Thứ năm, 18/04/2024 | 13:37
RSS

Bé gái 6 tuổi nhiễm vi khuẩn 'ăn thịt người' sau khi bị gà mổ vào chân

Thứ năm, 25/02/2021, 15:04 (GMT+7)

Sau khi bị gà mổ vào chân, bé gái 6 tuổi xuất hiện các triệu chứng sốt cao, viêm tấy bàn chân và đùi trái. Người nhà đã đưa bé đến bệnh viện khám và được chẩn đoán nhiễm 'vi khuẩn ăn thịt người'.

Bé gái 6 tuổi nhiễm vi khuẩn ăn thịt người sau khi bị gà mổ vào chân

Những vết sưng tấy trên chân bé P. có mầm mống của 'vi khuẩn ăn thịt người'. Ảnh: Người lao động

Ngày 25/2, thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới (Quảng Bình) cho biết, đơn vị này vừa hội chẩn trực tuyến với các chuyên gia đầu ngành tại Bệnh viện Nhi Trung ương để chẩn đoán và điều trị cho 1 bệnh nhi bị nhiễm vi khuẩn Burkholderia pseudomalei (còn gọi là vi khuẩn ăn thịt người).

Cụ thể, bệnh nhi là bé gái Dương Lan P. (6 tuổi, ngụ phường Bắc Lý, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình). Theo gia đình, trước đó cháu P. không may bị gà mổ, gây ra vết thương ở ngón chân sau đó xuất hiện các triệu chứng sốt cao, viêm tấy bàn chân và đùi trái.

Lo lắng nên gia đình đã đưa bé đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới khám. Qua thăm khám, các bác sĩ xác định bệnh nhi mắc bệnh do vi khuẩn Burkholderia pseudomalei gây nên. 

Các bác sĩ nhận định, những vết mổ của gà vào cơ thể bệnh nhân đã vô tình giúp vi khuẩn Burkholderia pseudomalei xâm nhập. Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh sẽ gây ra biến chứng khôn lường, như: nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, tổn thương phổi, phải cắt bỏ tứ chi… thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

Trao đổi với báo NLĐ, các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới cho biết, tình trạng của bệnh nhi tiến triển nặng hơn sau 1 ngày nhập viện, vết viêm tấy lan ra rất nhiều nơi trong cơ thể bệnh nhi, sau đó tạo thành các ổ áp xe.

Xác định đây là một ca bệnh nặng, phức tạp có thể nguy hiểm đến tính mạng nên các bác sĩ dùng kháng sinh, lên phác đồ điều trị và tích cực xét nghiệm để tìm nguyên nhân. 

Bên cạnh đó, tiến hành hội chẩn trực tuyến với các chuyên gia đầu ngành tại Bệnh viện Nhi Trung ương để khẳng định chẩn đoán và phương pháp điều trị tiếp theo nhằm tránh tái phát và các biến chứng cho bệnh nhi.

Hiện tại, sau một thời gian được điều trị tích cực, bệnh nhi đã qua giai đoạn nguy hiểm nhưng phải tiếp tục theo dõi và điều trị trong thời gian khoảng 3 tháng nữa mới khẳng định được kết quả của đợt chữa trị vừa qua.

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Thời đại