thiệt thòi như vậy. Giải pháp một số người tính đến là làm thủ tục nghỉ hưu trước tuổi để giảm tỷ lệ bị trừ 10% này.
Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chia sẻ trên báo tin tức với quy định này, ngay cả với lao động nữ có ngày sinh trong tháng 12/2017, khi đã đủ 25 năm đóng BHXH đối với lao động và bắt đầu nghỉ hưu từ 1/1/2018 sẽ bị thiệt thòi khi thực hiện cách tính tiền lương hưu từ năm 2018. Nhiều người, chỉ sau 1 đêm thiệt 10% lương hưu.
“BHXH Việt Nam đã nhận thấy những bất cập trong chính sách và có văn bản kiến nghị Chính phủ và các ngành chức năng từ tháng 3, tháng 4 năm 2017 để có giải pháp với những trường hợp này, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời. Và càng đến cận ngày thực thi cách tính này vào ngày 1/1/2018 thì sẽ càng bị dư luận chỉ trích”, ông Phạm Lương Sơn thừa nhận.
Ông Trần Hải Nam, Phó vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐTBXH) cho biết: Theo dự thảo Luật BHXH năm 2014 mà Bộ trình Chính phủ và Quốc hội, thì có đưa ra lộ trình cho lao động nam và nữ là như nhau, tuy nhiên, phương án cuối cùng được Quốc hội chọn là nam giữ nguyên lộ trình còn nữ thì thực hiện ngay không có lộ trình.
Việc thay đổi tỉ lệ hưởng lương hưu của lao động nữ không phải là chính sách mới, và đã được thực hiện từ năm 1995 với chính sách cả lao động nam và nữ phải đủ thời gian đóng BHXH là 30 năm để được hưởng tỉ lệ 75% tối đa, 15 năm đầu đóng BHXH thì được hưởng 45% và cứ thêm 1 năm đóng BHXH thì tăng 2% với cả nam và nữ.
Nhưng sau đó, Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 01 sửa đổi điều lệ Bảo hiểm và theo đó thì giữ nguyên của nam, nhưng thay đổi của nữ là thay vì tăng 2% như nam thì tăng thành 3%, từ 30 năm xuống còn 25 năm đóng, bắt đầu thực hiện từ năm 2003 đến nay.
“Thực chất việc điều chỉnh của Luật BHXH năm 2014 là đưa công thức tính mức lương hưu cho lao động nữ quay trở lại trước đây, chứ không phải là chính sách mới. Đây chỉ là sự thay đổi ở những giai đoạn khác nhau.
Còn nam giới thì có điều chỉnh khác hoàn toàn là để hưởng 45% lương phải đủ thời gian đóng BHXH 20 năm thay cho 15 năm như trước đây và cùng tăng 2% đối với cả nam và nữ để thống nhất trong công thức tính”, ông Nam cho biết.