Thứ sáu, 29/03/2024 | 06:35
RSS

Bất ngờ về gia sản 'khủng' của thiếu gia miền Tây Tô Công Lý vừa bị bắt

Thứ hai, 19/08/2019, 10:01 (GMT+7)

Ngày 18/8, dư luận tỉnh Cà Mau xôn xao trước thông tin ông Tô Công Lý - Phó Tổng Giám đốc công ty TNHH Xây dựng – Thương mại – Du lịch Công Lý (công ty Công Lý), bị bắt với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ông Tô Công Lý là con trai của đại gia Tô Hoài Dân. Vị này cũng đồng thời đảm nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc của Công ty Công Lý, và là một đại gia có tiếng ở miền Tây.

Theo ĐSPL, công ty Công Lý được thành lập ngày 10/11/2000 do ông Tô Hoài Dân làm Chủ tịch HĐQT. Theo đăng ký thay đổi lần thứ 18 ngày 23/09/2013, công ty này có vốn điều lệ 700 tỷ đồng.

Công ty Công Lý được biết đến như “cá mập” tại tỉnh Cà Mau với hàng loạt dự án lớn như xây dựng Khu du lịch Khai Long và Đất Mũi với số vốn đầu tư trên 50 tỷ đồng, đã đưa vào khai thác năm 2005; Thi công xây dựng bờ kè vành đai Biển Đông (Cà Mau), xây dựng nhiều cầu đường thuộc tuyến Khai Long – Đất Mũi và Đầm Dơi – Thanh Tùng;

Đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý thải thành phố Cà Mau với tổng mức đầu tư 329 tỷ đồng (đây cũng là nhà máy rác duy nhất tại Cà Mau). Hiện nay, nhà máy đã đi vào hoạt động, bình quân mỗi ngày xử lý được 105-110 tấn rác thải được thu gom trong khu vực thành phố Cà Mau và 04 huyện lân cận;…

Chưa kể, UBND tỉnh Cà Mau vào năm 2015 đã có Tờ trình 84/TTr - UBND đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư và chỉ định nhà đầu tư là Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý thực hiện Dự án Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai. Dự kiến, tổng vốn đầu tư cảng tổng hợp Hòn Khoai khoảng 2,5 tỷ USD, trong đó 15% vốn doanh nghiệp, 85% vốn vay từ US – Exim Bank.

Ngoài ra, Công Lý còn là doanh nghiệp có nhiều tâm huyết với các dự án nhà máy điện gió. Vào cuối năm 2013, công ty này đã đưa vào hoạt động nhà máy điện gió đầu tiên của Việt Nam tại xã ven biển Vĩnh Trạch Đông, TP.Bạc Liêu với 10 cột turbine điện gió (giai đoạn 1) với tổng mức đầu tư 1.024 tỷ đồng, hiện tại dự án đang triển khai giai đoạn 2 với 52 trụ turbine với tổng mức đầu tư dự án 4.200 tỷ đồng, công suất bình quân phát lên lưới điện quốc gia.

Gia sản 'khủng' của thiếu gia miền Tây Tô Công Lý vừa bị bắt
Chân dung thiếu gia Tô Công Lý. Ảnh: Vietnamfinance

Cùng với việc thực hiện nhiều dự án, doanh nghiệp của ông Tô Hoài Dân còn góp vốn thành lập nhiều nhiều công ty như: CTCP Điện gió Bình Châu 1, CTCP Điện gió Bình Châu 2 và CTCP Điện gió Bạc Liêu.

Có một sự trùng hợp là các doanh nghiệp trên đều có vốn điều lệ chỉ 2 tỷ đồng, có cùng địa chỉ trụ sở chính, cùng 1 ngành nghề kinh doanh (hoạt động tư vấn quản lý) và giống nhau đến cơ cấu cổ đông, cụ thể, đó là công ty TNHH Năng lượng Nami 30%; công ty TNHH Xây dựng – Thương mại – Du lịch Công Lý 69% và pháp nhân Trần Thị Thanh Trúc 1%. Các doanh nghiệp này đều do ông Tô Hoài Dân trực tiếp đứng tên.

Ngoài ra, ông Dân (bố thiếu gia Tô Công Lý) cũng đang là Người đại diện theo pháp luật(kiêm Chủ tịch HĐQT CTCP) Super Wind Energy Công Lý Sóc Trăng; CTCP Super Wind Energy Công Lý Sóc Trăng Hồ Bể; CTCP Super Wind Energy Công Lý Cà Mau và  CTCP Super Wind Energy Công Lý Cà Mau Khai Long.

Ông Lý từng đi xe ô tô biển số ngoại giao và có còi hú riêng. Đặc biệt, ông Lý gây chú ý dư luận vì đã đuổi việc nữ công nhân nhặt được vàng trong lúc phân loại rác, do không báo lên lãnh đạo. Số vàng nữ công nhân đã nhặt được gồm 2 chỉ vàng 24K và 4,7 lượng vàng 18K. Lý do nữ công nhân bị đuổi việc là vi phạm nội quy của Công ty về kiểm soát ra, vào cổng và chống trộm cắp. Do không báo lãnh đạo nên nữ công nhân bị nhà máy yêu cầu giao nộp toàn bộ số vàng nhặt được, báo Kiến Thức cho hay.

Không đồng tình với quyết định này, nữ công nhân khởi kiện Công ty Công Lý và được tòa án tuyên thắng kiện. Sau đó, Tòa án buộc Công ty Công Lý nhận nữ công nhân trở lại làm việc, trả lương trong thời gian công nhân này không đi làm (trên 76 triệu đồng) và đảm bảo các khoản bảo hiểm cho người lao động trong thời gian đó.

Đáng chú ý là 3 năm trước, doanh nghiệp này “nổi như cồn” vì cùng một lúc tặng hai chiếc xe ô tô xe Lexus cho UBND tỉnh Cà Mau.

Theo báo giới, gia đình ông Lý đã tặng hai xe sang Lexus GX 460 trị giá trên 6 tỷ đồng cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cà Mau với biển số xanh lần lượt là 80A-338.39 và 80A-369.69. Tuy nhiên, khi thông tin trên vấp phải sự phản ứng dữ dội của công luận thì cả hai chiếc xe đã được trả lại.

Thời gian gần đây, Công ty Công Lý cũng thu hút sự chú ý của dư luận với việc đề xuất UBND tỉnh Cà Mau cấp kinh phí và đất để chôn xác thai nhi do Nhà máy rác của công ty phát hiện từ khi đi vào hoạt động.

Theo đó, Công ty Công Lý cho biết đã phát hiện và tự chôn cất hơn 300 thi thể thai nhi trong vòng 7 năm hoạt động. Tuy nhiên, sau đó, UBND tỉnh Cà Mau đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành liên quan, sau khi có kết quả điều tra, xác minh vụ việc phát hiện hơn 300 thi thể thai nhi tại Nhà máy Xử lý rác thải TP Cà Mau.

Văn bản gửi đi nêu rõ, việc Công ty Công Lý khai báo từ khi hoạt động đến nay đã phát hiện hơn 300 thi thể thai nhi bị bỏ rơi nằm lẫn trong rác, sau đó chôn cất trong khuôn viên của nhà máy là chưa có cơ sở.


 

Chi Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN