Thứ sáu, 29/03/2024 | 20:36
RSS

Bất chấp mưa rét, cả trăm đàn ông Nam Định cởi trần cướp trái giữa bùn lầy

Thứ năm, 30/01/2020, 15:10 (GMT+7)

Lễ hội làng Tuân Lục (Nam Định) diễn ra với trò chơi dân gian “Cướp Trái” thể hiện tinh thần thượng võ, tri ân công đức của Thành hoàng làng.

Lễ hội làng Tuân Lục (huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) diễn ra từ ngày mùng 4-6 tháng Giêng. Lễ hội diễn ra nhằm kỷ niệm ngày sinh của Thành hoàng Đỗ Công Hạo (một vị quan triều Lê Sơ).

Mở đầu lễ hội là nghi thức rước kiệu, những chàng trai tham gia liên tục quay chiếc kiệu trên vai trong tiếng vỗ tay và hô lớn “Reo đi, reo đi …” của người dân xung quanh.

Theo truyền thuyết, Thành hoàng Đỗ Công Hạo tham gia đánh giặc và hy sinh ngay trên mảnh đất quê hương. Mộ của ông được được đặt ngay cạnh đền Tuân Lục. Tục “cướp trái” đầu năm là một phong tục đẹp không thể thiếu trong hội làng của người dân làng Tuân Lục để tưởng nhớ tới vị Thành hoàng làng.

Hàng trăm năm qua, trò chơi truyền thống của người dân nơi đây đã trở thành nét đẹp văn hóa không thể thiếu được mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Bao năm qua, người dân làng Tuân Lục luôn coi tục “Cướp Trái” là nghi thức đẹp trong đời sống văn hóa tâm linh còn tồn tại đến ngày nay. Người tham gia chơi cướp trái phải là những nam thanh niên đủ 18 tuổi, được chia làm hai đội đỏ và vàng.

Quả Trái đẽo bằng gỗ mít, được bọc trong giấy đỏ. Đội chiến thắng là đội đưa được quả Trái về cột cờ của phía mình. Khi hai đội vào vị trí chuẩn bị, chủ tế sẽ thả quả Trái xuống lò (một cái hố được đào sẵn) và trận đấu lúc đó mới bắt đầu.

Bất chấp mưa rét, cả trăm đàn ông Nam Định cởi trần cướp trái giữa bùn lầy

Bất chấp mưa rét, cả trăm đàn ông Nam Định cởi trần cướp trái giữa bùn lầy
Hình ảnh đẹp từ lễ hội. Ảnh: Zing & Thanh Niên

Trong ngày 4 Âm Lịch, sẽ chỉ có 2 chủ tướng của hai đội vàng và đỏ tham dự. Trên sân chơi có một hố lớn sâu 60 cm gọi là lò cái, quả trái sẽ được thả xuống đây và hai đội có nhiệm vụ đưa quả trái về cột cờ của phía mình. Bên nào cướp được trái nhanh nhất sẽ thắng cuộc. Khu vực diễn ra cướp trái là một khoảnh ruộng được lựa chọn trước, có cắm cờ từ trước để giới hạn.

Sau khi quả trái được thả xuống hố, ngay lập tức hàng chục thanh niên to khỏe cùng lao vào nhau. Theo luật của trò chơi, người chơi chỉ được nắm vào khố của nhau để kéo, ngoài ra không được ôm, cầm tay chân và tuyệt đối không được đánh nhau.

Trung bình thời gian một trận cướp trái có thể diễn ra từ 10 phút đến 1 giờ đồng hồ. thời tiết rất rét, chỉ khoảng 13 độ C kèm mưa khiến sân ruộng bê bết bùn đất, cuộc chơi cũng vì thế trở nên nhiều thử thách hơn.

Cuộc chơi cướp trái không quan trọng thắng thua vì ai tham dự cũng được nhận lộc Thánh lấy may. Phong tục này còn góp phần nhắc nhở người dân phải thường xuyên rèn luyện sức khỏe mang ước vọng về cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc giúp gắn kết tình làng, nghĩa xóm.

Không chỉ nhắc nhở người dân phải thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe, sự nhanh nhẹn, dẻo dai... mà tục "Cướp Trái" còn mang ước vọng, khát khao về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

“Cướp Trái” không có giải, thắng thua không quan trọng, quan trọng là tình làng, nghĩa xóm được gắn kết, niềm vui, sự may mắn sẽ đến với mọi nhà.

Chi Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN