Bệnh nhân là cháu Lý Thiên Nhật (2 tuổi, dân tộc Dao, ở Mộc Châu). Trước vào viện vài ngày, bé Nhật có ho, sốt, khạc đờm đục. Ở nhà đã được bố mẹ cho uống một số thuốc nhưng không đỡ.
Chiều 17/5, bệnh nhi được gia đình đưa đến khám tại Bệnh viện đa khoa huyện Mộc Châu chẩn đoán viêm phế quản cấp. Bé được chỉ định nhập viện điều trị nội trú tại Khoa Liên chuyên khoa. Tại đây, bệnh nhân đã được chỉ định làm đầy đủ các xét nghiệm, chụp XQuang tim phổi và chỉ định tiêm thuốc kháng sinh Cefmetazol 1g x1/2 lọ và Medphatobra 80 mg x1/2 ống.
Khai thác tiền sử bệnh nhân chưa có tiền sử dị ứng với loại kháng sinh nào. Trước đó, bé Nhật đã nằm điều trị nhiều lần tại Khoa Nhi bệnh viện này. Sau tiêm kháng sinh khoảng 5 phút, trẻ xuất hiện nổi đỏ da toàn thân sau đó có cơn ngừng thở, nổi vân tím toàn thân, mạch bẹn, mạch quay không bắt được, tim đập rời rạc.
Bệnh nhân sơ bộ được chẩn đoán Sốc phản vệ độ 4, tiên lượng rất nặng. Các bác sĩ đã nhanh chóng cấp cứu sốc phản vệ với sự tham gia của nhiều chuyên khoa qua quy trình báo động đỏ nội viện.
Cháu bé đã qua cơn nguy kịch và đang được theo dõi điêu trị tại khoa Nhi, BVĐK Mộc Châu. Ảnh: Gia đình&Xã hội.
Sau 2 giờ cấp cứu trẻ tỉnh, tự thở tốt qua mặt nạ có oxy hỗ trợ, mạch quay bắt rõ, nâng chỉ số ôxy trong máu lên 96%. Bệnh nhân được chuyển khoa Hồi sức cấp cứu theo dõi sát và điều trị tích cực theo phác đồ. Sau 2 ngày điều trị bệnh nhân ổn định được chuyển Khoa Nhi để theo dõi và điều trị tiếp.
Chia sẻ với PV, BSCKI Khuất Thanh Bình - Phó giám đốc, trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện đa khoa Huyện Mộc Châu cho biết: Trường hợp Sốc phản vệ này là một trường hợp xảy ra trên trẻ nhỏ, rất nặng, diễn biến nhanh, đe dọa tính mạng bệnh nhân, nguy cơ tử vong cao nhưng nhờ được phát hiện và điều trị kịp thời, đúng phác đồ.
Bệnh viện đã huy động kịp thời các bác sỹ chuyên khoa trong bệnh viện nên đã cấp cứu thành công. Điều này một lần nữa khẳng định tính hiệu quả của quy trình báo động đỏ nội viện trong các tình huống cấp cứu khẩn cấp tại bệnh viện.
Một trường hợp bệnh nhi bị sốc phản vệ sau tiêm kháng sinh điều trị viêm tiểu phế quản tại Phú Thọ.
Cũng theo BS. Bình, sốc phản vệ là phản ứng dị ứng hệ thống cấp, phát sinh khi có sự xâm nhập của “yếu tố lạ” (dị nguyên) vào cơ thể. Tác động của sốc phản vệ lên cơ thể rất nhanh, gây phù nề, xuất tiết niêm mạc và co thắt cơ trơn (phế quản và ruột) dẫn đến trụy tim mạch, suy hô hấp… và dễ tử vong.
Sốc phản vệ xảy ra ở những cơ thể có cơ địa dị ứng. Điều đó có nghĩa, với cùng một liều lượng, tốc độ và thời gian hấp thụ, phơi nhiễm, phản ứng sốc phản vệ có thể xảy ra ở người này nhưng chưa chắc xảy ra ở người khác.
Phần lớn tử vong do sốc phản vệ là không thể dự báo trước. Dị nguyên gây sốc phản vệ thường có 4 nhóm chính, đó là thuốc (thuốc tiêm hay truyền dịch), thức ăn, nọc côn trùng, phấn hoa (hay nấm mốc). Đây là tai biến y khoa không mong muốn và xảy ra đột ngột, kể cả ở những người khỏe mạnh.
Chỉ vài phút huyết áp tụt, mạch không bắt được mà không đưa mạch được trở về bình thường, bệnh nhân có nguy cơ ngừng tuần hoàn. Chính vì vậy, để xử trí sốc phản vệ, nhân viên y tế phải có chuyên môn, có kinh nghiệm lâu năm, kèm theo đó là phương tiện, dụng cụ cấp cứu tại chỗ.
Xem thêm clip: 5 bước 'cứu mạng' con khi bị sốc phản vệ sau tiêm vắc xin