I - Bệnh trĩ có lây không?
Bệnh trĩ không lây nhiễm từ người đang mắc bệnh sang những người khỏe mạnh bình thường khác. Căn bệnh này không liên quan đến các tác nhân truyền nhiễm như vi rút, vi khuẩn, nấm… nên không có tính lây truyền.
Thật ra, nguyên nhân gây ra bệnh trĩ là do phình giãn tĩnh mạch hậu môn trực tràng và có thể do nhiều tác nhân khác (căng thẳng, táo bón).
Vì vậy, bệnh trĩ sẽ không lây qua con đường quan hệ tình dục, không lây khi bạn ngồi chung ghế với người bệnh hoặc bắt tay, nói chuyện với người bệnh.
II - Bệnh trĩ có di truyền không?
Cho tới thời điểm hiện tại vẫn chưa có nghiên cứu chính thức nào có thể xác định tính di truyền của bệnh trĩ. Nhưng nhìn chung, bệnh trĩ không di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Có thể trong một vài trường hợp, bạn nhận thấy rằng người trong cùng một gia đình có thể mắc bệnh trĩ giống nhau. Nhưng đây có thể là điều xảy ra tình cờ, vì có thể những người sinh sống cùng trong gia đình cùng tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ gây bệnh giống nhau như:
- Chế độ ăn uống giống nhau: Thiếu chất xơ, ăn nhiều món ăn có chứa dầu mỡ, đạm… Điều này khiến cho họ dễ bị táo bón, làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ giống nhau.
- Tương đồng về thói quen sinh hoạt: Cùng chịu sức ép căng thẳng trong gia đình, cùng sử dụng chất kích thích (cà phê hoặc rượu bia, đồ uống có ga) nên có thể nhiều thành viên cùng mắc bệnh trĩ.
Bên cạnh đó, một số nghiên cứu cũng đã nhận định rằng nếu bạn được sinh ra trong một gia đình đã từng có người mắc bệnh trĩ với đặc điểm là cơ đại tràng và sự liên kết giữa các mô vùng hậu môn không được khỏe mạnh thì bạn cũng có nguy cơ gặp phải tình trạng cơ đại tràng yếu và sự liên kết giữa các mô vùng hậu môn cũng lỏng lẻo. Nhưng tỷ lệ di truyền của hiện tượng này là rất thấp, từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ.
III - Nếu không lây và di truyền, đâu là nguyên nhân gây bệnh trĩ?
Dưới đây là một số nguyên nhân cụ thể gây ra bệnh trĩ:
- Táo bón lâu ngày: Táo bón là nguyên nhân chính gây ra bệnh trĩ, táo bón xuất phát từ việc người bệnh ăn uống không khoa học, không tiêu thụ nhiều các loại thực phẩm chứa chất xơ (rau xanh, trái cây) mà hay ăn nhiều các loại thực phẩm giàu chất đạm, tinh bột. Điều này khiến cho hệ tiêu hóa hoạt động khó khăn, giảm nhu động dạ dày khiến cho quá trình tống đẩy phân ra bên ngoài bị hạn chế. Nếu như người bệnh táo bón rặn mạnh khi đi ngoài có thể làm tăng nguy cơ bệnh trĩ.
- Ngồi quá lâu một chỗ: Có những người phải làm việc trong tư thế ngồi một chỗ, nếu không thường xuyên đứng dậy đi lại thì sẽ làm gia tăng áp lực lên vùng tĩnh mạch hậu môn, tăng nguy cơ táo bón và từ đó làm xuất hiện bệnh trĩ.
- Sinh hoạt không lành mạnh: Theo các chuyên gia, thói quen sinh hoạt có nhiều tác động đến hệ tiêu hóa, có thể làm tăng nguy cơ bệnh trĩ. Một số hoạt động sinh thiếu lành mạnh có thể là nguyên nhân xuất hiện bệnh trĩ bao gồm: hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, nhịn đi tiểu…
- Mang bầu: Thai nhi càng phát triển lớn dần về kích thích thì càng làm gia tăng áp lực vùng hậu môn và xương chậu. Ngoài ra, phụ nữ đang mang thai cũng có sự biến đổi về nội tiết tố và đây cũng là nguyên nhân gây ra bệnh trĩ.
IV - Những lưu ý cho người bị trĩ khi sống chung với người khác
1. Về vấn đề ăn uống
Tuy không lây nhiễm, nhưng trong quá trình ăn uống của gia đình thì chúng ta cần lưu ý tới một số vấn đề như sau để vừa cải thiện bệnh, vừa giúp cho hệ tiêu hóa của cả gia đình luôn khỏe mạnh:
- Ăn thực phẩm giàu chất xơ: Rau xanh, các loại củ, hoa quả chứa nhiều chất xơ, đều là những loại thực phẩm mà người bệnh trĩ nên bổ sung nên giúp cho đại tiện được dễ chịu hơn, tránh phải rặn mạnh và làm giảm nguy cơ búi trĩ sưng đau.
