Thứ bảy, 18/01/2025 | 15:55
RSS

Bệnh nhân khỏi Covid-19 sau vài tháng là mất miễn dịch

Thứ ba, 14/07/2020, 14:10 (GMT+7)

Đội ngũ nghiên cứu đến từ Đại học King's College ở London (Anh) thử nghiệm mức độ kháng thể ở hơn 90 bệnh nhân Covid-19 và cách các kháng thể này thay đổi dần qua thời gian.

Sự kiện:
Covid-19

Bệnh nhân khỏi Covid-19 sau vài tháng là mất miễn dịch
Hình ảnh máy tính của biến thể virus SARS-CoV-2. Ảnh: REUTERS

Theo kênh Channel News Asia (CNA), một nghiên cứu mới công bố ngày 13/7 cho rằng những bệnh nhân covid-19 đã được điều trị hồi phục có thể sẽ mất khả năng miễn dịch với virus SARS-CoV-2 chỉ sau khoảng vài tháng khỏi bệnh, báo PLO đưa tin.

Đội ngũ nghiên cứu đến từ Đại học King's College ở London (Anh) thử nghiệm mức độ kháng thể ở hơn 90 bệnh nhân Covid-19 và cách các kháng thể này thay đổi dần qua thời gian. Đây là nghiên cứu tiên phong trong vấn đề miễn dịch với virus SARS-CoV-2.

Nghiên cứu cho thấy ngay cả những bệnh nhân với những triệu chứng nhẹ cũng hình thành nên phản ứng miễn dịch với virus. Nhưng những kháng thể này chỉ tồn tại và hoạt động mạnh trong vài tuần đầu sau khi khỏi bệnh.

Sau khoảng ba tháng, chỉ có 16,7% số bệnh nhân còn giữ được số lượng kháng thể cao. Sau 90 ngày tiếp theo trong máu không hề tìm thấy được bất kỳ kháng thể nào.

Các chuyên gia cho rằng nghiên cứu này sẽ thay đổi cách các chính phủ phản ứng với giai đoạn tiếp theo của đại dịch, bao gồm cách đầu tư, hỗ trợ nghiên cứu và sản xuất vaccine

"Đây là một công trình nghiên cứu quan trọng, định hình nên những ý tưởng lâu dài hơn về cách hệ miễn dịch cơ thể phản ứng với virus SARS-CoV-2" - theo Giáo sư Lawrence Young tại khoa ung thư phân tử ở trường Đại học Warwick.

"Việc chúng ta hiểu rõ cơ chế hoạt động của các kháng thể miễn dịch là rất quan trọng, thúc đẩy việc phát triển vaccine hiệu quả hơn" - theo Giáo sư Young.

Theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Science ngày 13/7, một phân tích tổng hợp đối với gần 300 kháng thể virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 trong cơ thể người được xác định gần đây đã chỉ ra một gene quan trọng có thể "khóa chặt" virus nguy hiểm này.

Bằng cách phân tích những kháng thể này, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng gene IGHV3-53 chính là gene thuộc nhóm gene IGHV được sử dụng thường xuyên nhất để nhắm mục tiêu RBD của protein làm tăng đột biến virus.

Theo các nhà nghiên cứu, các kháng thể IGHV3-53 có tỷ lệ đột biến thấp và có khả năng ức chế virus.

Bằng cách nghiên cứu cấu trúc tinh thể của hai kháng thể IGHV3-53 liên kết với RBD, các nhà nghiên cứu đã xác định các tính năng giúp chúng rất hiệu quả trong việc gắn kết mạnh mẽ - những đặc trưng khiến chúng trở thành một thành phần rất hứa hẹn trong việc nghiên cứu phát triển vaccine.

Các nhà nghiên cứu nhận định việc có được cái nhìn tổng quan chi tiết về kháng thể trung hòa IGHV-53 sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các kháng nguyên vaccine để kích thích sản sinh loại phản ứng kháng thể trung hòa này.

Kim Hảo (t/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN