Thứ sáu, 22/11/2024 | 06:49
RSS

Tự mua thuốc điều trị ho, bệnh nhân sốc phản vệ suýt nguy kịch tính mạng

Thứ hai, 13/08/2018, 11:46 (GMT+7)

Với bệnh nhân bị sốc phản vệ, việc cấp cứu phải tiến hành hết sức nhanh chóng bởi tính mạng bệnh nhân có thể chỉ tính bằng giây.

Tự mua thuốc điều trị ho, bệnh nhân sốc phản vệ suýt nguy kịch
Bệnh nhân sốc phản vệ suýt nguy kịch vì ​tự mua thuốc điều trị ho.

1h sáng tại phòng cấp cứu bệnh viện đa khoa Hùng Vương, các bác sỹ, điều dưỡng vẫn đang làm việc hết công suất, tập trung cao độ nhất để cứu chữa cho bệnh nhân D. V. T (75 tuổi, ở Phú Thọ).

Bệnh nhân được người nhà đưa vào phòng cấp cứu trong tình trạng nổi ban đỏ toàn thân, ngứa khắp cơ thể, rét run, thể trạng già yếu, khó thở.

Gia đình bệnh nhân cho biết, bệnh nhân bị ho đã nhiều ngày, gia đình tự mua thuốc gồm: Cefalexin 500mg, alpha, Dextromethorphan. Khoảng 22h ngày 11/08/2018 bệnh nhân uống mỗi loại một viên, 2h sau khi uống xuất hiện các triệu chứng ngứa, nổi ban đỏ toàn thân, rét run người, khó thở, gia đình ngay lập tức đưa bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu.

Qua lâm sàng và khai thác tiền sử của bệnh nhân các bác sỹ chẩn đoán nhanh bệnh nhân bị sốc phản vệ sau dùng thuốc và chỉ định cấp cứu tiêm ngay Adrenaline, ½ ống tiêm bắp, 5 phút sau tiếp tục tiêm ½ ống Adrenaline tiếp theo.

Sau hai mũi tiêm bệnh nhân hết khó thở, tình trạng ban đỏ toàn thân giảm nhanh, bệnh nhân tiếp tục được theo dõi sát tại phòng cấp cứu. Sau 30 phút ổn định, bệnh nhân được chuyển khoa Hồi sức cấp cứu bệnh viện theo dõi tích cực.

Chia sẻ với PV, Bác sỹ Lương Minh Tuấn – Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện đa khoa Hùng vương cho biết, sốc phản vệ là một phản ứng nguy hiểm có thể nhanh chóng đưa bệnh nhân đến tình trạng nguy hiểm do biến chứng co thắt đường thở, suy tuần hoàn.Nếu không được cấp cứu kịp thời bệnh nhân có thể tử vong trong thời gian ngắn.

Qua trường hợp bệnh nhân T., bác sỹ Tuấn cũng khuyến cá, bệnh nhân cần hết sức thận trọng khi sử dụng thuốc, cần khám và sử dụng thuốc theo đơn của bác sỹ, không tự ý mua thuốc khi không có chỉ định. Sau khi sử dụng thuốc nếu cơ thể xuất hiện những phản ứng bất thường như nổi ban đỏ, ngứa, khó thở, tức ngực cần đến ngay cở sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời. Với bệnh nhân bị sốc phản vệ, việc cấp cứu phải tiến hành hết sức nhanh chóng bởi tính mạng bệnh nhân có thể chỉ tính bằng giây.


Xem thêm Clip: Cách chà xát ngón tay giúp gan thận và dạ dày tự khỏe mà không tốn 1 xu

Lan Khuê
Theo Đời sống Plus/GĐVN