Thứ sáu, 29/03/2024 | 01:27
RSS

Căng thẳng đến nghẹt thở cứu bé gái 2 tháng tuổi bị sốc phản vệ

Thứ ba, 12/03/2019, 16:07 (GMT+7)

Mẹ cháu bé cho biết, ngay khi bác sĩ vừa rút mũi tiêm, mặt cháu tím tái, cả người co cứng và khóc thét lên.

Hành trình cứu em bé 2 lần bị sốc phản vệ

Vừa qua, các bác sỹ Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang đã cấp cứu thành công cho bệnh nhi Đỗ Thùy Anh (2 tháng tuổi, ở xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) bị sốc phản vệ nguy kịch do tiêm thuốc kháng sinh Rocephin tại bệnh viện tuyến huyện.

Bác sỹ CKII Nguyễn Thị Lê - Trưởng Khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang cho biết: “Trước đó 6 ngày bệnh nhi được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Lục Ngạn bệnh viêm tiểu phế quản bằng thuốc kháng sinh Rocephin. 5 ngày đầu cháu được tiêm thuốc Rocephin không xảy ra vấn đề gì, đến ngày thứ 6 có chỉ định cho ra viện của bác sỹ, trẻ được tiêm mũi Rocephin cuối cùng vào lúc 10h sáng trước khi xuất viện về nhà.

Sau khi tiêm hết thuốc, cháu Thùy Anh xuất hiện dấu hiệu tím tái toàn thân, khó thở, mạch nhanh và được các bác sỹ phát hiện sốc phản vệ. Các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa khu vực Lục Ngạn đã tiêm Adrenalin theo phác đồ cấp cứu sốc phản vệ nhưng trẻ vẫn không thoát sốc và được chuyển xuống Khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực và Chống độc – Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang để điều trị”.

Bệnh nhi được cấp cứu trong tình trạng kích thích vật vã, tím tái toàn thân, chi lạnh, mạch nhanh nhỏ khó bắt, thở oxy, bão hòa oxy động mạch qua da chỉ đạt 85%, nhịp tim nhanh 200 chu kỳ/phút... Các Bác sỹ Khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực và Chống độc tiếp tục thực hiện điều trị sốc phản vệ theo phác đồ cấp cứu chống sốc của Bộ Y tế - Thông tư số 51/2017/TT - BYT, nhanh chóng cho bé thở máy, đặt Catheter động mạch và theo dõi huyết áp liên tục. Sau 20 tiếng điều trị, cháu Thùy Anh bị tái sốc phản vệ pha 2 như da tái toàn thân, huyết áp không ổn định, mạch nhanh nhỏ khó bắt... tình trạng rất nguy kịch

Ngay lập tức các Bác sỹ, Điều dưỡng Khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực và Chống độc - Bệnh viện Sản Nhi đã hội chẩn với các Bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương và xác định tình trạng bệnh của cháu Thùy Anh rất nặng cần phải tiến hành các thủ thuật tại chỗ và hồi sức tích cực như đặt Catheter tĩnh mạch, thở máy, hồi sức tim phổi...

Sau 3 giờ cấp cứu tích cực thì trẻ thoát sốc, da hồng hào trở lại và tiếp tục được theo dõi sát sao tại Phòng Hồi sức tích cực của Bệnh viện. Sau 48 giờ kể từ lúc nhập viện, cháu Thùy Anh được cai máy thở, sức khỏe ổn định hơn. Đến ngày thứ 4 thì cháu bé tỉnh hoàn toàn, nhịp tim đều và bú sữa mẹ được. Trẻ vẫn được các bác sỹ và điều dưỡng theo dõi sát sao cho tới khi xuất viện. 

"Cháu mà có chuyện gì thật lòng chúng tôi không biết phải làm sao"

Căng thẳng đến nghẹt thở cứu bé gái 2 tháng tuổi bị sốc phản vệ
Bé Đỗ Thùy Anh trong vòng tay của mẹ.

Chia sẻ sau khi cháu Thùy Anh đã được cứu sống từ "cửa tử", chị Mạc Thị Hội, mẹ cháu xúc động chia sẻ: “Khoảng 10 ngày trước cháu bị viêm phế quản nên vợ chồng tôi có đưa cháu đi khám và điều trị tại bệnh viện tuyến huyện. Sang tới ngày thứ 6 cháu tiêm mũi cuối cùng trước khi ra viện thì xảy ra chuyện.

Ngay khi bác sỹ rút mũi tiêm ra khỏi người cháu, tôi thấy mặt cháu tím tái, cả người co cứng và khóc thét lên. Hai vợ chồng tôi hoang mang, sợ hãi vô cùng vì cháu còn nhỏ quá, mới có 2 tháng tuổi thôi. 

Vợ chồng chúng tôi mong mãi mới được mụn con gái, cháu mà có chuyện gì thật lòng chúng tôi không biết phải làm sao. Nhìn con nằm viện điều trị, phải chạy máy thở, phải tiêm truyền thuốc xót xa vô cùng.

Bao nhiêu ngày con đau là bấy nhiêu ngày vợ chồng chúng tôi mất ăn mất ngủ cùng con. Tại đây vợ chồng tôi mới thấy các Bác sỹ ở Khoa cấp cứu, Hồi sức tích cực và Chống độc của Bệnh viện đã vất vả như thế nào.

Cả ngày lẫn đêm luôn có các bác sỹ túc trực bên cháu, theo dõi sát sao tình trạng của cháu để cứu cháu thoát khỏi cửa tử. Từ tận đáy lòng gia đình chúng tôi thật lòng rất biết ơn các bác sỹ đã cứu chữa thành công cho con tôi vì hy vọng sống của cháu khi đó quá mong manh."

Theo thông tin cập nhật từ phía gia đình thì sau 7 ngày nằm điều trị tại viện, cháu Đỗ Thùy Anh đã được xuất viện về nhà. Hiện tại sức khỏe cháu phục hồi tốt và ăn ngủ ngon, tái khám tim phổi của cháu hoàn toàn bình thường. 

Sốc phản vệ là phản ứng quá mẫn tức thì đe dọa tính mạng bệnh nhân. Sốc phản vệ xảy ra khi hệ miễn dịch của trẻ nhạy cảm quá mức với một chất gây dị ứng mà trẻ được tiếp xúc hay được tiêm vào người. Khi đó, cơ thể trẻ sẽ kích thích sản xuất một chất có tên là Histamine và các hóa chất khác với số lượng lớn chỉ trong vài phút khiến trẻ bị sốc.

Các chuyên gia khuyến cáo nguy cơ sốc phản vệ có thể xảy ra ở mọi người, cực kỳ nguy hiểm, nhất là ở trẻ nhỏ. Sốc phản vệ có thể xảy ra ngay sau khi tiếp xúc hoặc cũng có thể xảy ra muộn. Nếu không không được phát hiện, chẩn đoán, xử trí kịp thời và bệnh nhân rất dễ tử vong. Vì thế khi bị bệnh, người dân nên đến các cơ sở y tế để được bác sỹ khám và điều trị kịp thời, tránh tình trạng tự điều trị tại nhà rất dễ xảy ra các biến chứng nguy hiểm  tới tính mạng.

Lê Khanh
Theo Đời sống Plus/GĐVN