Hai tháng trước, bé M. đã được người nhà dẫn đi khám khắp nơi vì ho, khò khè, đau ngực khi chạy nhảy. Đến khi gia đình đưa bé đi khám ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Tháp để chụp CT, kết quả cho thấy dị vật cản quang giống chiếc răng trong phổi.
Ngay sau đó, bé M. được chuyển lên cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM). Tại đây, các bác sĩ đã khám và cho bé đi chụp phim X-quang kiểm tra thì phát hiện có dị vật cản quang cao bít gần hoàn toàn phế quản góc phải. Ê-kíp gây mê phối hợp với nội soi đã kiểm tra và gắp ra chiếc răng hàm kích thước khoảng 3x5 mm cắm sâu vào thành phế quản, bờ nham nhở rướm máu. Các bác sĩ đã kiểm tra đường thở thông thoáng, kịp thời cứu bé.
Dị vật là chiếc răng hàm được các bác sĩ gặp ra. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Theo mẹ bé M. kể lại, trước đó 2 tháng, sau khi nhổ răng hàm cho con tại nhà, thấy bé ho sặc rồi ổn dần, kiếm không thấy răng văng ra đâu khắp nhà, chị yên tâm cho qua chuyện.
TS.BS Trịnh Hồng Nhiên, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, chỉ cần chậm trễ một chút thôi, bệnh nhi có nguy cơ ứ khí, viêm xẹp phổi, tràn khí màng phổi, đe dọa đến tính mạng. Bởi lẽ, dị vật đã nằm quá lâu ở phổi, dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng, viêm phổi nặng.
"Đây là trường hợp dị vật lớn, cung răng có 2 đầu nhọn, sắc nên nguy cơ thủng, rách đường dẫn khí rất cao. Nếu không lấy được bằng nội soi sẽ phải phẫu thuật mở ngực lấy dị vật, có khả năng để lại di chứng nặng nề", bác sĩ Nhiên cho hay.
Theo các bác sĩ, khi trẻ thay răng sữa, các phụ huynh nên đưa con đến bác sĩ nha khoa để được nhổ răng. Bởi ngoài tai nạn hy hữu như trên, tự nhổ răng sữa cho trẻ tại nhà còn khiến trẻ đối mặt một số nguy cơ như: Không nhổ hết toàn bộ răng hư, răng mọc lệch, chảy máu tại vùng nhổ răng kéo dài... Cùng đó, bố mẹ có thể bỏ qua thời điểm vàng để can thiệp nắn chỉnh, sửa chữa những lệch lạc răng vĩnh viễn ở giai đoạn sớm của trẻ.