- Hạn chế sử dụng các chất kích thích: Đây là thủ phạm khiến cho triệu chứng và mức độ bệnh trĩ ngày một nghiêm trọng hơn. Nếu bạn đang trong quá trình điều trị hoặc kể cả là khi kết thúc chữa trị thì bạn cũng nên hạn chế sử dụng các chất nguy hại này. Có thể kể đến một số loại thực phẩm chứa chất kích thích mà bạn cần tránh xa như: rượu bia, nước chè đặc, nước ngọt có ga, cà phê…
- Chỉ ăn một lượng đạm vừa đủ: Đạm rất tốt cho cơ thể người bệnh nhưng nếu bạn lạm dụng quá mức thì có thể làm cho táo bón ngày càng nặng nề hơn và khiến cho bệnh trĩ khó có thể chữa khỏi được. Vì vậy, bạn chỉ nên tiêu thụ vừa phải thực phẩm chứa một lượng đạm và hạn chế ăn quá nhiều. Một số thực phẩm giàu đạm mà bạn cần hạn chế ăn như: thịt đỏ, các loại cá béo, sữa, trứng…
- Uống nhiều nước: Nước là yếu tố vô cùng cần thiết giúp cho hệ tiêu hóa được “trơn tru”, nếu bạn uống quá ít nước thì phân sẽ ngày càng khô và đóng cứng, khó được thoát ra ngoài và làm cho trĩ tổn thương nặng hơn. Do vậy, bạn nên uống đủ nước, ít nhất mỗi ngày 1.5 lít để giúp nhanh chóng khỏi bệnh nhé.
2. Về vấn đề đi vệ sinh, sinh hoạt
Người bệnh trĩ cần giữ vệ sinh đúng cách cũng như cần xây dựng thói quen đi ngoài khoa học để giúp giảm triệu chứng bệnh, hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn hậu môn-trực tràng:
- Không ngồi một chỗ trong thời gian dài: Sẽ có những lúc vì công việc mà bạn bắt buộc phải ngồi một chỗ quá lâu mà điều này làm cho tĩnh mạch hậu môn dễ bị phình giãn. Và hậu quả tất yếu là bạn có thể phải đối mặt với nguy cơ bị trĩ là rất cao. Vì vậy, bạn nên tự nhắc nhở bản thân mình là cứ 1-2 giờ đồng hồ thì nên đứng lên đi lại, vừa giúp thư giãn cơ bắp và tâm trí, vừa hạn chế áp lực lên tĩnh mạch vùng hậu môn.
- Hạn chế rặn quá mạnh: Táo bón khiến bạn cảm thấy rất khó chịu mà chỉ muốn rặn thật mạnh để tống đẩy phân ra ngoài. Thế nhưng thói quen này là vô tình “tiếp tay” làm tổn thương niêm mạc hậu môn, khiến gia tăng biến chứng của bệnh trĩ. Tốt hơn hết, khi đi ngoài thì bạn không nên rặn mạnh mà cần phải hít thở đều đặn, ngồi đúng tư thế để tạo điều kiện thuận lợi cho đại tiện.
- Thường xuyên vận động: Đừng ngồi thu mình một chỗ trong không gian nhất định, bạn nên cho mình được vận động thường xuyên. Điều này không những giúp hạn chế áp lực lên tĩnh mạch vùng hậu môn - trực tràng mà còn cải thiện tinh thần cho người bệnh, giúp họ cảm thấy thoải mái hơn và giúp cho tiêu hóa tốt hơn.
- Đi vệ sinh đúng cách: Bạn nên tập thói quen đi ngoài vào đúng một khoảng thời gian cố định để tập phản xạ tốt. Ngoài ra, sau khi đi ngoài thì bạn nên dùng nước ấm kết hợp với muối biển để làm sạch vùng kín và hậu môn. Điều này để tránh cho vi khuẩn gây hại có cơ hội tấn công và gây nhiễm trùng nhiễm khuẩn khu vực này.
Trên đây là lời giải đáp thắc mắc: Bệnh trĩ có lây không và những lưu ý giúp cho người bệnh sinh hoạt đúng cách, làm giảm mức độ bệnh. Hy vọng rằng bạn sẽ có thêm nhiều góc nhìn khách quan hơn về căn bệnh này và có thể vượt qua nhanh chóng.