Thứ sáu, 26/04/2024 | 14:16
RSS

Bé trai bỏng nặng do ngã vào nồi lẩu

Thứ sáu, 27/12/2019, 11:54 (GMT+7)

Bé trai 2 tuổi nhập viện trong tình trạng bỏng nước sôi vùng mặt, cổ, ngực, cánh - cẳng tay do bị ngã vào nồi lẩu.

Bé trai bỏng nặng do ngã vào nồi lẩu
Các bác sĩ xử trí vết bỏng cho bệnh nhi.

Vừa qua Khoa Ngoại & Chuyên khoa- Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh tiếp nhận 02 trường hợp trẻ nhỏ bị bỏng do nước sôi và nước lẩu.

Trường hợp đầu tiên là bé Nguyễn Bảo M.(02 tuổi), thường trú tại Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Trẻ nhập viện trong tình trạng bị bỏng nước sôi vùng mặt, cổ, ngực, cánh - cẳng tay phải, đã được xử trí cắt lọc, băng bỏng tại TTYT huyện Hoành Bồ sau đó chuyển Bệnh Sản Nhi Quảng Ninh điều trị tiếp.

Trẻ được chẩn đoán: Bỏng nước sôi độ II,III vùng cằm, cổ, ngực, cánh cẳng tay phải S 15%, được điều trị thay băng bỏng, điều trị nội khoa.

Nhập viện cùng ngày là bé Dường Kim D.(22 tháng tuổi), thường trú tại Huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. Trẻ nhập viện trong tình trạng bị bỏng nước lẩu vùng lưng, mông, đùi, cẳng chân 2 bên. Đã vào sơ cứu bỏng và điều trị tại TTYT Bình Liêu, diện bỏng thấm nhiều dịch ra băng, kèm theo sốt cao từng cơn, được chuyển Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh điều trị.Trẻ nhập viện Bác sĩ chẩn đoán trẻ bị Bỏng nhiệt độ II - III vùng lưng, mông, dùi - diện tích 19%.

Các bác sĩ chẩn đoán cả hai bé bỏng độ II, III, diện tích bỏng khoảng 15-20%, nguy cơ tổn thương nặng ở vùng mặt và cổ, cánh tay và vùng thân trước. Hai bệnh nhi được thay băng bỏng, điều trị nội khoa. Bác sĩ tiến hành bù dịch, cắt lọc phỏng nước, vảy tiết diện bỏng, sau đó băng vết bỏng bằng gạc tẩm silveryl cho trẻ, chống nhiễm trùng. Hiện cả 2 bệnh nhi tạm ổn định nhưng vẫn rất đau đớn, khả năng điều trị kéo dài.

Bé trai bỏng nặng do ngã vào nồi lẩu 2
Bé trai bỏng nặng do ngã vào nồi lẩu.

Bác sĩ Đỗ Hoàng Việt cho biết, bỏng nước sôi thường gây tổn thương rất nặng. Vì thế, trong bữa ăn, nhất là có canh nóng hoặc nồi lẩu, người lớn cần đặc biệt cảnh giác, trông chừng trẻ, bởi các bé rất hiếu động, chưa ý thức được nguy hiểm, có thể gây tai nạn.

Bác sĩ Việt cũng hướng dẫm các gia đình cách sơ cứu khi trẻ bị bỏng nước sôi như sau:

Việc đầu tiên các gia đình cần làm là phải nhanh chóng bộc lộ vị trí bị bỏng, đưa vết bỏng vào dưới vòi nước hoặc vào chậu nước mát và sạch để giảm nhiệt độ bỏng, giảm đau, giảm phù nề, viêm nhiễm, giảm độ sâu của vết thương, hạn chế tổn thương lan rộng.

Nếu không, có thể dội nước mát sạch lên đó vài lần. Ngay cả khi da không còn tiếp xúc với tác nhân gây bỏng, nhiệt tích tụ ở vết bỏng vẫn tiếp tục gây tổn thương sâu hơn. Đây là biện pháp quan trọng số một giúp giảm thiểu mức độ tổn thương.

Tuyệt đối không dùng nước đá lạnh để làm mát, vì có thể gây tổn thương da. Không áp dụng các biện pháp truyền miệng như phun rượu, bôi kem đánh răng, lòng trắng trứng lên vết bỏng để tránh làm gia tăng tổn thương. Sau đó nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế.

PV
Theo Đời sống Plus/GĐVN